.

Quảng Bình phải trở thành một tỉnh đẹp, một trung tâm du lịch, một tỉnh phát triển khá trong giai đoạn 2016-2020

Thứ Năm, 11/12/2014, 19:48 [GMT+7]
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại kỳ họp.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại kỳ họp.

(QBĐT) - Phát biểu của đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVI.

>> Hôm nay 9-12, khai mạc kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khoá XVI

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp!
Kính thưa các vị đại biểu!

Tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2013, chúng ta đã nhận định năm 2014 là năm tình hình kinh tế - xã hội của nước ta vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Và đúng như vậy, đứng trước khó khăn đó, với sự quyết tâm cao của cán bộ và nhân dân trong tỉnh; sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đồng bộ quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nên tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như trong báo cáo của UBND tỉnh đã trình bày trước kỳ họp.

Tôi xin nhấn mạnh làm rõ thêm một số kết quả sau đây:

Sản xuất nông nghiệp được mùa toàn diện, sản lượng lương thực đạt cao nhất từ trước đến nay, đạt 29,9 vạn tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ, đạt 108,8%KH.

Sản lượng thuỷ sản tăng, đánh bắt vùng biển xa thực sự có hiệu quả; bà con ngư dân đã đầu tư nâng cấp, đóng mới tàu công suất lớn để đánh bắt vùng biển xa. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được chỉ đạo quyết liệt, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 11 xã đạt tiêu chí nông thôn mới trong năm 2014. Trong khó khăn chung thì khó khăn lớn nhất là ngành công nghiệp nhưng sản xuất công nghiệp tăng 10%, đạt kế hoạch đề ra, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp được hồi phục, một số cơ sở mới đang được triển khai xây dựng.

Cửa khẩu quốc tế Cha Lo ngày càng sôi động, lượng hàng hóa, người, phương tiện vận tải qua cửa khẩu tăng 30%. Là cửa khẩu Việt Nam-Lào có lưu lượng hàng hóa qua lại cao nhất với kim ngạch xuất nhập khẩu 1,65 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.

Cảng biển Hòn La sản lượng hàng hóa tăng 55%. Sân bay Đồng Hới được trang bị hệ thống tín hiệu cất hạ cánh tự động, đèn đêm và là sân bay thứ 8 trên 24 sân bay toàn quốc có thiết bị hiện đại.

Lượng khách du lịch đến Quảng Bình đạt kỷ lục với trên 2,7 triệu lượt khách, tăng gần 100% so với cùng kỳ. Đây là một bước phát triển đột phá về du lịch Quảng Bình từ chỗ số không đến nay đã đạt số lượng khách tương đương với tỉnh Thừa Thiên-Huế (lượng khách du lịch đến Thừa Thiên- Huế 2,8 triệu lượt người, Đà Nẵng 3,8 triệu lượt người); Năm 2014 đã đưa vào khai thác các tuyến, điểm du lịch mới như: Tuyến du lịch chinh phục Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới, khám phá hang động Tú Làn, đu dây trên không Zipline. Đây là những sản phẩm du lịch đặc trưng chỉ có ở Quảng Bình, cùng với hình ảnh quê hương, con người Quảng Bình bước đầu đã gây ấn tượng du khách. Quảng Bình thực sự là điểm đến của du lịch.

Thu ngân sách trên địa bàn 2.360 tỷ đồng, đạt 107,3% kế hoạch và tăng 11,95% so với năm 2013, cao nhất từ trước đến nay, đặc biệt năm nay thu cân đối tăng so với kế hoạch, bước đầu thể hiện được chất lượng của thu ngân sách.

Ngoài nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh đã tranh thủ các nguồn vốn ODA như: WB, ADB, IFAD, JICA; ODA của Hàn Quốc, Hungary, Đan Mạch với tổng số vốn năm 2014 là 425 tỷ đồng; đồng thời huy động được nhiều nguồn vốn NGO của nhiều tổ chức phi chính phủ.

Lĩnh vực văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ; đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 giảm 5,5% (KH 3,5%), đây là năm có tỷ lệ hộ nghèo giảm cao nhất từ trước đến nay. Nhân đây tôi xin báo cáo HĐND tỉnh là đến cuối năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo Quảng Bình là 14,17% cao nhất trong 6 tỉnh Bắc Trung bộ, điều này không thể chấp nhận được với một Quảng Bình có truyền thống cách mạng, với mảnh đất địa linh nhân kiệt, với con người Quảng Bình cần cù, sáng tạo với dân số chỉ hơn 86 vạn; với tài nguyên phong phú, hạ tầng tương đối đồng bộ. Là cán bộ, đảng viên, là đại biểu của dân, là một con người Quảng Bình chúng ta xấu hổ khi mà tỷ lệ hộ nghèo Quảng Bình cao hơn Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thanh Hóa.

