Góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Những ý kiến đóng góp tâm huyết

Cập nhật lúc 10:49, Thứ Năm, 07/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Đợt sinh hoạt chính trị lấy ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ở tỉnh ta đã thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Tính đến ngày 5-3, toàn tỉnh đã tổ chức được trên 330 hội nghị, hội thảo, có trên hàng chục vạn lượt người tham gia dự hội nghị, đóng góp ý kiến. Tuyệt đại đa số ý kiến đều đồng tình cao với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, đi sâu phân tích, đề xuất các vấn đề quan trọng...

Để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được tham gia ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị đã tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung, cách thức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong phạm vi ngành, địa phương bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng ngành, địa phương, trình độ dân trí, tập quán của nhân dân.

Tính đến ngày 5-3, đã có 5/7 huyện, thành phố và 40/48 cơ quan, đơn vị, tổ chức cấp tỉnh đã tập hợp xong ý kiến, một số cơ quan đã gửi báo cáo tổng hợp đến cơ quan Thường trực (Sở Tư pháp) để tổng hợp. Các cơ quan, đơn vị còn lại đang tiếp tục khẩn trương hoàn thành việc tập hợp, tổng hợp ý kiến tham gia và xây dựng báo cáo theo quy định.

Qua tập hợp đợt một của cơ quan Thường trực, tỉnh ta có 981 ý kiến tham gia bằng văn bản (trong đó có 872 ý kiến của tổ chức và 46 ý kiến của cá nhân) các ý kiến tham gia các Điều, khoản cụ thể: Lời nói đầu có 28 ý kiến (26 tổ chức, 2 cá nhân), Chương I có 221 ý kiến (199 tổ chức, 22 cá nhân), Chương II có 437 ý kiến (419 tổ chức, 18 cá nhân), Chương III có 107 ý kiến (105 tổ chức, 2 cá nhân), Chương IV có 55 ý kiến của tổ chức, Chương V có 34 ý kiến (33 tổ chức, 1 cá nhân), Chương VI có 31 ý kiến (30 tổ chức và 1 cá nhân), Chương VII có 27 ý kiến của tổ chức, Chương VIII có 23 ý kiến tổ chức, Chương IX có 22 ý kiến của tổ chức, Chương X có 15 ý kiến của tổ chức, Chương XI có 14 ý kiến của tổ chức. Các ý kiến tập trung chủ yếu vào những vấn đề như sau:

1. LỜI NÓI ĐẦU

Có nhiều ý kiến cho rằng Lời nói đầu Hiến pháp cần khái quát, cô đọng, chỉ nên viết ngắn gọn, không nên kể lể về lịch sử dài dòng, bởi lẽ lịch sử đất nước đã có từ hàng nghìn năm theo nền văn hiến, chứ không chỉ từ năm 1945, là sự thể hiện lời thề, lời cam kết của nhân dân trước quá khứ, các thế hệ tiền nhân, hiện tại và tương lai, trước đất nước, dân tộc và nhân dân nhằm tuân thủ thực hiện nghiêm túc Hiến pháp, duy trì kỷ cương  pháp luật... bảo đảm mục tiêu dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc, xã hội dân chủ. Lời nói đầu chỉ nên viết ngắn gọn về sự cần thiết, nền tảng và cơ sở pháp lý của việc ban hành Hiến pháp.  Đề nghị bổ sung từ "dân chủ" vào trước cụm từ "công bằng xã hội" ở đoạn thứ tư, vì thực sự có dân chủ mới thực hiện được công bằng xã hội, và dân chủ thể hiện bản chất của chế độ ta.

Thay đổi cụm từ "thực hiện chủ quyền nhân dân" bằng cụm từ "thực hiện quyền làm chủ của nhân dân" ở khổ 4.

