.

Những bông hoa nhỏ giữa đại ngàn Trường Sơn

Chủ Nhật, 24/12/2017, 08:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Túp lều nhỏ mục nát được gọi là nhà, chỉ cần trận mưa nhỏ, trong nhà cũng giống như ngoài trời. Khom người chui vào thấy trống trơn, chẳng có tài sản gì đáng giá. Chủ nhà là 4 chị em người Vân Kiều sống bảo bọc nhau khi bị bố mẹ bỏ rơi cách đây ba năm về trước...

Những đứa trẻ bị bỏ rơi

Túp lều nằm sâu giữa bản Cây Cà, xã biên giới Trường Sơn (huyện Quảng Ninh). Hôm tôi theo chân anh Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đến thăm, mế Hồ Thị Chăm Pa, bà nội của bốn chị em ra đón từ đầu đường. Thời gian, nghèo khổ làm cơ thể mế khô quắt lại, giáp mặt nhau, mế cầu cứu: “Cán bộ Tráng ơi, làm răng giúp cho các cháu của mệ, chúng đang tuổi ăn, tuổi học”.

Câu chuyện về gia cảnh bốn người cháu được mế Chăm Pa bắt đầu bằng lời ráo hoảnh: “Bọn hắn thả nhau rồi”. Bọn hắn ở đây là Hồ Ruông, con trai và Hồ Thị Rít, con dâu mế, bố mẹ bốn chị em. “Thằng Hồ Ruông hắn không ra gì, chẳng chịu khó làm ăn, lại hay rượu chè say sưa. Con dâu Hồ Thị Rít cũng thế, sống với nhau có đến năm mặt con thì li dị. Con Rít sang Lào lấy chồng khác, thằng Hồ Ruông vui duyên mới, vợ mới mang theo con trai thứ ba Hồ Văn Quyết về sống với mình, bỏ rơi những đứa còn lại”.

 Túp lều cũ nát của bốn chị em Vân Kiều bị bố mẹ bỏ rơi...
Túp lều cũ nát của bốn chị em Vân Kiều bị bố mẹ bỏ rơi...

Bốn chị em người Vân Kiều hiền ngoan bị bố mẹ bỏ rơi từ năm 2014 gồm chị đầu Hồ Thị Nhung, học lớp 7, chị gái thứ hai Hồ Thị Nhiệt, học lớp 6, Trường PTDT bán trú Trường Sơn; hai anh em sinh đôi Hồ Thành Đô, Hồ Hòa Long cùng học lớp 2, Trường tiểu học Long Sơn. Từ ngày bố mẹ li dị bỏ nhà ra đi, Hồ Thị Nhung trở thành chủ gia đình bảo bọc, nuôi nấng các em. Nhà bà nội Hồ Thị Chăm Pa “nghèo rớt mồng tơi” nên chẳng giúp gì nhiều cho bốn chị em. Đồng bào trong bản cái bụng thương những đứa trẻ bị bỏ rơi thỉnh thoảng cho chúng cân gạo, củ sắn, bắp, nhúm muối trắng..., còn lại trông nhờ vào sự hỗ trợ từ chính quyền các cấp.

Ngoài thời gian đến trường, hai chị gái đầu Hồ Thị Nhung, Hồ Thị Nhiệt vào rừng hái rau, măng, xuống suối bắt con cá, con tôm, giúp bà con trong bản nếu có ai nhờ vả để có thêm lương thực, thực phẩm cho bốn chị em đắp đổi sống qua ngày. “Bố mẹ bỏ đi, ban đầu thì mấy chị em sợ lắm, không biết lấy gì mà sống. Lâu dần, chúng cháu quen, bây giờ thì tự lập được rồi. Được cái là các em cháu rất ngoan, biết vâng lời người lớn, thầy cô, đều chăm học và học giỏi. Cháu thường bảo các em cố gắng học, sau này lớn lên có nghề nghiệp ổn định không còn khổ, nghèo như hiện tại”, Hồ Thị Nhung tâm sự. “Ước mơ lớn nhất của bốn chị em là gì?”- Tôi hỏi. Cô bé Vân Kiều trả lời không chút đắn đo: “Mong bố mẹ quay về. Được có bố, mẹ như các bạn khác trong bản, trong trường. Những chắc là khó lắm, mấy năm trôi qua bố mẹ không một lần ghé thăm con. Mẹ thì chẳng nói làm gì vì ở Lào xa quá. Bố lấy vợ mới gần đây thôi mà vẫn không thấy mặt, chỉ có em Hồ Văn Quyết thỉnh thoảng về thăm chị, thăm em”.

