.

Ý kiến của lãnh đạo các sở, ban, ngành tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVI

Thứ Sáu, 12/12/2014, 08:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVI, lãnh đạo các sở, ban, ngành đã có những ý kiến về giải pháp bảo đảm an ninh trật tự; các bước xử lý nợ đọng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản...

>> Triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua "*"

>> Quảng Bình phải trở thành một tỉnh đẹp, một trung tâm du lịch, một tỉnh phát triển khá trong giai đoạn 2016-2020

Các giải pháp để bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh năm 2015

Năm 2015, cũng như cả nước, trên địa bàn tỉnh ta diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, nhất là đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các lễ kỷ niệm lớn. Tình hình ANTT trên địa bàn vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn... Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm ANTT năm 2015, Thiếu tướng Từ Hồng Sơn, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, lực lượng Công an tỉnh tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Bảo vệ tuyệt đối an toàn đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các sự kiện chính trị và các lễ kỷ niệm lớn trong năm 2015. Chủ động tham mưu làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng các phương án, kế hoạch ứng phó với các tình huống phức tạp có thể nảy sinh; kịp thời phát hiện, vô hiệu hóa các hoạt động tác động, chống phá của các thế lực thù địch và các phần tử xấu... bảo đảm tuyệt đối an toàn trong thời gian tổ chức đại hội Đảng các cấp.

Tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự xã hội trên địa bàn; tham mưu cho Tỉnh ủy tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 40-NQ/TW ngày 8-11-2004 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác Công an trong tình hình mới; UBND tỉnh sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20-7-2010 của Ban Bí thư về công tác nhân quyền trong tình hình mới; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BCA ngày 11-8-2010 của BCA về tăng cường công tác phòng, chống tập trung đông người phá rối ANTT, bạo loạn trong tình hình mới; tổ chức hội nghị quán triệt Luật Phòng, chống khủng bố...

Bên cạnh đó, lực lượng Công an chủ động nắm chắc tình hình, chủ động dự báo, kịp thời phát hiện, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý những vấn đề nổi lên liên quan đến an ninh quốc gia, nhất là tình hình tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh xã hội... loại trừ dần những nhân tố có thể dẫn đến đột biến bất lợi; giữ vững ổn định, tạo thế chủ động về an ninh, góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.

Phối hợp sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng; chủ động phối hợp với các lực lượng trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh... Tiếp tục thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống tội phạm ma túy, phòng chống mua bán người giai đoạn 2012-2015.

Tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, băng ổ, nhóm, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án...; tăng cường công tác quản lý nhà nước về ANTT, nhất là quản lý cư trú, các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT; đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông và phòng chống cháy, nổ. Nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT tại cơ sở; kết hợp chặt chẽ thế trận an ninh nhân dân với thế trận quốc phòng toàn dân và việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là tại các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm như vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo...

Tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09/CT-BCA ngày 19-8-2014 về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo”; tăng cường công tác đối ngoại công an nhân dân, bảo đảm ANTT trên địa bàn...

P.V

Tình hình nợ đọng XDCB và hướng xử lý

Qua ý kiến của một số đại biểu tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVI lần này cho thấy, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) khá lớn. Trao với phóng viên Báo Quảng Bình bên lề kỳ họp thứ 14 của HĐND tỉnh, đồng chí Lê Văn Phúc, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết cụ thể tình hình và giải pháp xử lý nợ đọng XDCB như sau:

Năm 2014, mặc dù nền kinh tế đã có sự phục hồi nhưng còn chậm, nguồn vốn đầu tư công hạn chế, thu hút đầu tư khó khăn ảnh hưởng rất lớn đến nguồn vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là nguồn bổ sung từ ngân sách Trung ương trong khi nhu cầu đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh là rất lớn.

Trong chỉ đạo điều hành UBND tỉnh đã tập trung thực hiện phân bổ các nguồn vốn đầu tư sớm, kịp thời. Chỉ đạo các ngành, địa phương, chủ đầu tư thực hiện nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn NSNN, rà soát lại các dự án đầu tư hoàn thành, chuyển tiếp, có phương án cân đối nguồn; bố trí cho các dự án hoàn thành và chuyển tiếp trong kế hoạch vốn năm 2014 đúng quy định, không dàn trải. Kế hoạch vốn được phân khai chi tiết cho các công trình, các chủ đầu tư; việc phân khai các nguồn vốn thực hiện đúng quy định của Chỉ thị 1792/CT-TTg, hướng dẫn của Trung ương, nghị quyết của HĐND tỉnh, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các công trình hoàn thành, các công trình chuyển tiếp và một số công trình mới thực sự cần thiết, cấp bách.

