.

Chuyện của ba tôi

Thứ Ba, 22/08/2017, 08:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Cũng như bao chàng trai miền Bắc ngày đó, năm 1970, ba tôi cũng từ biệt quê hương và cha mẹ già, xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Khi đó, ông tròn mới 18 tuổi, được biên chế vào đơn vị C13, D7, E271. Sau thời gian huấn luyện, đơn vị chuyển vào mặt trận phía Nam, tỉnh Quảng Trị chiến đấu.

Quảng Trị ngày đó thực sự là vùng đất lửa đúng nghĩa khi lượng bom đạn dội xuống đây khó có thể thống kê. Ba tôi và những người đồng đội xung phong vào Quảng Trị xem như những cảm tử quân, trong số này có nhiều người được làm lễ truy điệu sống trước khi ra trận.

Cuối năm 1972, sau hai năm chiến đấu và trải qua nhiều trận chiến sinh tử, ba tôi được kết nạp vào Đảng khi mới 20 tuổi. Ông rất tự hào và hãnh diện, lòng luôn thể hiện tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ông thường kể cho tôi nghe về đêm mùa đông giá buốt tháng 12 – 1972. Trên bầu trời Cửa Việt, máy bay Mỹ gào thét thả pháo sáng đỏ rực cả một vùng. Tiếp đó, đàn “quạ sắt” bay đến từ nhiều hướng khác nhau bổ nhào ném bom vào trận địa.

Một góc biển Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị, nơi ba tôi bị thương.
Một góc biển Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị, nơi ba tôi bị thương.

Dưới mặt đất, nơi bãi cát mênh mông gần Cửa Việt, lính Mỹ tiếp tục đổ bộ kết hợp với không quân nhằm đánh vào căn cứ của ta. Với quyết tâm đánh giặc, ba tôi cùng đồng đội đã bám trận địa, kiên cường chiến đấu. Từng loạt đạn rền vang, những cơn mưa bom nổ đinh tai nhức óc, chiến trường bị cày xới cả vùng rộng lớn. Rồi một loạt bom nổ gần đường tiến công khiến ba và một số đồng đội gục ngã. Trên đầu máu chảy ròng ròng, toàn thân đau nhức khiến ba không thể đứng dậy được.

Khi đồng đội dùng cáng khiêng ông đi trong làn đạn và mưa bom dữ đội, thấy tình thế cấp bách, ông đề nghị đồng đội đặt mình xuống trong một căn hầm để mọi người tiếp tục chiến đấu. Ông thiếp đi trong thời gian khá dài, khi tỉnh dậy đã thấy đầu quấn khăn trắng, nằm trong lán dưỡng thương của đơn vị.

Sau trận đánh đó, ông bị thương với tỷ lệ thương thương tật 25%, trong đầu vẫn còn một mảnh đạn nằm sâu không lấy ra được. Điều trị vết thương xong, ông tiếp tục trở lại đơn vị và cùng đồng đội tham gia hàng chục trận chiến đấu. Có những trận rất ác liệt khiến đồng đội hy sinh nhiều nhưng may mắn hơn những đồng đội của mình, ông vẫn còn sống và trở về sau ngày giải phóng.

Hòa bình lập lại, ba tôi được chuyển sang ngành Kiểm lâm, tham gia bảo vệ rừng cho đến khi về hưu. 7 anh em chúng tôi lớn lên, được nghe những câu chuyện ba kể về chiến trường, về cuộc sống của những người lính trong chiến tranh, chúng tôi không khỏi tự hào. Chúng tôi cũng đồng thời chứng kiến những cơn đau của ba do vết thương cũ khi trái gió trở trời nên vô cùng thương ông. Những khi vật vã vì cơn đau, anh em chúng tôi và mẹ vô cùng lo lắng, nhưng ông vẫn trả lời bằng câu quen thuộc “Ba không sao cả!”. Năm 2011, sau những cơn đau dai dẳng, ông ra đi trong nỗi thương nhớ của gia đình tôi và bà con xóm giềng.

Thương nhớ ba và những người đồng đội đã hy sinh hay để lại một phần máu thịt cho Tổ quốc, chúng tôi lại cùng nhau thắp nén tâm hương...

X.V