.
Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ (27-7-1947 - 27-7-2017):

Tiếp tục quan tâm, chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng

Thứ Năm, 27/07/2017, 11:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2017), phóng viên Báo Quảng Bình có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Trường Sơn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xung quanh việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

- P.V: Xin đồng chí cho biết về tình hình thực hiện chế độ chính sách cho người có công trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua?

- Đồng chí Nguyễn Trường Sơn: Thời gian qua, trên cơ sở các văn bản quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước về chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện tuyên truyền qua nhiều kênh thông tin, cùng với việc tổ chức tập huấn triển khai, hướng dẫn quy trình, phân công trách nhiệm cho từng ngành, từng cấp trong việc hướng dẫn quy trình thực hiện để người có công lập các thủ tục đề nghị xác nhận và giải quyết các chế độ chính sách.

Tỉnh cũng đã chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục phổ biến pháp luật đối với người có công với cách mạng và phát động phong trào "Đền ơn đáp nghĩa” nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện tốt công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công cách mạng nhằm thể hiện đạo lý "Uống ước nhớ nguồn" của dân tộc.

Tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư hàng chục tỷ đồng từ ngân sách địa phương để tu sửa, nâng cấp, bảo đảm cho các nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ và đài tưởng niệm liệt sĩ luôn được khang trang, trang nghiêm và sạch đẹp. Các phong trào, các cuộc vận động toàn dân tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa; hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở hoặc khi gặp khó khăn, hoạn nạn; phong trào nhận phụng dưỡng, đỡ đầu, chăm sóc các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh nặng, cha, mẹ liệt sĩ neo đơn...  đã mang lại hiệu quả thiết thực và tạo được sự lan tỏa rộng rãi trong xã hội.

Trong 10 năm qua (từ 2007 đến nay), bình quân hàng năm toàn tỉnh có gần 25.000 đối tượng được điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp hàng tháng; thực hiện chế độ nghỉ dưỡng cho gần 10.000 đối tượng; giải quyết hơn 9.000 hồ sơ về thờ cúng liệt sĩ; thực hiện ưu đãi trong giáo dục - đào tạo cho hơn 15.000 đối tượng là học sinh, sinh viên con của đối tượng người có công; giải quyết chế độ bảo hiểm y tế cho hơn 40.000 đối tượng mỗi năm và các chế độ đối với liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công nói chung...

Các dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các cấp, các ngành tổ chức thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công từ ngân sách Trung ương với hơn 28.000 suất hàng năm, tổng kinh phí trên 81,3 tỷ đồng...

Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trong 10 năm qua đã huy động được trên 28 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ xây mới và sửa chữa gần 1.000 căn nhà cho người có công và nhiều công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Hiện 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan đơn vị nhận chăm sóc phụng dưỡng đến suốt đời với mức từ 0,5-3 triệu đồng/tháng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương lên phần mộ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Ba Dốc.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương lên phần mộ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Ba Dốc.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, các trường học, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... đã vận động đoàn viên, hội viên nhận chăm sóc thường xuyên các công trình ghi công liệt sĩ. Tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở cho hơn 14.000 trường hợp đủ điều kiện được phê duyệt, trong đó đã hỗ trợ kinh phí cho gần 4.000 trường hợp.

- P.V: Trong quá trình thực hiện chế độ chính sách cho người có công với cách mạng, chúng ta còn gặp những khó khăn gì, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Trường Sơn: Thực tế hiện nay, một số địa phương, đơn vị chưa làm tốt công tác phổ biến các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Năng lực, trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của một số ít cán bộ, công chức ngành LĐ-TB-XH còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, quá trình thực hiện chính sách ưu đãi người có công vẫn còn một số khó khăn.

Mặt khác, trong quy định về giải quyết chế độ chính sách đối với người có công có nhiều hạn chế, chưa bao phủ và chưa sát với thực tế như: chưa thực hiện được việc giám định đối với người bị thương đã được kết luận tỉ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật dưới 21%; điều kiện hưởng tuất người có công đối với con đã trưởng thành... 

Dù đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhưng hiện nay vẫn còn một số quy định về quy trình, thủ tục, hồ sơ không phù hợp thực tế, không căn cứ vào người thật, việc thật đã xảy ra, khiến một bộ phận người có công thiếu hồ sơ, thủ tục gặp khó khăn trong việc thụ hưởng chính sách. Đặc biệt, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học vẫn còn bất cập đã gây bức xúc trong nhân dân. Tương tự như thế, việc giải quyết chính sách đối với liệt sỹ và thương binh theo quy định có nhiều vướng mắc vì hiện các đối tượng không còn lưu giữ các giấy tờ gốc... 

Trong quá trình thẩm định các loại hồ sơ từ các cấp chuyển đến, còn rất nhiều hồ sơ không thống nhất các thông tin về bản thân người có công, các thông tin về thân nhân của người có công trong các loại giấy tờ, điều này đã làm ảnh hưởng không ít đến thời hạn giải quyết các chế độ chính sách của Nhà nước khi phải đính chính thông tin theo quy định.

Về quy tập tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vẫn còn nhiều trăn trở. Nhiều năm qua,  nhiều hài cốt liệt sĩ đã được quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ (mặc dù trong số đó còn nhiều ngôi mộ chưa có tên), song vẫn còn không ít các liệt sĩ vẫn nằm lại nơi rừng thiêng của đất mẹ đến nay chưa tìm thấy hài cốt.

Nguồn kinh phí từ ngân sách cho lĩnh vực công tác thương binh, liệt sĩ và người có công nhìn chung còn hạn chế; việc huy động hỗ trợ từ xã hội tuy có nhiều nỗ lực cố gắng, song hoạt động còn nặng tính phong trào và chủ yếu tập trung động viên đóng góp từ các đối tượng đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, còn các đối tượng khác, nhất là khu vực doanh nghiệp còn hạn chế.

- P.V: Vậy thời gian tới, để triển khai công tác “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng đi vào chiều sâu, theo đồng chí, tỉnh ta cần những giải pháp gì?

- Đồng chí Nguyễn Trường Sơn: Trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ, người có công,  thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền các cấp, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong triển khai thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách đối với người có công; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm mở rộng nhận thức, nâng cao hiểu biết về chủ trương của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ nhằm tạo sự đồng thuận, làm chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của toàn xã hội.

Đặc biệt, toàn tỉnh đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” cùng với thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để góp phần cải thiện đời sống cho người có công và các gia đình chính sách; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong việc vận động các tổ chức, đoàn thể, cá nhân ủng hộ giúp đỡ người có công với cách mạng cũng như các đối tượng yếu thế...

Các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu và chấn chỉnh những tổ chức, cá nhân, những nơi làm còn chậm, thiếu trách nhiệm để người được thụ hưởng phải chờ đợi, đi lại nhiều lần; tổ chức quản lý chặt chẽ đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước; giải quyết kịp thời các trường hợp đã đủ hồ sơ theo quy định, không để hồ sơ tồn đọng tại cơ quan quản lý các cấp; phát huy tinh thần, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia thực hiện và giám sát thực hiện các chính sách; tích cực giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo và các kiến nghị của người dân; thanh tra, kiểm tra, thực hiện chính sách người có công nhằm phát hiện sai sót và ngăn ngừa việc man khai hồ sơ để hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, cũng như đề nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với việc làm giả hồ sơ để hưởng chế độ ưu đãi người có công, để bảo đảm sự công bằng cho xã hội.

- P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Ngọc Lưu (thực hiện)