Do vậy, tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2014 đạt được kết quả quan trọng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2014 ước đạt 7.871,9 tỷ đồng, tăng 53,1% so với cùng kỳ năm 2013. Công tác giải ngân, thanh, quyết toán vốn đầu tư có nhiều tiến bộ, tỷ lệ giải ngân đạt đến cuối tháng 10-2014 đạt 70% dự toán, là mức giải ngân khá cao, công tác quản lý tạm ứng và thu hồi hoàn tạm ứng vốn đầu tư XDCB có nhiều tiến bộ.

Về nợ đọng XDCB, thời gian qua, UBND tỉnh đã tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng XDCB; thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị về quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng XDCB, trong đó yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát số liệu nợ đọng và xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý nợ đọng XDCB.

Theo tổng hợp báo cáo của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, tổng số nợ công trình hoàn thành và nợ khối lượng công trình đang triển khai thực hiện tính đến thời điểm 31-12-2014, nợ khối lượng XDCB trên địa bàn tỉnh là 942 tỷ đồng. Trong đó: Vốn Trung ương nợ 123 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh nợ 199 tỷ đồng; ngân sách huyện, xã nợ 620 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn Trung ương 123 tỷ đồng bao gồm các dự án hoàn thành thuộc nguồn ngân sách Trung ương phải bố trí 88 tỷ đồng; các công trình đang triển khai 12 tỷ đồng; nợ các công trình hỗ trợ khắc phục bão lụt năm 2010, đến các năm sau không được bố trí vốn nhưng vẫn phải thi công đến điểm dừng kỹ thuật để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân 23 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh nợ 199 tỷ đồng, trong đó nợ khối lượng cầu Nhật Lệ 2 là 107 tỷ đồng do đây là công trình trọng điểm của tỉnh, phải đẩy nhanh tiến độ thi công; nợ các công trình hoàn thành nguồn hỗ trợ có mục tiêu và trái phiếu Chính phủ Trung ương bố trí hết tỷ lệ, ngân sách tỉnh phải cân đối bố trí 59 tỷ đồng, các dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp tỉnh 33 tỷ đồng.

Các giải pháp chủ yếu xử lý nợ đọng XDCB là, ưu tiên các nguồn vốn để trả nợ trong kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2015 cụ thể: Nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ năm 2015, dự kiến trả nợ khối lượng các dự án hoàn thành nghiệm thu 82.250 triệu đồng (chiếm 15% tổng số vốn bố trí và chiếm 67% số nợ đọng). Số vốn còn lại bố trí cho các công trình chuyển tiếp theo quy định và một số dự án khởi công mới cấp bách, trọng điểm của tỉnh như: Đường về nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tâm văn hóa tỉnh, cơ sở hạ tầng huyện Quảng Trạch chia tách...    

Năm 2015 nguồn vốn ngân sách tỉnh chủ yếu bố trí trả nợ các công trình hoàn thành và chuyển tiếp, số vốn dự kiến trả nợ khối lượng hoàn thành là 104.390 triệu đồng (chiếm 42% tổng số vốn bố trí và chiếm 52% tổng số nợ đọng). Số vốn còn lại bố trí cho các công trình chuyển tiếp, không bố trí vốn cho công trình mới.

Nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia: Chủ yếu bố trí trả nợ công trình hoàn thành và chuyển tiếp, không bố trí công trình mới.

Đối với nguồn ngân sách huyện, xã: Yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã nghiêm túc thực hiện việc xử lý nợ đọng XDCB. Trong kế hoạch năm 2015, đề nghị các địa phương rà soát, cân đối và bố trí kế hoạch vốn năm 2015 để trả nợ khối lượng các công trình hoàn thành đến 31-12-2014, chỉ được bố trí vốn cho công trình mới thực sự cần thiết, cấp bách và sau khi đã trả nợ khối lượng công trình hoàn thành và bố trí vốn cho công trình chuyển tiếp theo quy định.

Năm 2015 trở đi, các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, không để phát sinh thêm nợ đọng. Địa phương nào thực hiện không nghiêm túc sẽ chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh...

Tr.T