Tổ chức kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức kỷ niệm năm thành lập tỉnh nhằm khơi dậy truyền thống lịch sử 410 năm Quảng Bình. Tổ chức thành công hội nghị Xúc tiến đầu tư, hội nghị lớn nhất và hiệu quả nhất từ trước đến nay với 23 dự án, tổng số vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng. Các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư đang khẩn trương triển khai.

Về những khó khăn, hạn chế trong báo cáo UBND tỉnh đã nêu cụ thể, tôi xin nói rõ thêm 2 khó khăn nổi lên đó là ngân sách và hạ tầng. Mặc dù hàng năm thu ngân sách tỉnh tăng trên 10% nhưng vẫn còn quá khiêm tốn, Chính phủ lại cắt giảm đầu tư công nên khó khăn trong các hoạt động, đặc biệt là chi đầu tư phát triển, trong lúc trên địa bàn tỉnh các cấp, các ngành rất thiếu kinh phí để đầu tư hạ tầng, trường học, bệnh viện, trạm xá, công sở, phương tiện thiết bị... với nhu cầu hàng chục nghìn tỷ, thực sự là “Cái khó bó cái khôn”.

Hạ tầng chúng ta còn nhiều hạn chế, đặc biệt là hạ tầng đô thị: đường, cây xanh, công viên, tượng đài, đèn chiếu sáng, công trình kiến trúc, siêu thị, nhà hàng. Là một thành phố, một trung tâm kinh tế, xã hội, chính trị của tỉnh, với lượng khách đến Quảng Bình 2,7 triệu/năm nhưng thành phố Đồng Hới còn nhỏ bé, số lượng khách sạn, nhà hàng còn quá khiêm tốn (khách sạn 4 sao trở lên chỉ có 4 khách sạn), các dịch vụ phục vụ du lịch còn quá đơn giản, đơn điệu. Khách đến Quảng Bình thăm hang động tối về ngủ, buổi tối không có chỗ ăn, chỗ chơi, chỗ mua sắm... Do vậy, nhiều khách phàn nàn; hệ số lưu trú chỉ có 1,18.

Về kiến nghị, đề xuất của Thường trực HĐND, các đề nghị trong báo cáo giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách, Ban Văn hóa-Xã hội, Ban Pháp chế và các kiến nghị, đề nghị của các vị đại biểu tôi xin tiếp thu để có chỉ đạo cụ thể, quyết liệt và toàn diện hơn.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Năm 2015 được dự báo nền kinh tế thế giới, trong nước có khả năng phục hồi và chuyển biến tích cực hơn so với năm 2014 nhưng vẫn là năm có nhiều khó khăn, thách thức; là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015. Đây là năm có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định việc hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011-2015.

Về nhiệm vụ, giải pháp năm 2015 đã nêu trong báo cáo của UBND tỉnh, tôi xin nêu cụ thể hơn một số công việc chủ yếu, cụ thể trong chỉ đạo, điều hành năm 2015.

- Về nông nghiệp và phát triển nông thôn: Kiên quyết chỉ đạo tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, lấy hiệu quả kinh tế của người nông dân là mục tiêu của sản xuất, đất trồng lúa có thể nuôi trồng các cây con khác có hiệu quả hơn; đưa nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng giá trị sản phẩm, nhằm xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa và chất lượng.

Đẩy mạnh trồng rừng kinh tế gắn với việc xúc tiến đầu tư một số cơ sở chế biến gỗ rừng trồng ra sản phẩm cuối cùng; tiếp tục phát triển cây cao su.

Đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn.  Ảnh: A.Tuân
Đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn. Ảnh: A.Tuấn

- Về thủy sản: Chỉ đạo, vận động ngư dân đóng tàu công suất lớn trên 90CV để đánh bắt biển xa; khuyến khích đóng tàu công suất 500CV trở lên với trang bị hiện đại. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 50% tàu đánh bắt công suất từ 90CV trở lên.

