.

Tỏa sáng giữa đời thường

Thứ Năm, 27/07/2017, 16:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Từng xông pha nơi trận mạc, đóng góp một phần thân thể và cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, họ đã trở về với cuộc sống đời thường bằng ý chí và nghị lực của người lính Cụ Hồ. Chúng tôi muốn nói đến họ - những người lính năm xưa thuộc Ban liên lạc thương binh nặng thành phố Đồng Hới. Họ đã tỏa sáng giữa đời thường bằng sự phấn đấu vươn lên vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình và xã hội.

>> Tiếp tục quan tâm, chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng

"Anh em chúng tôi mỗi người một hoàn cảnh và mỗi khi gặp nhau, thấy đồng chí, đồng đội của mình còn khỏe là hạnh phúc nhất. Ở cái tuổi chúng tôi, chỉ mong có thế. Mong khỏe để viết tiếp những trang đời mới bằng chính nghị lực của người lính", thương binh Nguyễn Ngọc Tâm, Trưởng ban liên lạc thương binh nặng TP. Đồng Hới đã tâm sự.

Ban liên lạc thương binh nặng TP. Đồng Hới hiện có 31 thành viên. Điểm chung giữa họ là đều mang trên mình nhiều vết thương của một thời trận mạc, song dù ở hoàn cảnh nào họ cũng luôn vượt khó vươn lên và tạo nên bao điều kỳ diệu trong cuộc sống. Thương binh Nguyễn Ngọc Tâm nhớ như in những ngày tháng sau khi xuất ngũ. Hai bàn tay trắng, con cái còn nhỏ lại đau ốm thường xuyên, nên với ông đó là chuỗi ngày dài đầy khó khăn, thử thách.

"Làm gì để có cái ăn, cái mặc, con cái được học hành đến nơi, đến chốn" luôn là câu hỏi lớn trong suy nghĩ của ông. Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, sự động viên của đồng đội, ông tham gia vào tổ giữ xe thương binh ở chợ Đồng Hới. Khi tích cóp được chút vốn liếng nho nhỏ, vợ chồng ông mở thêm cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng... Cơ sở của ông luôn đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ai cần gì vợ chồng ông tận tình chở hàng đến tận nơi. Thế nên chẳng bao lâu ông đã có cuộc sống ổn định. Nhìn cơ ngơi hiện tại của ông, ai ai cũng thán phục.

Chăm sóc vườn tược, nuôi gà thả vườn là công việc thường ngày của thương binh Bùi Trung Hột.
Chăm sóc vườn tược, nuôi gà thả vườn là công việc thường ngày của thương binh Bùi Trung Hột.

Với cương vị là Trưởng ban liên lạc thương binh nặng TP. Đồng Hới, ông còn là chiếc cầu nối với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, là sợi dây gắn kết tình đoàn kết đồng đội giữa các thành viên trong ban. 31 thành viên, mỗi người một hoàn cảnh, song ông hầu như hiểu rõ cuộc sống của từng người, nhớ từng số nhà, tên đường, ngõ xóm mà đồng đội mình đang sống.

Ông nói: Anh em chúng tôi luôn lấy chữ "nghĩa" làm trọng. Trước đây, chúng tôi sinh hoạt định kỳ 3 tháng một lần song do điều kiện sức khỏe của thương binh không tốt, nên bây giờ mỗi năm gặp nhau sinh hoạt hai lần để kể cho nhau nghe chuyện làm kinh tế, chia sẻ cùng nhau những niềm vui, nỗi buồn, thăm hỏi nhau về sức khỏe và hát cho nhau nghe.

Mỗi khi nghe tin có đồng đội ốm đau, anh em trong Ban liên lạc luôn tận tình thăm hỏi và túc trực lo chuyện hậu sự cho người qua đời. Hằng năm, cứ đến ngày 27-7, anh em lại gặp nhau trong nhiều hoạt động như giao lưu gặp gỡ, tổ chức các chuyến đi thăm chiến trường xưa, thăm Lăng Bác Hồ, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều hoạt động hướng về nguồn cội khác. Mỗi dịp như thế, chúng tôi gặp lại mình của ngày xưa, thời trai tráng mang trong mình nhiều ước mơ hoài bão và tự động viên nhau vươn lên trong cuộc sống hiện tại dù phía trước còn lắm gian nan.

