.

Mải mê trên những cánh đồng...

Thứ Bảy, 17/08/2013, 10:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Có thể nói về đội ngũ cán bộ, nhân viên của Tổng Công ty Nông nghiệp Quảng Bình (TCTNNQB) như vậy. Bởi suy cho cùng, giống cây trồng trong đó chủ lực là giống lúa, rồi đến phân bón NPK Sao Việt với mục đích duy nhất là hướng đến những cánh đồng, địa chỉ của nó là những cánh đồng. Và, họ đã mải mê với công việc như cái nghiệp mang vào mình với những thành công đáng kể...

 

Ruộng thử nghiệm giống lúa SV5.
Ruộng thử nghiệm giống lúa SV5.

Chiều thứ hai vừa rồi, cộng sự của anh Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Quảng Bình gọi điện thoại cho tôi: "Anh có rảnh thì mai ra Quảng Trạch xem giống lúa mới, hay lắm"! Đang muốn đi cơ sở nên tôi liền ok!

Sáng thứ ba, khi lên xe, trên đường ra Quảng Trạch, chuyện sản xuất nông nghiệp rộ lên bởi ngoài mấy phóng viên còn có mặt một trưởng phòng của ngành Nông nghiệp, liên quan mật thiết đến giống má, anh Trần Đình Hiệp. Anh Hiệp kể, có một cán bộ của Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa mới vào Quảng Bình, thắc mắc rằng ở Quảng Bình chỉ mỗi TCTNNQB làm giống, sao chẳng có "anh" nào cạnh tranh? Có người trả lời có đấy chứ, nhưng cạnh tranh không nổi với ông Bình nên họ... rút!

Thì ra, chẳng ai cấm ai, chẳng ai độc quyền. Sở Nông nghiệp và PTNT luôn động viên khuyến khích và tạo điều kiện cho các đơn vị làm giống, vấn đề là ai làm tốt thì có được nhiều... nông dân, mà làm nông nghiệp khi không có nhiều nông dân ủng hộ là "thua"...

Chuyện làm ăn trên những cánh đồng giản dị như hạt lúa, củ khoai vậy...Chẳng thế mà hàng năm, TCTNNQB đã cung ứng ra thị trường suốt vùng đất miền Trung, Tây Nguyên và vào tận Nam Bộ hàng ngàn tấn hạt giống. Riêng năm 2012 là 4.300 tấn hạt giống các loại và 30 nghìn tấn phân bón. Và năm 2013, cũng đã đạt con số kế hoạch mà đơn vị đã đề ra với mức tăng trưởng 5- 7% so với năm 2012.

Về phân bón, sau chỉ ba năm có mặt trên thị trường, NPK Sao Việt của công ty đã đánh bạt được các "đại gia" trên "mặt trận" Tây Nguyên. Tất nhiên để có được thành công này doanh nghiệp đã tốn nhiều công sức, bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm NPK Sao Việt là một loạt chiêu tiếp thị ngay trên từng lô cà phê Tây Nguyên... Không chỉ cung ứng giống, phân, từ năm trước tôi đã nghe anh Bình nói về ý tưởng tạo bộ giống lúa chất lượng cao cho riêng mình...

Tản mạn chuyện đông tây rồi chúng tôi cũng đến bên cánh đồng lúa đang chín tới tại thôn Hướng Phương, xã Quảng Phương, nơi TCTNNQB đang khảo nghiệm giống lúa mới.

Cái loa phát thanh trên tay anh Nam, Trưởng phòng Kiểm nghiệm của TCTNNQB phát huy tác dụng. Có đến 4 giống lúa đang trồng khảo nghiệm ở đây, trên diện tích 1,5 ha. Đó là giống SV5, SV55, QN 247 và LTH 134. Nhìn bao quát với con mắt của người không làm nông nghiệp cũng cảm thấy thích thú trước những đám ruộng...đẹp và cũng rất dễ nhận thấy sự khác biệt với diện tích ruộng sử dụng giống lúa khác để đối chiếu ở bên cạnh. Có rất nhiều người lội cả xuống đồng, tay níu từng bông lúa, vạch từng gốc lúa, có người còn đếm số hạt trên mỗi bông...

Hỏi anh Bình mới biết trong buổi trình diễn giống lúa này có đủ "tinh hoa" của lực lượng sản xuất nông nghiệp các địa phương phía bắc tỉnh. Với con mắt "nhà nghề" họ có thể phân tích, đánh giá chính xác những ưu điểm cũng như hạn chế về giống lúa đang trong thời kỳ chín tới.

Anh Đàm Xuân Hường, cán bộ nông nghiệp xã Quảng Châu, cho rằng với diện tích canh tác trên dưới 400 ha, nhiều loại hình đất khác nhau ở Quảng Châu, các giống lúa này sẽ đáp ứng được sản xuất của địa phương, đặc biệt là giống SV5. Còn với một cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Quảng Trạch đã phân tích cả về hàm lượng dinh dưỡng trong hạt gạo của các giống lúa mới, vượt mức gạo chất lượng cao... Một chi tiết cũng cần được tham khảo đó là ý kiến anh Cao Xuân Tuấn, phụ trách trồng lúa khảo nghiệm ở đây: tất cả đất trồng đều chọn ngẫu nhiên, chăm sóc cũng theo đại trà không có một ưu tiên nào cho 1,5 ha lúa khảo nghiệm.

