.

Thách thức "cuộc chiến" bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Thứ Ba, 28/11/2017, 09:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn), cho biết: “Tình trạng khai thác không đúng vùng biển quy định, sử dụng các hình thức nghiêm cấm, như: xung điện, chất nổ…, trên vùng biển Quảng Bình vẫn xảy ra khá phức tạp. Lực lượng Thanh tra thủy sản phải căng hết sức mình để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, chúng ta rất cần những biện pháp xử phạt mạnh tay hơn để có thể giữ được biển yên”.

Bất chấp việc cấm...

Theo ông Linh, việc khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển tỉnh ta diễn ra phức tạp trong những năm gần đây. Ngoài hoạt động của ngư dân trong tỉnh, còn có một số lượng khá lớn tàu cá của ngư dân ngoại tỉnh.

Lực lượng chức năng xử lý và tuyên truyền cho các chủ tàu vi phạm.
Lực lượng chức năng xử lý và tuyên truyền cho các chủ tàu vi phạm.

“Đơn cử như tàu pha xúc của ngư dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An; tàu lặn của tỉnh Bình Thuận, Hà Tĩnh; tàu giã cào của tỉnh Quảng Ngãi... Những hành vi vi phạm này là thách thức lớn cho công tác quản lý tàu cá, quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh”, ông Linh nói.

Theo nhiều ngư dân trong tỉnh, từ khoảng tháng 3 đến đầu tháng 9, hàng ngàn lượt tàu cá của ngư dân các tỉnh bạn (đặc biệt là ngư dân tỉnh Quảng Ngãi), có công suất lớn từ 500CV – 1.000CV khai thác trái phép tại vùng biển ven bờ.

Ngư dân Võ Văn Thái (xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới) cho hay: “Mỗi cặp tàu giã cào của các tỉnh  dùng lưới mắt nhỏ, khẩu độ rộng vài trăm mét và kéo mỗi mẻ từ 4-5 giờ đồng hồ. Khi lưới quét qua, tất cả các loại tôm, cá từ lớn đến bé đều bị quét sạch vào lưới. Kiểu đánh bắt này là tận diệt hết nguồn lợi thủy sản”.

Theo các ngư dân, đánh bắt giã cào ven biển có nguồn thu rất lớn. Trung bình mỗi giã, tàu thu được từ 2-3 tấn cá lớn, bé các loại. Đưa vào bờ bán cho đầu nậu, tàu có thu nhập khoảng 20-30 triệu đồng/giã lưới. Qua đó, mỗi tàu giã cào có thu nhập khoảng 40-60 triệu đồng mỗi ngày. “Nếu họ đi khoảng 5 ngày thì cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng”- ông Thái cho hay.

Chính vì vậy, nhiều tàu giã cào dù bị phạt nặng vẫn không từ bỏ việc làm vi phạm. Có nhiều chủ tàu tỏ ra bất chấp, ngang nhiên hoạt động trên vùng biển cấm. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện truy đuổi, chủ tàu đã có thái độ chống đối, hăm dọa. Thậm chí, có tàu giã cào đã bẻ lái đâm thẳng vào tàu của lực lượng thanh tra để dằn mặt, trả thù.

Một số cặp tàu khác vì lợi nhuận nên bất chấp việc xử lý. Đơn cử, tàu mang số hiệu QNg 97258TS của ông Nguyễn Thanh Diêu (trú tại xã Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi) bị lực lượng chức năng Quảng Bình phát hiện và xử phạt hành chính 48 triệu đồng. Đúng 10 ngày sau, tàu này tiếp tục vi phạm, bị bắt quả tang tại vùng biển ven bờ Quảng Bình.

Hoặc cặp tàu của thuyền trưởng Nguyễn Đình Tây (trú tại Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi) mang số hiệu QNg 02665TS và QNg 92662TS đánh giã cào cách bờ biển Quảng Bình khoảng 5 hải lý tàu đã bị tàu tuần tra phát hiện và xử phạt 48 triệu đồng vào thời gian đầu tháng 5. Hai ngày sau, cặp tàu này đã tái phạm cũng trên cùng tọa độ và bị lực lượng BĐBP Quảng Bình bắt giữ, xử phạt tiếp 48 triệu đồng.

Tương tự, cặp tàu mang số hiệu QNg 91748 TS và QNg 91847 cùng có công suất 640 CV do Lê Văn Hiền (trú tại Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) làm chủ tàu  nhiều lần bị tàu tuần tra phát hiện trên vùng biển ở Quảng Ninh và Lệ Thủy. Tuy nhiên, tàu tuần tra chưa đủ sức truy bắt nên cặp tàu giã cào của ông Hiền chưa bị xử lý lần nào. Khi bị tàu cao tốc của lực lượng BĐBP Quảng Bình áp tải về, ông Hiền mới chịu ký vào biên bản vi phạm.

