.

Hệ lụy từ thiếu nhà ở cho công nhân

Thứ Bảy, 02/12/2017, 19:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, với sự phát triển mạnh của các khu công nghiệp, nhu cầu về nhà ở cho công nhân là vấn đề rất bức thiết. Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa có khu công nghiệp nào có nhà ở dành riêng cho công nhân. Điều này kéo theo không ít hệ lụy, đó là doanh nghiệp khó tuyển được lao động, tâm lý công nhân không ổn định và không muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Chưa có nhà ở cho công nhân

Theo thống kê của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, hiện nay, tỉnh ta có 6 khu công nghiệp. Nhưng chưa có khu công nghiệp nào có khu nhà ở dành riêng cho công nhân. Chính vì vậy, hầu hết công nhân ở các khu công nghiệp này đều phải tự tìm đến các phòng trọ do người dân tự phát xây dựng. Nằm cách Xí nghiệp may Hà Quảng (thuộc Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới) không xa là những dãy nhà trọ lụp xụp, ẩm thấp được nhiều công nhân lựa chọn để thuê trọ. Trong căn phòng rộng chừng 10m2 đã khá cũ kỹ lợp bằng Fibro xi măng, chị Nguyễn Như Ý, công nhân Xí nghiệp may Hà Quảng cho hay, căn phòng này chị thuê đã được hơn 2 năm với giá 400.000 đồng/tháng. Dù hơi chật và mùa hè lại nóng nhưng đổi lại phòng trọ gần chỗ làm rất tiện cho đi lại. Những lúc tăng ca cũng đỡ phải vất vả đi xa.

Nhiều công nhân phải sống trong các dãy nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp.
Nhiều công nhân phải sống trong các dãy nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp.

Tại khu công nghiệp Quán Hàu, Quảng Ninh, chị Lê Thị Hiền, một công nhân may của Công ty TNHH S&D cho biết, ở đây tìm được phòng trọ rất khó vì khu công nghiệp mới mở lại nằm ở vị trí xa dân cư. Vì ít phòng trọ, nên giá phòng ở đây cũng khá đắt từ 700.000 đồng đến 800.000 đồng/phòng, dù phòng chỉ rộng khoảng 14m2. Việc tìm được một phòng trọ ở đây là điều không hề dễ với nhiều công nhân làm việc tại khu công nghiệp Quán Hàu này, nên đa số họ đều chấp nhận thuê phòng với giá cao dù không bảo đảm an toàn và thoải mái. Phải sinh hoạt trong những phòng trọ chật chội, ẩm thấp, thiếu an toàn nên nhiều công nhân, nhất là công nhân nữ sau khi có con đều cảm thấy bất tiện. Chị Trần Thị Thúy, công nhân may của Công ty TNHH S&D Quảng Bình chia sẻ: “Mình quê ở Quảng Trạch, còn chồng thì ở Lệ Thủy. Hiện tại, mình đang mang bầu tháng thứ 5. Hai vợ chồng mình dự tính, lúc nào sinh mình sẽ về quê  đợi con lớn khoảng 2 tuổi rồi gửi cho ông bà và đi làm tiếp”. Chị Thúy cho biết thêm, nếu đi làm lại, cả gia đình sẽ ở trong phòng trọ chật chội, lại không có người trông giữ con khi nhà trẻ không có.

Doanh nghiệp khó tuyển lao động

Vì nhà ở, nhà trẻ... phục vụ công nhân lao động không có, nên các khu công nghiệp này ít thu hút được lao động. Đa số lao động ở các địa phương đều lựa chọn con đường đi làm ăn xa ở các tỉnh khu vực phía Bắc và phía Nam. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp ở tỉnh ta thiếu hụt lao động với số lượng rất lớn. Tại hội nghị bàn về giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh doanh những tháng cuối năm 2017 của Sở Công thương, khi nói về những khó khăn mà các doanh nghiệp đang mắc phải, ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH S&D Quảng Bình cho biết: “Khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động hiện nay của công ty là vấn đề nhà ở cho cán bộ, người lao động. Hiện nay, cũng có nhiều công nhân nộp hồ sơ xin vào làm ở công ty. Tuy nhiên, sau khi vào làm được một thời gian thì những công nhân này cũng rời công ty vì gặp khó khăn về nhà ở. Không có nhà ở cho công nhân nên khoảng 83% nữ giới sau khi sinh xong là nghỉ làm luôn. Sau khoảng thời gian 1 đến 2 năm, chị em mới xin vào làm lại vì không có nhà trẻ, nhà mẫu giáo”.

