.

Đau cùng nỗi đau - Bài 2: Tuổi già, phận mỏng

Thứ Hai, 12/08/2013, 12:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông chuẩn bị đến cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, bà kém ông hai tuổi. Ông bà có năm người con, bốn trai, một gái. Con cái đều đã trưởng thành nhưng cứ lơ ngơ, láo ngáo... quanh năm suốt tháng quanh quẩn trong ngôi nhà nhỏ. Những đứa con không bình thường vì di chứng chất độc da cam. Gặp tôi, ông bần thần... “Trẻ thời cậy cha, vợ chồng già tui, giờ biết cậy ai bây chừ?”.

>> Bài 1: Câu chuyện của người trong cuộc

Ông tên Võ Khắc Yên, sinh năm 1947, bà Võ Thị Xoan, sinh năm 1949, gia đình hiện đang sinh sống tại thôn Hòa Bình, xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh). Ông bà có năm người con: Võ Văn Tĩnh (SN 1976), Võ Văn Thức (SN 1979), Võ Mạnh (SN 1984), Võ Thị Miền (SN 1988) và Võ Niên (SN 1990).

Nếu nhìn vào gia đình ông Yên, nhìn qua những người con lành lặn, mặt hiền khô, chắc chắn sẽ nhầm tưởng rằng đây là một gia đình nông dân bình thường, dù nghèo nhưng không đến nỗi túng bần. Thêm một chút thời gian nữa, mới thấy trong chút bình yên đó ẩn chứa nhiều cái bất thường. Tĩnh, Thức, Mạnh, Niên thấy khách lạ, mỗi người một góc nhà ngồi bần thần nhìn ra... im lặng!

Ông trải chiếu mời khách ngồi, bà Xoan pha nước cho khách, theo đó câu chuyện về ông, về bà, về gia đình... được hai người già chắp nối lại. Bà nói mình tham gia TNXP trước ông, năm 1968 biên chế vào C2, D72, Binh trạm 16, Đoàn 559, chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại chiến trường bắc Thừa Thiên- Huế. Bà bị thương trong một lần tham gia tải đạn, thương tật 51%, thương binh hạng ¾. Ông kể gia nhập TNXP chính xác đến ngày giờ, 12 tháng 10 năm 1970, sau bà hai năm, đơn vị C2, D3, F473, chiến đấu tại đường 9-Nam Lào (Quảng Trị) khoảng những năm 1971 đến năm 1973. Sau này, đơn vị ông đi sâu vào vùng phía tây Thừa Thiên, A Sầu, A Lưới. Ông nhớ ở A Lưới có cái sân bay quân sự A So...

Ông bà cùng hai con trai và cháu nội Võ Thị Bé Nhi.
Ông bà cùng hai con trai và cháu nội Võ Thị Bé Nhi.

Ngày đó... khi chiến dịch Ranch Hand được đế quốc Mỹ mở rộng ra toàn miền Nam thì vùng phía tây Quảng Trị, đường 9-Khe Sanh, sâu vào A Sầu, A Lưới trở thành một trong những trọng điểm rải thảm chất độc hóa học. Tôi kể cho ông Yên, bà Xoan biết nơi một thời dấu chân ông bà và đồng đội từng đi qua, sống và chiến đấu, khu vực A Lưới đó, từ tháng 8-1965 đến tháng 12- 1970, máy bay Mỹ tiến hành tới 256 phi vụ rải chất độc hóa học với ba loại: chất trắng, chất vàng và chất xanh. Dư lượng của thứ chất độc ấy vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Ông bà nghe, biết rứa, chứ ngày đó tiếng máy bay rầm rì trên đầu, không gian đặc quánh lại bởi một màn sương màu trắng đục... vài ngày sau cây rừng rụng sạch hết lá. Sống trong môi trường đó, vẫn cứ phải ăn, uống. Lương thực thiếu thốn, tìm rau, tìm măng cải thiện. Nước lấy từ những con sông, dòng suối nơi đơn vị đóng quân. Tất cả đều bị nhiễm CĐDC nặng.

Ông Yên cho biết thêm: “Cũng tại khu vực phía Thừa Thiên- Huế, trong một trận rải thảm B52, tui bị hơi bom hất mạnh lên trời sau đó rơi xuống, lưng đập vào mặt đường, hiện tại sau lưng nổi lên một khối u lớn”. Vừa nói, ông vừa vạch áo cho tôi xem lưng, nơi cái khối u đeo róng riết, ngày càng phình to thêm- Ông than: “Nhà nghèo, tất cả dồn cho con cái, thân già ni không còn tiền bạc mà đi bệnh viện cắt bỏ khối u. Đành vậy, trời cho sống đến đâu thì hay đến chừng đó”. Sau ngày đất nước thống nhất, hai ông bà trở về quê hương, gặp nhau, thành chồng thành vợ, lần lượt năm người con ra đời.