Đáng báo động hơn, cặp tàu số hiệu QNg 92266 TS, QNg 92344 TS cùng công suất gần 900 CV của chủ tàu Nguyễn Duy Khánh (xã Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi) vào vùng biển ven bờ Quảng Bình để đánh giã cào và bị bắt quả tang, xử phạt ngày 25-9-2017. Từ đầu tháng 4-2017, xuất hiện tàu lặn của ngư dân Hà Tĩnh, Bình Thuận... với số lượng lớn đến khai thác sò, ngao tại vùng biển ven bờ huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn. Việc làm này làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, gây tranh chấp ngư trường, làm mất, hư hỏng ngư lưới cụ của người dân, gây xung đột trên biển.

Cần có biện pháp mạnh...

Trước tình trạng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với các lực lượng Quân sự, Công an, bộ đội biên phòng tỉnh... tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chi cục Thủy sản phối hợp với Cục Kiểm ngư và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho các thuyền trưởng, chủ tàu cá trong tỉnh và ngoại tỉnh neo đậu tại Cửa Gianh, khu vực Hòn La. Chi cục tổ chức cho 94 tàu giã cào của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi và tàu lặn của ngư dân tỉnh Bình Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh ký cam kết chấp hành quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

“Khi xử lý các tàu vi phạm, chúng tôi đều tuyên truyền  quy định về vùng biển được phép khai thác, hướng dẫn không sử dụng các nghề khai thác thủy sản tầng đáy trên vùng biển từ 20 hải lý trở vào bờ”, ông Linh nhấn mạnh thêm.

Để tăng thêm sức mạnh trên biển, Chi cục Thủy sản tăng cường phối hợp với Cục Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng tổ chức thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng, đã tổ chức 20 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện, lập biên bản và xử phạt hành chính 102 trường hợp vi phạm với số tiền gần 820 triệu đồng.

Lực lượng thanh tra Chi cục Thủy sản tuần tra, kiểm tra trên vùng biển.
Lực lượng thanh tra Chi cục Thủy sản tuần tra, kiểm tra trên vùng biển.

Trong đó, xử phạt 26 tàu giã cào ngoại tỉnh có công suất lớn khai thác sai tuyến với số tiền trên 620 triệu đồng; 20 trường hợp tàng trữ, sử dụng xung điện khai thác thủy sản, tịch thu 20 bộ kích điện và 56 trường hợp vi phạm hành chính khác... Ngoài ra, lực lượng Biên phòng Quảng Bình đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý 10 tàu giã cào tỉnh Quảng Ngãi khai thác thủy sản sai tuyến, xử phạt 240 triệu đồng.

Công tác phối hợp cũng đã được chú trọng và có hiệu quả hơn. Trong năm 2017, Chi cục Thủy sản phối hợp Đồn Biên phòng Nhật Lệ, Cửa Gianh, Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng tỉnh) tổ chức 9 cuộc kiểm tra, lập biên bản và xử phạt 44 tàu cá vi phạm; phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (CA tỉnh) tổ chức kiểm tra, lập biên bản và xử phạt 10 tàu cá vi phạm.

Cũng trong năm nay, Chi cục phối hợp với Cục Kiểm ngư tổ chức 4 cuộc kiểm tra, kiểm soát, giám sát và đã xử phạt 24 trường hợp. Trong những cuộc kiểm tra, hai bên phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền  cho ngư dân không sử dụng các nghề khai thác thủy sản tầng đáy tại vùng biển Quảng Bình từ 20 hải lý trở vào bờ.

Tuy nhiên, dù đã cố gắng, nhưng lực lượng thanh tra của Chi cục Thủy sản vẫn chưa thể đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra. Theo ông Lê Ngọc Linh, phương tiện tàu, ca nô và công cụ hỗ trợ của lực lượng khi hoạt động trên biển rất thiếu. Tàu cũng đã sử dụng trên 20 năm có công suất nhỏ nên khó truy đuổi tàu cá vi phạm. “Mặt khác, mức phạt tiền cũng đang còn thấp.

Vì vậy, đề nghị Trung ương nên bổ sung nâng cao mức phạt, đồng thời cho áp dụng tịch thu ngư lưới cụ vi phạm. Như vậy, mới có thể ngăn chặn được tàu cá có công suất lớn hành nghề trái với quy định”- ông Linh trao đổi thêm.

Nguyễn Tâm