.

Y học cổ truyền: Phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết

Thứ Năm, 14/07/2016, 11:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn.

Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc đặc trị và vacxin phòng bệnh. Các trường hợp sốt xuất huyết cần được theo dõi, điều trị tại y tế cơ sở; chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.

Bệnh xuất huyết thường ở nhiều dạng như xuất huyết dưới da: Làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. Phân biệt với vết muỗi cắn bằng cách căng da chung quanh chấm đỏ, nếu chúng vẫn còn là do xuất huyết, ngược lại nếu biến mất thì đó là vết muỗi cắn. Chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng, ói hoặc đi cầu ra máu,  rong kinh ở phụ nữ, phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết vào thời điểm chuyển dạ lại càng nguy hiểm hơn vì có thể mất máu nhiều... Sốt cao đột ngột 39-40 độC, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt.

Ở thể nhẹ, người bệnh thường có biểu hiện đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban. Khi bị nặng sẽ xuất hiện dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). Đồng thời, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Một trong những biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh sốt xuất huyết là nới lỏng quần áo, chườm mát. Thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15 mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ, không quá 60mg/kg cân nặng/24h và cần bù dịch sớm bằng cách uống oresol áp lực thẩm thấu thấp (Hydrite), nước trái cây, ăn cháo muối loãng, có thể truyền dịch khi cần thiết.

Trong y học cổ truyền, việc điều trị sốt xuất huyết thường được tiến hành ở giai đoạn sớm, khi bệnh còn nhẹ. Song khi bệnh đã chuyển nặng thì việc kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền sẽ phát huy tác dụng tích cực trong việc làm giảm các biến chứng, hồi phục nhanh và tốt hơn so với điều trị đơn thuần bằng y học hiện đại.

Theo y học cổ truyền bệnh sốt xuất huyết là do nhiệt tà gây sốt, ban chẩn và xuất huyết cho nên nguyên tắc điều trị cơ bản của y học cổ truyền là thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, chỉ huyết; nghĩa là làm cho mát cơ thể, mát huyết, đưa huyết về trạng thái bình thường, giải độc cơ thể và cầm máu. Tùy theo mức độ nhiệt tà đã thâm nhập nông hay sâu, y học cổ truyền có nhiều phương thuốc tương ứng để sử dụng tùy theo từng giai đoạn bệnh.

Y học cổ truyền xếp bệnh sốt xuất huyết vào nhóm ôn bệnh và ôn dịch (ôn dịch vì có tính lây lan thành dịch). Qua thực tiễn nhiều năm cho thấy thuốc cổ truyền có khả năng điều trị tốt bệnh sốt xuất huyết độ I, độ II. Phép điều trị: thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, giải độc, nâng cao thể trạng. Nguyên tắc điều trị chung: uống thuốc cổ truyền kết hợp nghỉ ngơi, ăn nhẹ dễ tiêu.

Ngoài ra, người dân cũng cần biết những bài thuốc đơn giản để phòng chữa bệnh sốt xuất huyết như: giai đoạn bị bệnh có thể dùng: lá cúc tần 12g, cỏ nhọ nồi 16g, mã đề 16g, trắc bách diệp (sao đen) 16g, sắn dây (củ) 20g, rau má 16g, lá tre 16g, gừng tươi 3 lát. Nếu không có sắn dây củ thì thay bằng lá dâu 16g. Nếu không có trắc bách diệp thì thay bằng lá sen sao đen 12g, hoặc kinh giới sao đen 12g. Cách dùng: cho 600ml nước sạch, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần.

Hoặc bài thuốc sau: Cỏ nhọ nồi 20g, cối xay (sao vàng) 8g, rễ cỏ tranh 20g, sài đất 20g, kim ngân (hoa, lá, cuộng) 12g, hạ khô thảo 12g, hoa hòe (sao vàng) 10g, gừng tươi 3 lát. Nếu không có hạ khô thảo thì thay bằng bồ công anh 12g. Cách dùng: Cho 600ml nước sạch, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần...

Khi điều trị cho trẻ em, liều dùng các bài thuốc trên như sau: Trẻ em từ 1-5 tuổi: liều bằng 1/3 liều người lớn. Trẻ em từ 6-13 tuổi: liều bằng 1/2 liều người lớn. Trẻ em từ 14 tuổi trở lên: liều bằng người lớn. Trẻ em còn bú mẹ thì cho mẹ uống thuốc, qua sữa mẹ điều trị cho con.

Ở giai đoạn hồi phục, khi bệnh nhân hết sốt, các nốt xuất huyết lặn dần, người mệt mỏi, ăn kém có thể dùng bài thuốc “Bổ trung ích khí thang” bao gồm: đảng sâm 16g, bạch truật 12g, trần bì 8g, hoàng kỳ 12g, thăng ma 8g, cam thảo 6g, đương quy 12g, sài hồ 10g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần, hoặc có thuốc hoàn thì uống theo chỉ dẫn ghi trong đơn (chú ý: không dùng cho trẻ em). Sốt xuất huyết Dengue mức độ nặng nhất thiết phải điều trị bằng y học hiện đại hoặc kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền. Khi bệnh nhân đang sốt cao không được dùng nhân sâm và các chế phẩm có nhân sâm.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

Để phòng chống muỗi đốt mỗi người dân, đặc biệt là trong các vùng dễ mắc bệnh cần mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày, dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi và tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Bác sĩ Hoàng Thị Kim Thoa