Chính vì khó tuyển được lao động nên sau khi đưa vào hoạt động dây chuyền 2, một số máy móc cũng đành “nằm im”. Hiện công ty chỉ mới thu hút được 827 cán bộ, công nhân lao động. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng thực tế của công ty là trên 1.000 lao động để mở rộng thêm các dây chuyền khác. Không chỉ riêng Công ty S&D Quảng Bình gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động mà các doanh nghiệp khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự, như: nhà máy may Lệ Thủy thuộc khu công nghiệp Cam Liên  hiện cũng đang thiếu hơn 200 công nhân....

Cần có giải pháp

Ông Nguyễn Xuân Thạch, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh cho biết, thời gian qua, nhiều khu công nghiệp không có quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân dẫn đến tình trạng nhiều công nhân phải ở trong các nhà trọ không bảo đảm an toàn. Trước thực trạng này, LĐLĐ tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh tạo điều kiện cấp đất và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà ở cũng như các thiết chế văn hóa khác cho công nhân ở các khu công nghiệp. Hiện nay, UBND tỉnh đã chấp thuận cấp 1,5 ha đất ở khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới để xây dựng các thiết chế phục vụ cho công nhân lao động ở khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới. Trong thời gian tới với nguồn kinh phí của Tổng LĐLĐ Việt Nam và một phần kinh phí được trích từ các công đoàn cơ sở, LĐLĐ tỉnh sẽ tiến hành xây dựng.

 Khu chung cư do Công ty TNHH XDTH Đại Phong xây dựng bị bỏ hoang vì không đáp ứng nhu cầu của công nhân.
Khu chung cư do Công ty TNHH XDTH Đại Phong xây dựng bị bỏ hoang vì không đáp ứng nhu cầu của công nhân.

Thực tế, cách đây 10 năm về trước, nhận thấy nhu cầu về nhà ở cho công nhân ngày càng tăng, năm 2007, Công ty TNHH XDTH Đại Phong đã phối hợp với Xí nghiệp may Hà Quảng để xây dựng khu nhà ở cho công nhân khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới nói chung và trực tiếp giải quyết chỗ ở cho công nhân Xí nghiệp may Hà Quảng nói riêng. Theo ông Phạm Xuân Thái, Giám đốc Công ty TNHH XDTH Đại Phong: công trình chung cư công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới nằm ở phường Bắc Lý, có tổng mức đầu tư là hơn 13 tỷ đồng, với quy mô 4 khu nhà ở 3 tầng gồm 204 phòng. Mỗi khu có 51 phòng, mỗi phòng rộng 14,8m2 và tầng lửng có diện tích 6,2m2, phòng vệ sinh là 2,5m2. Dự kiến công trình này sẽ giải quyết vấn đề nhà ở cho khoảng 1.500 đến 2.500 công nhân.

Tuy nhiên, trái với mong đợi, sau khi khu chung cư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2009, mặc dù mức giá thuê phòng tương  đối thấp và chất lượng các phòng đều bảo đảm cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của công nhân, thế nhưng đa số họ đã không lựa chọn. Chính vì vậy, công trình hiện gần như bị bỏ hoang. Nguyên nhân theo các công nhân đưa ra là do vị trí khu chung cư xa so với chỗ làm, trong khi đường vào khu chung cư buổi tối không có điện. Bên cạnh đó, tình hình an ninh trật tự của khu chung cư không bảo đảm. Cả 4 dãy nhà lớn như vậy nhưng chỉ có một bảo vệ lớn tuổi trông coi.

Thực tế này có thể thấy, mặc dù nhu cầu về nhà ở đang rất cần đối với nhiều công nhân và đóng vai trò quan trọng với các khu công nghiệp, tuy nhiên, với việc xây dựng không khảo sát kỹ nhu cầu và mong muốn của chính người lao động, thì dù giá phòng có rẻ, hay chất lượng phòng tốt như thế nào cũng không thể thu hút được công nhân đến thuê. Chính vì vậy, việc xây dựng các thiết chế cho công nhân, nhất là nhà ở, cần được tính toán kỹ, tránh trường hợp công trình sau khi xây xong lại bị chính công nhân quay lưng.

Đ. Nguyệt