.
Xã Quảng Phú:

Nỗi lo biển xâm thực

Thứ Bảy, 23/12/2017, 08:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Phú Xuân là một thôn thuần ngư, hơn chục năm về trước, do mỗi năm biển đều lấn dần vào đất liền, người dân địa phương trồng thêm nhiều dãy cây phi lao ven bờ để chắn sóng. Từ đó, hiện tượng biển xâm thực diễn biến chậm lại. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, vào mùa mưa bão, nước biển thường dâng cao, ăn sâu vào đất liền.

Đặc biệt, trong cơn bão số 10 vừa qua, sóng biển vượt qua dãy phi lao, tràn vào nhà dân, xô đổ nhiều hàng rào, đánh sập đường bê tông... Nhiều hộ gia đình phải rời bỏ nhà cửa vì sợ sóng biển đánh sập. Bão số 10 đã qua mấy tháng, nhưng bờ biển thôn Phú Xuân vẫn tiêu điều bởi những hàng phi lao đã chết khô nằm ngổn ngang do ngâm nước biển lâu ngày.

Dẫn chúng tôi đi dọc bờ biển của thôn, ông Nguyễn Đoài (SN 1959) cho biết, trước đây, thôn Phú Xuân chỉ cách xã Cảnh Dương một con hói, dễ dàng lội qua được, nhưng nay muốn qua phải đi thuyền. Trước đây, dãy phi lao còn cách mực nước biển cả mấy chục mét, giờ thì sóng biển đã đánh vào sát nhà dân rồi.

Hiện tượng biển xâm thực đánh sập đường bê tông ở thôn Phú Xuân, xã Quảng Phú, Quảng Trạch.
Hiện tượng biển xâm thực đánh sập đường bê tông ở thôn Phú Xuân, xã Quảng Phú, Quảng Trạch.

Nhiều hàng phi lao đã bị sóng lôi tuột ra biển. Người dân trong thôn ai cũng lo lắng. Từ nhiều năm nay, mỗi năm, ông đều chứng kiến biển ăn sâu vào đất liền, những năm gần đây, hiện tượng này diễn ra mạnh mẽ hơn.

Con đường bê tông chạy dọc thôn vừa được người dân đóng góp hoàn thành vào cuối năm 2016 cũng bị sóng đánh gãy thành từng đoạn. Theo ông Đoài, con đường bê tông này được người dân trong thôn đóng góp hơn 140 triệu đồng xây dựng, nối từ cửa biển để phục vụ xe tải thu mua hải sản cho ngư dân hành nghề đi lộng trong thôn. Nhưng nay, những thuyền đi lộng trong thôn phải cập bến ở Cảnh Dương hoặc Hòn La vì cửa biển bị phong tỏa bởi những hàng phi lao nằm chỏng chơ trên bờ dưới biển.

Hai năm nay, chỉ cần nghe tin dự báo thời tiết có gió mùa là bà Nguyễn Thị Lành, 50 tuổi, thôn Phú Xuân lại lo lắng bởi nhà bà nằm gần biển nhất trong thôn. Sống hết hơn nửa đời người bà mới dành dụm tiền xây được căn nhà kiên cố vào giữa năm ngoái. Chưa kịp vui thì mưa lũ kéo dài, nước biển dâng cao đánh sập cả dãy hàng rào quanh vườn, nước biển ngập quá chân móng nhà mấy ngày mới chịu rút đi. Trong trận bão hồi tháng 10, nước biển lại tràn vào nhà, bà cùng con cháu phải dắt díu nhau đi lánh nạn.

"Vào mùa mưa bão, chỉ cần có gió mùa từ cấp 7-8 thì nước  biển đã áp sát những nhà dân nằm sát biển. Nhà tôi nằm sát biển nhất, năm ngoái sập hết tường rào, năm nay nằm trong nhà nghe sóng biển đánh ầm ầm vào vách tường đành phải rời bỏ nhà cửa. Không biết rồi những năm tiếp theo sẽ ra sao. Cứ nghe có gió mùa là cả nhà tôi không ngủ được", bà Lành thở dài cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thê, Trưởng thôn Phú Xuân cho biết, thôn có 337 hộ với hơn 1.300 nhân khẩu. Những năm gần đây, người dân trong thôn phải sống trong bất an bởi nỗi lo biển xâm thực ngày càng mạnh mẽ. Bà con đã phản ánh lên các cấp chính quyền với mong muốn tìm được giải pháp khắc phục hiện tượng biển xâm thực để yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

X.P-N.H