Kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Cập nhật lúc 07:54, Thứ Năm, 07/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày 6-3, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến để đôn đốc,  kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương về công tác  tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

Chủ trì hội nghị về phía đầu cầu tỉnh ta là đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hương, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo, các thành viên Ban chỉ đạo, lãnh đạo một số ban, ngành có liên quan.

Qua báo cáo nhanh của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương, đến ngày 4-3-2013 có 54 tỉnh thành phố và 17 bô, ngành Trung ương gửi báo cáo nhanh về tình hình tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nhìn chung các địa phương, bộ, ngành thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của Trung ương việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các địa phương, bộ, ngành đã tăng cường công tác chỉ đạo đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn và tổ chức nhiều hình thức để lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tuy nhiên qua báo cáo của các địa phương và bộ, ngành trong cả nước, quá trình tổ chức thực hiện lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gặp phải một số khó khăn, hạn chế. Đó là,  việc tổ chức lấy ý kiến tham gia của nhân dân trong thời gian tương đối gấp, lại trùng với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày, trong cùng một thời gian phải thực hiện nhiều hoạt động quan trọng, nên kết quả chưa đạt như mong muốn.

Trình độ dân trí không đồng đều, đặc biệt là những vùng dân trí chưa cao, điều kiện giao thông và khả năng tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số vùng sâu, vùng xa còn hạn chế nên việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tại các khu vực này càng khó khăn hơn.

Do yêu cầu về tiến độ thời gian nên ý kiến tham gia của một số cơ quan, tổ chức còn sơ sài, còn hình thức, chất lượng chưa cao.  Việc hướng dẫn chậm, một số nội dung bị chồng chéo trong hướng dẫn nên các địa phương, bộ, ngành lúng túng khi thực hiện tổng hợp báo cáo...

Về phía tỉnh ta, Ban Chỉ đạo Ban tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tỉnh đã bám sát các văn bản của Trung ương, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm yêu cầu của Trung ương. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tiến hành triển khai, tuyên truyền, phổ biến nội dung, cách thức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong phạm vi ngành, địa phương bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng ngành, địa phương, trình độ dân trí, tập quán của nhân dân.

Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo lấy ý kiến và tiếp nhận ý kiến đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân bằng nhiều hình thức như: Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến cơ quan, tổ chức được phân công trách nhiệm tổng hợp ý kiến;thảo luận tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo; thông qua Cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử của tỉnh, của các cơ quan, đơn vị, tổ chức; viết tin, bài đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đến ngày 5-3, đã có 5/7 huyện, thành phố và 27/48 cơ quan, đơn vị, tổ chức cấp tỉnh  đã tập hợp xong ý kiến, một số cơ quan đã gửi báo cáo tổng hợp đến cơ quan Thường trực (Sở Tư pháp) để tổng hợp, với 981 ý kiến tham gia bằng văn bản (trong đó có 872 ý kiến của tổ chức và 46 ý kiến của cá nhân). Các cơ quan, đơn vị còn lại đang tiếp tục khẩn trương hoàn thành việc tập hợp, tổng hợp ý kiến tham gia và xây dựng báo cáo theo quy định.

                                                                                 Tr. T




 

,
.
.
.