Điều đáng mừng là anh em thương binh nặng nhưng ý chí, nghị lực và niềm tin vào ngày mới lại rất lớn nên mỗi người đều cố gắng vươn lên trên mọi lĩnh vực. Nhờ đó mà ngày càng có nhiều anh em làm kinh tế giỏi, hoạt động xã hội tốt, trở thành điểm sáng trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Chúng tôi đến nhà ông Bùi Trung Hột, thôn 16 xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới đúng lúc ông vừa trở về sau ba tháng điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới. Ông là một trong những tấm gương điển hình cho phong trào cựu chiến binh vượt khó làm kinh tế giỏi của xã. Ông xuất ngũ trở về quê hương với tỷ lệ thương tật 95%, đôi chân không tự đi lại được, cùng nhiều vết thương ở đầu, lưng cứ hành hạ ông mỗi khi trái gió trở trời.

Khó mà kể hết những khó khăn trong cuộc sống của ông lúc ấy. Không nghề nghiệp, không vốn liếng, song có chế độ ưu đãi gì của địa phương dành cho thương binh ông đều nhường cho người khác bởi ông luôn nghĩ rằng mình khó nhưng còn nhiều người khó hơn mình. Thế nên ông luôn nhủ mình phải tự thân vận động, chí thú làm ăn để tự chăm lo cuộc sống cho gia đình.

Ông làm đủ mọi việc, trồng trọt, mở quán cơm bình dân... và thành công nhất của ông là chăn nuôi, nhất là nuôi gà thả vườn. Chuyện cần cù, chịu khó của vợ chồng ông khiến cả thôn và anh em thương binh hết sức nể phục. Để xây được ngôi nhà, suốt 6 năm trời vợ chồng ông kiếm nhặt từng viên đá, bao cát rồi tự tay đúc nên từng viên bờ lô mà nói theo cách của ông là cứ "lúc cúc" ngày này qua ngày khác.

Trong chăn nuôi, ngoài việc tự nghiên cứu trên sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng, để có thêm kiến thức, vợ chồng ông còn trồng chuối trong vườn, đến các quán ăn để xin hoặc mua lại thức ăn thừa về làm thức ăn cho gà.

Nhờ chăm sóc tốt, đàn gà của ông ngày một phát triển, có những thời điểm vợ chồng ông thu được khoảng 300.000 - 500.000đ/ngày từ việc bán trứng. Thành công từ nuôi gà đã giúp gia đình ông ổn định kinh tế. Hiện giờ, tuy sức khỏe yếu, một năm phải nằm viện vài ba đợt do các vết thương cũ tái phát, song với bản chất kiên cường của người lính nên ông luôn vượt khó, hăng say lao động và thành quả mà ông có được là gia đình đầm ấm, hạnh phúc, có của ăn của để.

Thương binh Trần Kiên Cường ở tiểu khu 7, phường Đồng Phú cũng là tấm gương sáng trong phong trào thi đua làm theo lời Bác của cựu chiến binh TP. Đồng Hới. Trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống do không có nghề nghiệp ổn định, sức khỏe yếu phải thường xuyên điều trị tại các bệnh viện song nhớ lời dạy của Bác: "Thương binh tàn nhưng không phế", ông đã suy nghĩ nhiều cách để có việc làm phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Ông cùng với các anh em thương binh nặng đã tập hợp ý kiến nguyện vọng xin được thành lập tổ giữ xe thương binh tại chợ Đồng Hới. Sáng kiến này đã được thành phố và các ngành hữu quan đồng tình ủng hộ. Mô hình này được nhân rộng đến các chợ khác như chợ Nam Lý, chợ Cộn... tạo việc làm cho nhiều thương binh có hoàn cảnh như ông. Ông còn được biết đến là tấm gương mẫu mực trong các phong trào hoạt động ở địa phương. Nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc, được nhân dân hết mực yêu mến.

Không khuất phục trước hoàn cảnh khó khăn là điểm chung của các thương binh thuộc Ban liên lạc thương binh nặng TP. Đồng Hới. Nơi đây là điểm gặp gỡ của nhiều tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi như ông Nguyễn Văn Ngô ở phường Nam Lý với mô hình kinh tế trang trại, ông Mai Sa ở thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh kinh doanh dịch vụ khách sạn...

Một số gia đình thương binh nặng đã vươn lên thành hộ khá giàu, là tấm gương điển hình trong nhiều lĩnh vực hoạt động ở địa phương. Họ đã anh dũng trong thời chiến, cần cù sáng tạo lao động sản xuất trong thời bình bởi họ luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ "Thương binh tàn nhưng không phế".

Nhật Văn