Lệ Thủy: Tăng cường bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
(QBĐT) - Thời gian qua, công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản được các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng trên địa bàn huyện Lệ Thủy quan tâm thực hiện đồng bộ. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp.
Những năm gần đây, huyện Lệ Thủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh ATTP, vận động toàn dân tự giác thực hiện các quy định pháp luật về ATTP, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Các tiêu chí về ATTP được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để góp phần tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức, trách nhiệm của cả cộng đồng, công tác tuyên truyền, giáo dục được huyện đặc biệt chú trọng. Cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội và các ngành có liên quan đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc vận động người dân thực hiện nghiêm Luật ATTP, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với trình độ dân trí, từng đối tượng, từng vùng, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Nội dung tuyên truyền được tập trung vào việc tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng biết cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn. Phổ biến các điều kiện về cơ sở vật chất, kiến thức thực hành và điều kiện sức khỏe của người trực tiếp chế biến thực phẩm, vệ sinh an toàn trong chế biến, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh, sử dụng thực phẩm, góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm.
Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền về ATTP, các ngành chức năng của huyện đã chú trọng tuyên truyền giúp người dân nêu cao ý thức trong việc bảo đảm an toàn từ chính những bữa ăn trong gia đình. Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm phát động phong trào rộng khắp và duy trì việc thực hiện các tiêu chí về ATTP gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tạo sự chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng hóa bảo đảm vệ sinh ATTP.
Để những kiến thức về bảo đảm ATTP kịp thời đến với đội ngũ những người làm công tác chuyên môn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể, hàng năm, UBND huyện đều chỉ đạo ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về vệ sinh ATTP, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP cho các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, giám sát về ATTP, nhất là vào các dịp trọng điểm, mùa lễ hội như: dịp Tết Nguyên đán, Quốc khánh 2-9, lễ hội chùa Hoằng Phúc...
Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, xã đều duy trì lịch kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Thông qua công tác kiểm tra đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để các cơ sở hiểu và chấp hành tốt các quy định của pháp luật về ATTP.
Đến nay, toàn huyện có trên 1.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn và bếp ăn tập thể và đã có hơn 800 cơ sở được thanh, kiểm tra. Số cơ sở có vi phạm chủ yếu với các lỗi về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ và điều kiện về con người. Một số sản phẩm không đạt tiêu chuẩn khi kiểm tra đều bị tiêu hủy như: các sản phẩm sử dụng không có xuất xứ, nhãn mác...
Bên cạnh đó, các sản phẩm nông sản, động vật cũng được các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp kiểm dịch thường xuyên kiêm tra, lấy mẫu xét nghiệm chất cấm trong chăn nuôi, thực phẩm, kiểm tra xét nghiệm thuốc bảo vệ thực vật trên các vùng rau. Do đó, trên địa bàn huyện nhiều năm qua không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn; việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và ký cam kết bảo đảm ATTP được thực hiện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Năm 2017, huyện Lệ Thủy tiếp tục chú trọng nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh và quản lý về bảo đảm ATTP nông lâm thủy sản; tăng cường thông tin về ATTP và truyền thông, quang bá thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng; ngăn chặn có hiệu quả việc lưu thông, buôn bán, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh, chất phụ gia cấm, ngoài danh mục cho phép sử dụng; xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thôn Mỹ Duyệt, xã Cam Thủy, tiến tới xóa dần các điểm giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm ATTP, vệ sinh môi trường; chủ động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm nông, thủy sản an toàn đươc cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi.
Vân Anh
(Đài TT-TH Lệ Thủy)