.

Hiệu quả mô hình "một cửa" điện tử liên thông

Thứ Hai, 30/10/2017, 09:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, tỉnh ta đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống phần mềm ứng dụng cho bộ phận “một cửa” điện tử tại một số sở, ngành và UBND cấp huyện. Tuy mới đưa vào hoạt động, nhưng hệ thống đã từng bước phát huy hiệu quả, khắc phục được những hạn chế của mô hình “một cửa” liên thông trước đây, bảo đảm liên thông theo ngành dọc và quan hệ phối hợp ngang cấp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn...

Trước năm 2016, tỉnh ta đã xây dựng trung tâm giao dịch “một cửa” và “một cửa” liên thông tại nhiều cơ quan, ban, ngành các cấp. Khi đi vào hoạt động, các trung tâm đã góp phần giải quyết hồ sơ nhanh, gọn cho người dân và các tổ chức đến giao dịch, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, các mô hình giao dịch này vẫn còn những hạn chế như: khó khăn trong việc theo dõi, thông kê số liệu; trang thiết bị, cơ sở hạ tầng ngày càng xuống cấp; đơn vị xây dựng phần mền ngừng hỗ trợ về kỹ thuật, trong khi đơn vị sử dụng không làm chủ được phần mềm...

Để khắc phục những hạn chế trên, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT đã hỗ trợ tỉnh ta triển khai mô hình “một cửa” điện tử liên thông. Mô hình “một cửa” điện tử liên thông dựa trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh với nền tảng là mã nguồn mở theo hình thức mua giải pháp của VNPT. Đây là giải pháp tối ưu nhằm tận dụng, phát huy phần hạ tầng sẵn có, kết hợp với công nghệ hiện đại từ phía VNPT.

Tháng 2-2016, Sở Thông tin và Truyền thông đã làm việc với VNPT SOFT nhằm tiếp cận, nắm bắt phần mềm, trao đổi về các tính năng hay các lỗi trên phần mềm có thể xảy ra... Phía VNPT SOFT cũng đã hướng dẫn cài đặt và cấu hình phần mềm tại Trung tâm dữ liệu điện tử tỉnh đặt tại sở; tiếp nhận đào tạo quản trị hệ thống từ VNPT SOFT, như: quản trị thủ tục hành chính (TTHC), quản trị cán bộ, phương pháp khảo sát nắm bắt thông tin phần mềm...

 Mô hình “một cửa” điện tử liên thông được triển khai tại thành phố Đồng Hới.
Mô hình “một cửa” điện tử liên thông được triển khai tại thành phố Đồng Hới.

Đơn vị đầu tiên áp dụng mô hình “một cửa” điện tử liên thông là Sở Thông tin và Truyền thông (ngày 1- 8-2016). Trước đó, tháng 3-2016, Sở đã tiến hành khảo sát thông tin TTHC, quy trình ISO, cán bộ. Cấu hình cài đặt và kiểm thử trên phần mềm 50 TTHC. Trong đó có 8 TTHC được cấu hình lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.

Theo cấp độ này, dịch vụ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, sở cũng đã tập huấn cho toàn cán bộ, nhân viên trong đơn vị xử lý các vấn đề tồn đọng trên phần mềm.

Đến nay, đã có 6 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 5 huyện, thành phố triển khai mô hình “một cửa” điện tử liên thông, gồm: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu kinh tế, các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới.

Để triển khai mô hình này, các đơn vị đã tiến hành khảo sát TTHC, quy trình ISO, tập huấn cách sử dụng cho cán bộ, nhân viên tại cơ quan. Trong số các dịch vụ công được đưa lên hệ thống, có nhiều dịch vụ công ở mức độ 3 và một số dịch vụ mức độ 4.

Mô hình “một cửa” điện tử liên thông có website: motcua.quangbinh.gov.vn. Qua website này, người dân chỉ cần lập tài khoản, sau đó nhập mã hồ sơ, chứng minh nhân dân của mình thì mọi thông tin của hồ sơ sẽ được cập nhật ngay trên màn hình. Đối với các cấp lãnh đạo hoặc những người thống kê số liệu chỉ cần vào mục thống kê sẽ nắm được tình hình chung. Các số liệu, như: tổng số hồ sơ, hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn, quá hạn, hồ sơ đang trong thời gian giải quyết... đều được hiển thị qua các màu sắc có chú thích. Số liệu thống kê được cập nhật toàn tỉnh, sở, ngành, cấp huyện và cả cấp xã...

Ông Phan Ngọc Lâm, Trưởng phòng cải cách hành chính, Sở Nội vụ cho biết: “Với mô hình “một cửa” điện tử liên thông, người dân sẽ tự tra cứu hồ sơ của mình trên mạng bất cứ nơi đâu. Đối với số dịch vụ, người dân có thể gửi hồ sơ qua mạng hoặc qua dịch vụ bưu chính công. Bên cạnh đó, lãnh đạo các đơn vị dễ dàng theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ, hoặc tổng hợp báo cáo tình hình. Việc liên thông các TTHC được thực hiện một cách suôn sẻ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã”...

Theo ông Lâm, để chương trình hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho người dân và các doanh nghiệp, tỉnh ta cần duy trì những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua; đồng thời, triển khai, nhân rộng phần mềm “một cửa” điện tử liên thông hiện đại và dịch vụ công VNPT - iGate đến các đơn vị còn lại.

Đối với VNPT, cần có bộ giải pháp CNTT để triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên phạm vi cấp tỉnh, huyện và xã; triển khai giải pháp xác thực tập trung và xác thực một lần SSO; giải pháp quản lý văn bản điều hành tác nghiệp tích hợp hệ thống email liên thông trên cấp 4; hệ thống truyền hình hội nghị trực tuyến về cấp huyện và cấp xã...

Xuân Vương