Tăng cường bảo đảm hành lang an toàn lưới điện

Cập nhật lúc 08:06, Thứ Hai, 18/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra nhiều vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ), gây ra sự cố lưới điện, dẫn đến tai nạn, chập cháy về điện, gây nguy hiểm tới tính mạng của con người, thiệt hại về tài sản và làm tổn thất không nhỏ tới sản lượng điện.

Theo số liệu tổng hợp của Công ty Điện lực Quảng Bình (PC Quảng Bình), năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có hơn 30 vụ vi phạm HLATLĐ. Bên cạnh đó, ở khu vực nông thôn, lưới điện phần lớn đã cũ nát, chưa được đầu tư cải tạo, sửa chữa, dây dẫn chủ yếu vẫn là đường dây nhôm trần, tiết diện dây dẫn nhỏ dẫn đến nguy cơ mất an toàn, nhất là vào mùa mưa bão. Các hình thức vi phạm HLATLĐ rất đa dạng, song phổ biến nhất là xây dựng nhà ở trong HLATLĐ.

Theo ông Thái Hồng Quân, Giám đốc PC Quảng Bình, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ vi phạm là do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, ý thức chấp hành các quy định bảo đảm ATHLLĐ cao áp chưa cao.

Mặt khác, quá trình xây dựng các công trình mở đường quốc lộ 1A, san lấp mặt bằng vi phạm vào khoảng cách pha - đất, khi đơn vị quản lý vận hành phát hiện mới tính đến việc xử lý. Tuy nhiên, thời gian xử lý còn rất chậm, các vị trí nêu trên có nguy cơ cao gây mất an toàn cho người và phương tiện giao thông.

Công nhân Điện lực Bố Trạch phát quang cây cối bảo đảm hành lang an toàn lưới điện.
Công nhân Điện lực Bố Trạch phát quang cây cối bảo đảm hành lang an toàn lưới điện.

Việc cấp đất cho tập thể, cá nhân của chính quyền địa phương không được thông báo cho đơn vị quản lý vận hành lưới điện được biết. Đất cấp cho tập thể, cá nhân đã có đường điện đi qua không được trừ diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ công trình lưới điện cao áp theo quy định, dẫn đến khó khăn cho đơn vị quản lý lưới điện trong việc vận hành và giải quyết khi có vi phạm HLATLĐ cao áp.

Cây cối ngoài hành lang lưới điện có nguy cơ đổ vào đường dây (thực tế có rất nhiều sự cố thoáng qua do cây cối ngoài hành lang lưới điện đổ, va quyệt vào đường dây khi có gió, bão) nhưng người dân không cho chặt tỉa, nếu có đồng ý cho chặt tỉa thì đòi giá đền bù gấp nhiều lần so với định mức đền bù của tỉnh quy định, hoặc sau khi đền bù lại tiếp tục trồng cây, ngành điện không có kinh phí để đền bù (đặc biệt là những diện tích rừng bạch đàn, keo và tre).

Cái khó khi giải quyết những trường hợp vi phạm này là thái độ thiếu hợp tác của người dân và sự vào cuộc chậm trễ của các cấp chính quyền ở một số địa phương, dù biết việc vi phạm này có thể để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Mặc dù các điện lực cơ sở đã có nhiều lần làm việc với chính quyền địa phương, song trên địa bàn quản lý còn nhiều vị trí cây cối nằm trong và ngoài HLATLĐ cao áp, có khả năng đổ vào đường dây khi có gió to, trong đó nhiều nhất là ở Điện lực Quảng Trạch (15 vị trí), Điện lực Bố Trạch (6 vị trí)... Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã có hàng chục sự cố lưới điện xảy ra do cây đổ, va quyệt vào đường dây.

Ông Hoàng Hiếu Trung, Phó Giám đốc phụ trách Kỹ thuật PC Quảng Bình cho biết, hiện nay, do khối lượng quản lý lớn, địa bàn trải rộng khắp trên toàn tỉnh nên PC Quảng Bình gặp không ít khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát các trường hợp vi phạm HLATLĐ.

Vì thế, PC Quảng Bình và các điện lực trực thuộc đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, đặc biệt là việc tăng cường kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm nhằm bảo đảm hệ thống lưới điện vận hành an toàn, cung ứng nguồn điện liên tục cho khách hàng. Cụ thể là ngay khi phát hiện vi phạm, đơn vị quản lý vận hành lưới điện kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn cho các cá nhân, đơn vị vi phạm và báo cáo ngay cho các cấp, các ngành liên quan để xử lý.

Mặt khác, khi đầu tư sửa chữa lớn và xây dựng cơ bản lưới điện, Công ty ưu tiên giải quyết các vị trí vi phạm hành lang. Đối với các hộ sử dụng điện có dây dẫn sau công tơ không bảo đảm, các điện lực cơ sở đề nghị các hộ sử dụng điện chủ động sửa chữa, nâng cấp, thay thế.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, được biết công tác tuyên truyền về bảo đảm HLATLĐ được PC Quảng Bình xác định là giải pháp hàng đầu để bảo đảm an toàn điện, tránh xảy ra sự cố hoặc tai nạn về điện đối với người dân. PC Quảng Bình đã thực hiện phát tờ rơi với số lượng lớn (160.000 tờ) đến tận tay người dân; đồng thời phối hợp với các cơ quan báo chí trong tỉnh và chính quyền các địa phương phát các bản tin tuyên truyền các điều nghiêm cấm của pháp luật về vi phạm HLATLĐ, an toàn sử dụng điện trong nhân dân (4 lần/năm).

Hàng tháng, cán bộ, công nhân viên trong Công ty thực hiện viết bài về chủ đề an toàn đăng trên mạng nội bộ. Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung các vấn đề: Không trồng và để cành cây, dây leo của gia đình phát triển gây ảnh hưởng đến vận hành an toàn đường dây; nghiêm cấm người không có nhiệm vụ trèo lên bất cứ bộ phận nào của đường dây; không phơi quần áo, đồ dùng lên dây điện; không thả diều, đá bóng ở gần đường dây điện;…

Ngoài ra, Công ty cũng mở các lớp tập huấn công tác bảo đảm an toàn điện cho đội ngũ thợ điện ở các xã, phường, thị trấn. Công tác kiểm tra, phát quang HLATLĐ được các điện lực triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục.

Để công tác tuyên truyền về bảo đảm HLATLĐ cho người dân đạt hiệu quả cao, nhất là trong mùa mưa bão và các tháng cao điểm, trong thời gian tới, PC Quảng Bình rất cần sự vào cuộc quyết liệt và các giải pháp đồng bộ hơn nữa của các cấp chính quyền và các ngành chức năng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng điện, bảo đảm an toàn cho người và tài sản.

Nguyễn Hoàng


 

,
.
.
.