2. Chương I - CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ

Tại Điều 1, có ý kiến cho rằng để khẳng định chủ quyền, thống nhất và bao quát toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, đề nghị bổ sung từ "lòng đất"  vào sau từ "vùng biển" ở Điều này. Đồng thời đề nghị đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào Hiến pháp để tiếp tục khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tại Điều 2: Hiến pháp khẳng định quyền lực Nhà nước bằng mệnh đề "quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân" là đủ, thể hiện quyền và sự bình đẳng của công dân trước pháp luật; đồng thời để nêu cao hơn nữa sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc thay vì nhấn mạnh tính giai cấp trong Điều này, đề nghị sửa đoạn "Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức" thành "Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc".

Các nhà báo tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo.
Các nhà báo tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo.

Tại Điều 4, có nhiều ý kiến đề nghị Hiến pháp cần khẳng định sự lãnh đạo duy nhất của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, vì lịch sử đã minh chứng dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, chúng ta đã tiến hành Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, xoá bỏ chế độ thực dân, phong kiến, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc, đồng thời để tôn vinh sự lãnh đạo của Đảng, đề nghị bổ sung từ "duy nhất" vào trước cụm từ "lãnh đạo Nhà nước và xã hội" ở cuối khoản 1 Điều này.

Tại Điều 5, có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ "thực hiện chính sách" ở Khoản 4 và sửa đổi, bổ sung Khoản này thành: "4. Nhà nước tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát triển toàn diện, phát huy nội lực, hoà nhập vào sự phát triển chung của  đất nước.". Vì thực tế chỉ cần quy định Nhà nước tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát triển toàn diện là đủ, và nội hàm của hoạt động tạo điều kiện đã bao gồm chủ trương, chính sách, giải pháp....

3. Chương II - QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN

Khoản 2 Điều 16, có ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung: "Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, lợi ích tập thể, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác." Vì lợi ích của mỗi cá nhân, con người có thể ảnh hưởng đến lợi ích của một tập thể cơ quan, tổ chức... vì vậy cần quy định thêm "lợi ích tập thể" ở Điều này để bảo vệ quyền, lợi ích của người dân.

Tại Điều 20, có ý kiến đề nghị quy định rõ quyền và nghĩa vụ của công dân chỉ được Quộc hội quy định trong Hiến pháp và luật, đồng thời bổ sung thêm cụm từ "nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân khác ban hành văn bản quy định quyền và nghĩa vụ của công dân", vì hiện nay ngoài Hiến pháp và luật, cũng có một số các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật cũng quy định các quyền và nghĩa vụ của công dân, điều đó khó tránh khỏi hành vi vi hiến. Điều 27 dự thảo Hiến pháp quy định "Công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình". Có ý kiến cho rằng nên sửa lại thành "Công dân bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình", vì trong xã hội hiện tại không chỉ tồn tại những người được xác định giới tính là nam hay nữ, mà còn có người thuộc giới tính thứ ba (đó là những người đồng tính). Quy định này cũng phù hợp với nhiều nước trên thế giới.

4. Chương III: KINH TẾ, XÃ HỘI, VĂN HÓA, GIÁO DỤC, KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

Về vấn đề thu hồi đất và bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất: Có ý kiến cho rằng không nên dùng từ “thu hồi" ghi như vậy tạo tâm lý nặng nề cho người có đất; mặt khác đất đai đã giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng và được công nhận về quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ, thì việc Nhà nước lấy ra để sử dụng vào mục đích khác phải được "trưng thu hoặc trưng mua" mới phù hợp. Về bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất, có ý kiến cho rằng nên quy định rõ tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi sẽ được bồi thường theo giá thị trường.

Khoản 2 Điều 62, có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ "người khuyết tật" vào sau cụm từ "người cao tuổi" nhằm thể hiện sự nhất quán trong chính sách an sinh xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta trong việc coi người cao tuổi và người khuyết tật đều là đối tượng đặc biệt cần được quan tâm. Ðồng thời bổ sung cụm từ "công tác dân số" trước cụm từ "Kế hoạch hóa gia đình để bảo đảm quy mô, cơ cấu dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số". Nên bổ sung quy định việc ưu tiên giải quyết việc làm đối với người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vì những người này cần được Nhà nước và xã tạo điều kiện hỗ trợ thêm phần việc làm phù hợp với trình độ và khả năng của họ để giảm bớt khó khăn và gánh nặng cho xã hội.

