.
Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11-7:

Mất cân bằng giới tính khi sinh: Hệ lụy khó lường

Thứ Hai, 11/07/2016, 08:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng phức tạp, tuy không phải là quốc gia đầu tiên đối mặt với vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng thách thức này đã rất rõ ràng và ngày càng tăng lên tại Viêt Nam. Quảng Bình là một trong những tỉnh đang phải đối diện với xu hướng này.

Tỷ số giới tính khi sinh được tính bằng số trẻ em sinh là trai/100 bé gái. Chỉ số này được coi bình thường trong khoảng 103-106 nam/100 nữ. Duy trì chỉ số này trong giới hạn cho phép sẽ bảo đảm sự cân bằng trong phát triển tự nhiên và xã hội của một quốc gia, địa phương.

Theo số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999 đến nay, trên phạm vi cả nước, tỷ số giới tính khi sinh năm 1999 là 107 đến năm 2006 là 110. Năm 2012 đã tới mức 112,3 và theo dự báo, trong thời gian tới, tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta có xu hướng tiếp tục tăng. Tại tỉnh ta, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh là 104,4 nam/100 nữ. Số liệu báo cáo thống kê chuyên ngành của Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố trong những năm gần đây, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh  đều cao hơn mức bình thường, cụ thể trên toàn tỉnh năm 2015 là 112 bé nam/100 bé nữ, trong đó có một số địa bàn đang ở mức báo động như huyện Minh Hóa 129 bé trai/100 bé gái, Đồng Hới 112 bé trai /100 bé gái, Bố Trạch 111 bé trai /100 bé gái...

Điều này cho thấy tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại tỉnh ta đã xảy ra ở diện rộng và là tỷ lệ này đều vượt ngưỡng cho phép 107 nam/100 nữ ở hầu hết các địa bàn... Nguyên nhân chủ yếu vẫn là tư tưởng muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, thừa kế gia sản... Chính sách quy mô gia đình nhỏ cũng đã tác động mạnh đến việc nhiều cặp vợ chồng muốn sinh con trai ngay từ lần sinh đầu tiên dẫn đến việc lựa chọn giới tính trước sinh như: siêu âm, nạo phá thai...

Để từng bước giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và hạn chế những hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, trước hết cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là việc tuyên truyền vận động nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp, sự ủng hộ và tham gia của tổ chức và người có uy tín ở cộng đồng; cần ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, tổ chức đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế của người phụ nữ, lồng ghép các nội dung tuyên truyền vận động liên quan đến mất cân bằng giới tính vào các hoạt động của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức và tại cộng đồng.

Các cơ quan tổ chức liên quan cần thống kê chính xác số trẻ em trai, trẻ em gái sinh ra còn sống theo hàng quý và hàng năm theo từng bản làng, thôn xóm, cụm dân cư để làm căn cứ tính giới tính khi sinh ở cấp xã; giám sát việc thống kê và báo số trẻ em trai, trẻ em gái sinh ra còn sống và việc thực hiện bình đẳng giới; đồng thời tăng cường các hoạt động tuyên truyền vận động và truyền thông chuyển đổi hành vi ở cộng đồng.

Các cơ quan, tổ chức và người có uy tín ở cộng đồng cần ủng hộ và tham gia tích cực vào các hoạt động liên quan tới việc phòng ngừa và giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; vận động các thành viên của cơ quan, tổ chức, con cháu trong gia đình không cố đẻ thêm con trai, không siêu âm để xác định giới tính thai nhi và không nạo phá thai vì lý do giới tính.

Đối tượng để tuyên truyền, giáo dục và tư vấn ưu tiên là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là các cặp vợ chồng sinh con đầu lòng là con gái hoặc các lần sinh trước là con gái và những người cung cấp dịch vụ siêu âm, phá thai.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế tư nhân, xử lý nghiêm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi theo quy định; chú trọng công tác thi đua, khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác này...

Năm 2015, năm đầu tiên tỉnh ta được Bộ Y tế, Tổng cục Dân số-KHHGĐ cho phép triển khai thực hiện mô hình “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của mô hình, Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh, đơn vị trực tiếp thực hiện và chỉ đạo thực hiện các hoạt động đã tích cực xây dựng kế hoạch và triển khai thí điểm các nội dung của mô hình tại 5 huyện, thị xã, thành phố, với các hoạt động cụ thể như: Tổ chức hội thảo triển khai các hoạt động can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, vai trò và phương thức lồng ghép tuyên truyền về giới tính khi sinh với các hoạt động của ban, ngành, đoàn thể; tập huấn kỹ năng truyền thông, tư vấn và vận động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cho đội ngũ cán bộ dân số - KHHGĐ ở cơ sở nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thái độ, hành vi và không tìm kiếm các dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi; tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn trực tiếp, cung cấp thông tin, nói chuyện chuyên đề với hơn 900 đối tượng là lãnh đạo Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và tại cộng đồng về các vấn đề về quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, các biện pháp ngăn chặn phân biệt giới, lựa chọn giới tính; truyền thông trên sóng phát thanh truyền hình với chủ đề “Mất cân bằng giới tính khi sinh – Còn đó những thách thức”...

Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh nhằm đưa chỉ số này về mức cân bằng là nhiệm vụ không chỉ của mỗi một cá nhân mà là của tất cả chúng ta. Các hoạt động can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cần được triển khai đồng bộ, thường xuyên nhằm giảm những hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh một cách bền vững, tạo cuộc sống tốt đẹp cho thế hệ tương lai mai sau.

N.T.N.H