Xót lắm! Bà Xoan bảo thế- nhìn chúng, ai cũng bảo ông bà may mắn, vì bước ra trong vùng nhiễm CĐDC nặng mà con cái lành lặn, mặt mày sáng sủa. Ban đầu thì ông bà tin vậy, nhưng theo thời gian, các con lớn lên, mới thấy rõ cái bất bình thường. Bất bình thường đầu tiên là thần kinh của chúng không vững vàng, đau ốm liên miên, chúng sống lặng lẽ như những chiếc bóng, lầm lũi trong ngôi nhà nhỏ, chỉ biết làm bạn với bố mẹ. Điều bất bình thường thứ hai, không ai trong các con của ông bà học hành được, cái chữ đối với chúng xa lạ, lời cô thầy dạy xong, về đến nhà xem như quên hết. Tất cả năm người con đều thất học.

Ngôi nhà tình nghĩa của ông bà Võ Khắc Yên, Võ Thị Xoan.
Ngôi nhà tình nghĩa của ông bà Võ Khắc Yên, Võ Thị Xoan.

Một điều thiệt thòi cho gia đình là ngoài bà Xoan được hưởng chế độ CĐDC thì ông Yên và năm người con đều chưa có sự đãi ngộ nào. Võ Thị Miền, đứa con gái thứ tư, được cho là biết ý, biết tứ nhất trong mấy anh em. Thấy các anh không nghề nghiệp, Miền về thành phố Đồng Hới xin rửa chén bát thuê cho các quán ăn kiếm tiền góp vào cùng bố mẹ. Làm thuê, làm mướn cho người ta nhưng tính khí thất thường, lại hay quên, nhiều khi vỡ hết bát chén của chủ quán, tiền lương tháng xem như bị trừ hết.

Nỗi đau da cam âm ỉ trong gia đình ông Võ Khắc Yên và bà Võ Thị Xoan không dừng lại ở đó mà tiếp tục di chứng sang thế hệ thứ ba. Con trai đầu Võ Văn Tĩnh được một cô thôn nữ thương, họ nên vợ nên chồng. Anh chị lần lượt sinh hạ hai bé gái Võ Thị Nhật Lệ và Võ Thị Bé Nhi. Nhật Lệ lọt lòng đã bị câm điếc bẩm sinh, hiện tại đang lang thang cùng Võ Thị Miền ở thành phố Đồng Hới. Bé Nhi ở nhà, học lớp ba, năm học này ở lại lớp. Cô giáo chủ nhiệm bảo em bị bệnh thần kinh, không học được. Học trước quên sau.

Ngày tôi lên thăm, Bé Nhi đang ở nhà cùng bố với ông bà nội. Tôi hỏi anh Võ Văn Tĩnh con gái sinh năm bao nhiêu, Tĩnh lắc đầu: “Không biết mô! Hỏi ông bà nội ấy”. Hai cha con ngồi với nhau, ánh mắt lơ ngơ nhìn ra ngoài khoảng sân nhỏ.

Chủ tịch UBND xã Tân Ninh Trần Đại Thọ cho biết: “Xã Tân Ninh hiện có 71 trường hợp đang hưởng chế độ CĐDC, trong đó đối tượng trực tiếp 47 người;  gián tiếp 24 người. Thống kê mới nhất thế hệ thứ ba bị nhiễm CĐDC có 14 đối tượng, trong đó 2 trường hợp đã mất. Với riêng gia đình ông Võ Khắc Yên trở thành điển hình nhất trong xã về nỗi đau da cam xuyên cả ba thế hệ. Mặc dù hàng năm, UBND xã có sự ưu ái riêng cho gia đình nhưng chỉ như muối bỏ biển vì ông bà thiệt thòi quá lớn, bất hạnh quá nhiều, cần phải có sự chung tay của cộng đồng xã hội”.

Trong ngôi nhà tình nghĩa do Ngân hàng Công thương Quảng Bình xây tặng cách đây hơn 10 năm, ngày ngày đôi vợ chồng già vẫn cõng trên lưng gánh nặng con cháu. “Trẻ cậy cha. Già cậy con” lời người xưa bảo thế. Nhưng con cái ông bà tật nguyền, tự lo bản thân chưa xong thì biết cậy vào nơi đâu. Tuổi ông bà cũng đã xế chiều, chăm con cái đến khi nằm xuống, biết nhờ ai tiếp tục chở che, nâng đỡ. Ông Võ Khắc Yên cầm tay tôi lắc lắc, đôi mắt già nua rơm rớm nước: “Mong chú góp cho tiếng nói, để các con tui sớm được sự giúp đỡ của nhà nước. Mai này vợ chồng nhắm mắt xuôi tay, chúng có chỗ mà níu bám”.

                                                                Ngô Thanh Long

                                                Bài 3: “Để phúc cho cháu… là nỗi đau da cam!”