5. Chương VI- CHỦ TỊCH NƯỚC

Điều 92 về Chủ tịch nước, có ý kiến đề nghị nhất thể hóa Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước và bổ sung quy định Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam được giới thiệu tham gia đề cử để làm Chủ tịch nước, đồng thời thiết kế bộ máy Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất lãnh đạo thì Tổng Bí thư phải là Chủ tịch nước, nguyên thủ quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế khi đối ngoại.

6. Chương VII - CHÍNH PHỦ

Có ý kiến cho rằng về vị trí, chức năng của Chính phủ, cần xác định rõ Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất và đồng thời là cơ quan thực hiện quyền hành pháp. Là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, Chính phủ có trách nhiệm bảo đảm nền hành chính thông suốt; là cơ quan giữ quyền hành pháp, Chính phủ có trách nhiệm "bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật" của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc. Do đó, Hiến pháp cần xác định rõ vị trí và quyền hạn của Chính phủ, mối quan hệ giữa Chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân theo hướng bảo đảm để Chính phủ điều hành nền hành chính thông suốt, hiệu quả; bảo đảm Chính phủ thực hiện đầy đủ chức năng hoạch định chính sách, pháp luật; tổ chức thi hành thống nhất chính sách, pháp luật trong phạm vi toàn quốc; có cơ chế để bảo đảm các cơ quan thuộc hệ thống hành pháp phục tùng, tuân thủ pháp luật. Vì vậy, Chính phủ cần phải được trao thẩm quyền xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện hoạt động quản lý nhà nước, trong đó có thẩm quyền điều tra, truy tố trước pháp luật các hành vi phạm tội.

Có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định về tính chất của Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất, không quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội nhằm đề cao tính độc lập của Chính phủ trong việc thực hiện chức năng hành pháp của mình. Bổ sung thêm quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ là điều hoà, phối hợp hoạt động của các Bộ và cơ quan ngang Bộ.

7. Chương VIII - TÒA ÁN NHÂN DÂN, VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Có ý kiến cho rằng Hiến pháp cần quy định các Tòa án khác là những Tòa án nào, để thuận tiện trong thực hiện và tránh hiện tượng phình to trong bộ máy nhà nước, đề nghị quy định vào đoạn 2 Khoản 1 Điều 107, Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án khu vực và Tòa án địa phương được tổ chức thống nhất trong cả nước. Tương tự bổ sung quy định này ở hệ thống Viện kiểm sát quy định tại Điều 112 dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

8. Chương IX - CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

Có nhiều ý kiến cho rằng, Hiến pháp nước ta qua các thời kỳ đều thể hiện rõ tính chất xã hội, trong đó có quy định: Hội đồng nhân dân do nhân dân địa phương bầu ra, Uỷ ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu là cơ quan chấp hành của HĐND. Nhưng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã bỏ việc "UBND do HĐND bầu ra";  quy định về Uỷ ban nhân dân tại Khoản 2, Điều 116, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là chưa phù hợp, và quy định như vậy sẽ tạo ra hiện tượng chạy chức, chạy quyền, theo đó, có nguy cơ là những người đứng đầu trong UBND chỉ phục vụ cho lợi ích của một nhóm người chứ không phục vụ lợi ích cho nhân dân và toàn xã hội.

Do đó, đề nghị giữ lại quy định "UBND do HĐND bầu" như Điều 123 Hiến pháp 1992. Mặt khác, quy định như vậy thể hiện bản chất Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân mà Hội đồng nhân dân là do nhân dân địa phương bầu ra.

Thời gian tiến hành tổ chức lấy ý kiến nhân dân không còn nhiều, trong thời gian tới Ban chỉ đạo lấy ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, hoàn thành đúng thời gian quy định

                                                                            Tr. T (lược ghi)




 

,
.
.
.