.

"Thiên tai" hay "nhân tai"

Thứ Bảy, 28/10/2017, 19:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông người Hà Nội, vốn là bộ đội thuộc Sư đoàn 325 từng một thời đóng quân tại bãi biển Nhật Lệ. Mến đất, mến người Quảng Bình nên năm nào cũng có vài chuyến vào thăm chiến trường xưa. Nhà tôi sát ngay biển, ông hay ghé xin chén nước, buôn chuyện.

Ông bảo thích nhất rừng phi lao chắn cát chạy dọc theo chân sóng biển Đông ở xã Quang Phú. Tôi khoe với ông về câu chuyện Anh hùng lao động, mẹ Phạm Thị Nghèng cùng những đội viên “trồng cây gây rừng” làng Phú Hội xưa, Quang Phú bây giờ, mấy chục năm trằn mình trên cát mới có được những cánh rừng phi lao như bây giờ. Nghe chuyện, ông cứ tấm tắc khen.

Bão số 10 tràn vào Quảng Bình, rừng dương mẹ Nghèng tan hoang. Sau bão, ông gom được ít hàng từ thiện gửi vào cho Quảng Bình. Đứng trước biển ông bàng hoàng, tặc lưỡi tiếc cho rừng cây chắn bão. Gặp tôi, ông day dứt: “Sao mà kinh khủng quá! Nhưng nhờ cánh rừng mà đã cứu nguy cho nhà cửa, tài sản của dân mình”. Tôi đồng cảm cùng ông: “Bão qua, rừng phi lao gãy đổ một phần, nhưng không nặng nề như thế đâu. Người ta đi hái củi, cây gãy không chặt, nhằm cây lành chặt phá, thành ra tan nát”.

Người lính già gốc Hà Nội gục gặc đầu, hỏi tôi mà như hỏi chính mình: “Thế là do thiên tai hay nhân tai đây nhỉ?!”                                     

Hồ An