- Về công nghiệp: Tiếp tục tập trung cho phát triển công nghiệp, đôn đốc Tập đoàn Dầu khí triển khai Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch giai đoạn I với công suất 1.200MW, đồng thời chủ động phối hợp với Bộ Công Thương kêu gọi đầu tư Trung tâm nhiệt điện giai đoạn II với công suất 1.200MW. Trong năm 2015, phối hợp với Tập đoàn Dệt may đầu tư xây dựng Nhà máy may Lệ Thủy, Nhà máy may Ba Đồn, Nhà máy may Quảng Ninh. Triển khai xây dựng 2 nhà máy sản xuất thiết bị tại Khu công nghiệp Hòn La của nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Phát huy công suất của các cơ sở sản xuất công nghiệp đã đi vào sử dụng. Quyết tâm đưa tốc độ tăng trưởng công nghiệp là 10%.

- Về dịch vụ: Phối hợp với Sài gòn Co.op Mart triển khai đầu tư Trung tâm thương mại Đồng Hới để đưa vào sử dụng trong năm 2015. Chỉ đạo quy hoạch và kêu gọi đầu tư khu bán hàng lưu niệm, ăn uống, vui chơi đêm ở Đồng Hới để phục vụ khách du lịch. Có chính sách để khuyến khích xây dựng khách sạn, nhà hàng phục vụ du lịch. Dự báo trong năm 2015 khách du lịch đến Quảng Bình sẽ đạt đến 3,3 triệu lượt khách (cao hơn Thừa Thiên-Huế); một số chuyên gia dự báo đến năm 2020 Quảng Bình là một trong những trung tâm du lịch lớn của Châu Á.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch không thể ngày một ngày hai mà đòi hỏi lâu dài vì liên quan đến nhiều yếu tố, như: Sản phẩm du lịch, chất lượng các cơ sở lưu trú, nơi vui chơi, giải trí, văn hoá du lịch, công nghệ du lịch, môi trường, an ninh, nguồn nhân lực du lịch, cơ sở hạ tầng, sân bay, bệnh viện... Nếu chúng ta chỉ đạo quyết liệt thì trong năm 2015 tiếp tục tạo sự đột phá trong du lịch Quảng Bình. Trong tương lai gần du lịch Quảng Bình sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

- Về đầu tư hạ tầng, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, là 1 trong 4 chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh. Mặc dù có hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin trên địa bàn tỉnh tương đối đồng bộ song đó mới chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Trong năm 2015, cần tập trung để tranh thủ huy động các nguồn vốn và ưu tiên đầu tư xây dựng một số hạ tầng: Chỉnh trang đô thị thành phố Đồng Hới, phải xây dựng thành phố Đồng Hới không những là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh mà còn là một thành phố của một trung tâm du lịch lớn; xây dựng Trung tâm huyện lỵ Quảng Trạch, Trung tâm hành chính tỉnh.

Đồng thời lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu mộ và đường về nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đầu tư hạ tầng Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo và Khu Kinh tế Hòn La, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế Quảng Bình, tạo chuyển biến mạnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh nhà theo hướng dịch vụ, công nghiệp.

- Tập trung chỉ đạo các dự án lớn mới được cấp phép trong năm 2014 như: Cáp treo Phong Nha-Kẻ Bàng của Sungroup, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Ninh-Hải Ninh, sân golf Hải Ninh của các nhà đầu tư Bussan Hàn Quốc, các dự án của Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn Cao su, Tập đoàn FLC. Đây là những dự án mang tính động lực sẽ tạo bước đột phá vào năm 2016 và giai đoạn 2016-2020.

- Chú trọng lĩnh vực văn hóa - xã hội: Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống trường học, bệnh viện, trạm xá để đến năm 2015 đạt mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra. Triển khai xây dựng Trung tâm văn hóa tỉnh xứng tầm và đẹp, đến năm 2016 hoàn thành đưa vào sử dụng. Tổ chức Festival hang động năm 2015 (2 năm một lần) thật đặc sắc, ấn tượng để quảng bá quê hương, con người Quảng Bình, để quảng bá du lịch đặc trưng Quảng Bình, quảng bá vương quốc hang động của thế giới. Quan tâm công tác an sinh xã hội. Quyết tâm cao độ chỉ đạo giảm hộ nghèo để đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo xấp xỉ bằng bình quân cả nước và đưa tỉnh ta thoát khỏi tỉnh nghèo vào đầu năm 2016 (tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%).

Kính thưa quý vị đại biểu!

Bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2014 đã sáng lên, chúng ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng quan trọng nhất là chúng ta đã thấy rõ định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công việc còn lại là hành động, là làm; mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng lòng, đồng sức, quyết tâm cao và quyết liệt để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch 2015. Đến năm 2016 Quảng Bình phải thoát nghèo. Quảng Bình phải trở thành một tỉnh đẹp, một trung tâm du lịch, một tỉnh phát triển khá trong giai đoạn 2016-2020.

Xin cảm ơn quý vị đại biểu!