.

Sạt lở bờ sông Ngọn Rào: Hàng chục hộ dân ở Phúc Trạch bất an

Thứ Ba, 18/07/2017, 08:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Vài năm lại đây, hàng chục hộ dân tại thôn 4 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch vô cùng lo lắng vì tình trạng sạt lở bờ nam sông Ngọn Rào đoạn chảy qua thôn ngày càng nghiêm trọng. Nếu không được khắc phục kịp thời thì không chỉ nhà ở của người dân mà trạm y tế xã và đường Hồ Chí Minh đoạn chạy qua thôn cũng sẽ có nguy cơ bị sông “ngoạm”.

Vườn trôi xuống sông

Theo quan sát của chúng tôi, khu vực sạt lở nghiêm trọng kéo dài gần một cây số dọc theo bờ phía nam sông Ngọn Rào. Đây là con sông chảy từ hướng xã Xuân Trạch về Phúc Trạch. Một bên bờ sông là ruộng lạc của người dân xã Phúc Trạch, bên còn lại là khu vực dân cư. Thời điểm này, nước sông khá “hiền” nhưng suốt một đoạn dài gần một cây số qua thôn 4 Phúc Đồng, con sông vẫn còn để lại những dấu tích về những ngày tháng hung dữ trong mưa lũ.

Chỉ sau vài năm, mép sông đã ăn sâu vào đất liền vài chục mét tại khu vực sau lưng Trạm y tế xã Phúc Trạch.
Chỉ sau vài năm, mép sông đã ăn sâu vào đất liền vài chục mét tại khu vực sau lưng Trạm y tế xã Phúc Trạch.

Nhà ông Nguyễn Văn Giáo, 70 tuổi, ở thôn 4 Phúc Đồng nằm ngay sát mép sông Ngọn Rào. Ông Giáo là người chứng kiến rõ nhất tốc độ sạt lở nhanh đến chóng mặt của bờ sông vài năm lại đây. Ông Giáo cho biết, tình trạng sạt lở nghiêm trọng chỉ mới xảy ra khoảng 4-5 năm gần đây. Đoạn sông chảy qua thôn 4 Phúc Đồng là một đường cong nên cứ nước lũ về là tống thẳng vào bờ phía nam gây nên tình trạng sạt lở.

Vườn nhà ông Giáo, trước đây cách mép sông trên 30m nhưng khoảng vài năm lại đây sông đã ăn sâu vào, chỉ còn cách vườn nhà chưa đến chục mét. Nhiều nhà ở cạnh nhà ông như nhà ông Nguyễn Văn Thường, Phạm Hoe... mép sông hiện cũng chỉ còn cách nhà vài ba chục mét. Một số nhà dân trong khu vực này đã phải di dời vì sợ sạt lở. “Cứ với tốc độ này thì chỉ trong vài mùa lũ nữa sông sẽ lấn vô tận mép nhà”, ông Giáo nói.

Không chỉ uy hiếp khu dân cư, tình trạng sạt lở sông Ngọn Rào còn đe dọa nghiêm trọng trạm y tế xã Phúc Trạch. Hiện tại, mép sông đã “ngoạm” vào chỉ còn cách trạm y tế hơn 20m. Khu nhà vệ sinh của trạm thì chỉ còn gần chục mét nữa là tới mép sông. Bờ sông đoạn này bị lở nham nhở, đứng trên bờ nhìn xuống có thể thấy những đường nứt toác chạy dài hơn 10m từ trên bờ theo đường thẳng đứng xuống sông.

Ông Nguyễn Lương Ngọc, Trạm trưởng Trạm y tế xã Phúc Trạch cho hay, đoạn sông chảy ra trạm y tế xã cũng nằm đúng đoạn eo của sông, nên tốc độ tàn phá của dòng nước khi lũ về nhanh đến chóng mặt. Cứ mỗi mùa lũ đi qua là sông lấn vào thêm vài mét đất. Nhiều hôm đang cấp cứu bệnh nhân trong trạm còn nghe đất ngoài mép sông đổ ập xuống nước.

Một nguy cơ khác cũng đang hiện hữu do tình trạng sạt lở này ở Phúc Trạch, đó là mối nguy với tuyến đường Hồ Chí Minh. Tuyến đường này chạy cắt qua sông Ngọn Rào. Tuy nhiên, một đoạn sông dài khoảng 50m chạy dọc theo tuyến đường này đã bị sạt lở. Hiện mép sông chỉ còn cách rào chắn của con đường này khoảng chưa đến 20m. Theo những người dân địa phương, tốc độ sạt lở của đoạn sông này cũng nhanh không kém những điểm khác. Nếu không có giải pháp hiệu quả thì chỉ vài năm nữa là sông sẽ sạt đến sát mép đường. 

Do phá rừng đầu nguồn?

Theo những người cao tuổi tại Phúc Trạch, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở sông Ngọn Rào. Nhưng nguyên nhân được xác định có tính chất quyết định nhất, đó chính là do tình trạng phá rừng từ phía thượng nguồn. Để lý giải cho điều này, người dân địa phương khẳng định từ năm 2012 trở về trước cũng nhiều năm lũ về rất lớn, nhưng tình trạng sạt lở rất ít. Chỉ từ sau đợt lũ năm 2013 đến nay tốc độ sạt lở mới trở nên khủng khiếp.

Nếu không có giải pháp tích cực, chỉ sau vài năm nữa mép sông sẽ vào sát mép đường Hồ Chí Minh.
Nếu không có giải pháp tích cực, chỉ sau vài năm nữa mép sông sẽ vào sát mép đường Hồ Chí Minh.

Đó cũng là giai đoạn rừng đầu nguồn phía Xuân Trạch bị tàn phá dữ dội nhất. Mấy năm qua, người dân địa phương cũng đã cố gắng tìm cách để hạn chế tình trạng sạt lở, nhưng hiệu quả không cao. Ông Giáo cho biết, năm 2016 xã đã phát động cho thôn trồng 500 bụi tre dọc theo bờ sông Ngọn Rào để chống sạt lở. Nhưng chỉ sau một năm, lũ về lại cuốn tre đi. Hiện chỉ còn khoảng 100 bụi tre. Số tre này cũng khó tồn tại với tốc độ sạt lở bờ sông như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Lương, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Trạch khẳng định, nguy cơ sạt lở đối với đường Hồ Chí Minh và trạm y tế xã là có thật. Theo ông Lương, sau đợt lũ gây sạt lở dữ dội năm 2013, xã đã báo cáo lên cấp trên tìm giải pháp ngăn chặn. Đến năm 2014, có một đoàn cán bộ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã về kiểm tra tình hình sạt lở tại khu vực sát đường Hồ Chí Minh và trạm y tế xã. Nhưng sau đó chưa thấy có giải pháp gì cho vùng này.

Ông Nguyễn Quang Tiến, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết, hiện xã không có giải pháp nào khác khả dĩ để hạn chế sạt lở, vì việc này nằm ngoài khả năng của xã. “Với tình hình hiện tại thì chỉ biết chờ tỉnh và Trung ương giúp đỡ mới mong giải quyết được tận gốc hiện trạng này”, ông Tiến khẳng định.

Lan Chi