Ngát hương giữa rừng Trường Sơn

Nhà nghèo, bố mẹ bỏ đi nhưng dưới sự giám sát, động viên của cô chị cả Hồ Thị Nhung, Nhiệt, Đô, Long đều đến trường rất chuyên cần và học giỏi, chăm ngoan, được thầy yêu, bạn mến. “Năm nào chúng cháu cũng được nhận giấy khen cả”- Hồ Thị Nhiệt khoe với tôi.

Thành tích học tập đáng nể của 4 chị em.
Thành tích học tập đáng nể của 4 chị em.

Minh chứng lời mình, Hồ Thị Nhiệt lấy từ trên chái bếp xuống một bọc ni-lon gói cẩn thận... và trong đó chính là tài sản lớn nhất của các em- những tờ giấy khen còn tươi nguyên nét mực. Năm học 2014-2015, khi còn học lớp ba, Hồ Thị Nhiệt đạt giải xuất sắc trong ngày hội “Kể chuyện về Bác Hồ” do Trường tiểu học Long Sơn tổ chức. Năm học 2015-2016, em nhận giấy khen về thành tích học tốt môn Tiếng Việt. Nhiệt hồn nhiên: “Cháu đam mê những câu chuyện về Bác Hồ, học Bác để tự nhủ với mình, động viên chị gái cùng hai em trai cố gắng vượt qua khó khăn khi không có vòng tay bố mẹ chăm chút, từ đó, đến trường chuyên cần hơn, học tập tốt hơn”.

Riêng hai anh em sinh đôi Hồ Hòa Long, Hồ Thành Đô được đánh giá là ngoan hiền từ khi bước vào học mầm non. Cô giáo Nguyễn Thị Lưu, Hiệu trưởng Trường mầm non Trường Sơn hết lời khen ngợi: “Năm nào hai cháu cũng đạt danh hiệu chăm ngoan, học giỏi”. Năm học 2016-2017, Hồ Hòa Long và Hồ Thành Đô được Huyện đoàn, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh huyện Quảng Ninh tuyên dương là học sinh dân tộc tiêu biểu.

Niềm vui có thể nói là lớn nhất trong đời bốn chị em dân tộc Vân Kiều bản Cây Cà khi ngôi nhà sàn bằng gỗ khang trang đã hoàn thành vào dịp cuối năm trị giá hơn 40 triệu đồng từ sự hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quảng Ninh. Thương bốn đứa trẻ hiền ngoan côi cút, bà con dân bản họp nhau lại góp công, góp sức cất nhà cho chúng.

...Và hạnh phúc của chị em Nhung trước ngôi nhà mới.
...Và hạnh phúc của chị em Nhung trước ngôi nhà mới.

Hôm tôi với anh Nguyễn Văn Tráng ghé thăm mang theo nhiều vật dụng sinh hoạt gia đình của những tấm lòng hảo tâm gửi tặng, gồm: ti vi, chăn áo ấm, bàn học, xoong nồi, chén bát..., giúp bốn chị em Nhung dần ổn định cuộc sống, niềm vui của những đứa trẻ Vân Kiều hồn hậu hiện rõ trên từng nét mặt.

Ôm các em thơ vào lòng, tiếng Hồ Thị Nhung nghèn nghẹn: “Chúng cháu hứa sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng mọi người quan tâm, giúp đỡ mình”.

Hồ An