Tìm hiểu giống thử nghiệm.
Tìm hiểu giống thử nghiệm.

Có một điều tôi băn khoăn, rằng năm ngoái cũng đã có sản xuất những giống như thế này sao năm nay vẫn làm? Thay cho việc trả lời trực tiếp câu hỏi này tôi được nghe giải thích khá kỹ về quy trình để có một giống lúa mới đưa vào sản xuất đại trà. Trước hết doanh nghiệp lai tạo để chọn giống rồi được đưa ra trồng khảo nghiệm trên diện hẹp. Tiếp đó là khảo nghiệm trên diện rộng. Khi khảo nghiệm trên diện rộng (trong một số vụ liên tiếp) và được cơ quan chức năng chấp thuận sẽ tiến hành bước thứ ba là sản xuất thử trên diện rộng. Sau sản xuất thử nếu lại đạt kết quả tốt sẽ trở thành bộ giống tiến bộ kỹ thuật để đưa ra sản xuất một vài vụ trước khi trở thành giống chính thức trên thị trường...

Nghe đủ các bước này mới hay, không hề dễ dàng cho cái việc làm ra hạt giống, nhất là giống lúa mới. Mà cũng đúng thôi, giống lúa liên quan đến cả làng cả xã, cả tỉnh chứ đâu riêng một mảnh ruộng, vì thế ải "kiểm duyệt" giống lúa bao giờ cũng gắt gao, nghiêm ngặt. Mặt khác, giống phải hội đủ những tiêu chí phù hợp với từng vùng đất mới giúp người nông dân có được những kết quả cao trong sản xuất và cũng chính điều này tạo sự bền vững trong làm ăn giữa đơn vị cung cấp giống và nông dân.

Tiêu chí giống của anh là gì? Chúng tôi hỏi anh Bình. Anh Bình nói, đó là năng suất, chất lượng và an toàn trong sản xuất. Năng suất, chất lượng thì đã rõ, còn an toàn theo nghĩa nào? Anh cho biết, sự biến đổi khí hậu đang tác động một cách khốc liệt đến sản xuất nông nghiệp, mà cụ thể là hạn hán, lũ lụt bất thường, sâu bệnh cũng phức tạp hơn.

Vì vậy cơ cấu giống phải có thời gian sinh trưởng ngắn hơn để rút ngắn thời gian sản xuất trên đồng ruộng. Lâu nay chủ yếu tìm giống ngắn ngày trong vụ hè thu, nay chúng tôi tìm giống ngắn ngày cho cả vụ đông- xuân...

Anh Bình còn giải thích, ở ta lâu nay các giống lúa đã "già cỗi" vì đưa vào sử dụng đã quá lâu, với những hạn chế như năng suất, chất lượng đã bắt đầu giảm, dịch bệnh nhiều hơn..., đã đến lúc cần phải thay đổi. Rồi anh Bình hạ giọng, làm giống mất nhiều thời gian lắm, không tính bằng tuần, bằng tháng mà phải tính bằng mùa vụ, bằng năm, nhiều năm để có được một bộ giống mới...Và, lâu nay chúng tôi cũng mới sử dụng bộ giống do các cơ quan khác lai tạo, còn lần này 3 bộ giống trên (trừ giống LTH 134 do Viện Khoa học Nông nghiệp lai tạo) là do chúng tôi lai tạo, chọn lọc và chúng đều đã được khảo nghiệm từ vụ đông- xuân 2011-2012 đến nay, không chỉ ở tỉnh ta mà cả các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định, lên các tỉnh ở Tây Nguyên.

Đến lúc này tôi mới thực sự chăm chú vào những "chỉ tiêu cơ bản" của các giống lúa đang khảo nghiệm và các giống lúa đối chiếu. Giống SV 5 có thời gian sinh trưởng khi sản xuất vụ đông- xuân là dưới 100 ngày, vụ hè - thu dưới 85 ngày (ngắn hơn giống IR 50404 khoảng  2-3 ngày), năng suất vượt IR 50404 trên 8%, chất lương gạo ngon.

Còn giống SV 55, thời gian sinh trưởng vụ đông- xuân ít hơn 115 ngày, vụ hè thu ít hơn 100 ngày, so với giống HT1 ngắn hơn từ 3-5 ngày, còn năng suất vượt HT1 khoảng 8-10%, lại thích hợp trên nhiều chân ruộng, kể cả ruộng phèn, chua, mặn, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt...Giống lúa này sẽ phù hợp cho sản xuất cả hai vụ đông- xuân và hè- thu. Còn giống QN 247 sẽ là sự thay thế cho giống KD18, vốn "trị vì" trên đồng đất miền Trung và Tây Nguyên đã quá lâu, dấu hiệu "già cỗi" về năng suất, chất lượng đã xuất hiện...

Mải mê trên những cánh đồng và họ đã làm được những điều đáng trân trọng. Nhưng cánh đồng và người nông dân còn bao điều trăn trở rất cần họ- những người làm công tác giống, tiếp tục kề vai sát cánh và cảm thông chia sẻ.

                                                                              Văn Hoàng