.

Lệ Thủy mùa nước nổi - Bài 2: Sống chung với lũ

Thứ Ba, 06/12/2016, 14:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Sinh ra và lớn lên ở ngay trung tâm huyện Lệ Thủy, bà Hoàng Thị Mượn, trên 70 tuổi, ở thị trấn Kiến Giang từng trải qua không biết bao nhiều lần sống chung với lũ. Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, bà khái quát cuộc đời mình một cách ngắn gọn: “Cha mẹ sinh ra tôi vào mùa lũ. Tôi lớn lên trên dòng nước lũ, lấy chồng rồi sinh con trai đầu lòng cũng vào mùa lũ. Chồng tôi chết cũng mùa lũ... Nói chung, đã là người Lệ Thủy thì phải sống chung với lũ. Thế thôi!”

>> Lệ Thủy mùa nước nổi- Bài 1: Ký ức một dòng sông

“Sống chung với lũ” là câu nói cửa miệng của mỗi một người dân Lệ Thủy. Điều đó dễ hiểu bởi hầu như năm nào người dân quê lúa này cũng phải hứng chịu vài ba trận lũ. Và hầu như năm nào cũng phải nghe đài, báo đưa tin đâu đó trên quê hương mình có người bị lũ cướp mất tính mạng, cùng với những con số thống kê thiệt hại to lớn do lũ. Thế nhưng không một ai bỏ nhà, bỏ quê vì lũ.

Kinh nghiệm của các thế hệ người dân Lệ Thủy là sau lũ, ruộng đồng sẽ màu mỡ, phì nhiêu hơn, các loài động vật phá hoại cây trồng như chuột, sâu bọ cũng ít hơn, nghĩa là mùa màng sẽ tốt tươi hơn. Để sống chung với lũ, họ chuẩn bị đủ cơ số lương thực, thực phẩm, kê cao các vật dụng cần thiết để tránh bị ướt rồi chỉ việc lên tra (trần nhà làm bằng gỗ ở gian chính giữa - PV) chờ lũ rút mới dọn vệ sinh. Kinh nghiệm dọn vệ sinh sau lũ của người dân Lệ Thủy cũng đáng để học hỏi. Với phương châm “lũ rút đến đâu làm vệ sinh đến đó”, nghĩa là họ dùng chổi, cào, xô chậu khuấy cho bùn tan loãng rồi cứ để mặc cho nó “rút” đi theo mực nước cạn dần đến bờ sông thì thôi. Cũng chính vì kinh nghiệm hay này mà ngay khi lũ rút, các đoàn cứu trợ đến trao quà cho người dân Lệ Thủy thường ngạc nhiên thấy đường làng sạch sẽ đến không ngờ, thậm chí sạch hơn khi chưa có lũ.

Mùa lũ, phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Lệ Thủy là thuyền.
Mùa lũ, phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Lệ Thủy là thuyền.

Có một thực tế ở Lệ Thủy là vào mùa mưa lũ, phương tiện đi lại duy nhất của người dân là đò, nhà nào có điều kiện thì sắm thuyền nhôm có gắn máy. Do thuyền nhôm nhẹ, mùa lũ sóng cao nên họ gắn thêm các ống nhựa lớn dọc hai bên mạn thuyền để tránh lắc, bảo đảm an toàn hơn khi di chuyển. Dọc theo các trôổng (đường xóm), người dân “sáng tạo” hơn bằng việc chặt chuối kết thành bè qua lại nhà hàng xóm hỏi thăm nhau. Nói chung, với người dân Lệ Thủy dù lũ lụt to đến mấy cũng không ngăn bước chân họ được.

Cũng bởi đặc điểm địa bàn ở vùng chiêm trũng nên mọi hoạt động sản xuất của người dân Lệ Thủy cũng khác xa nhiều miền quê khác.Trước đây họ làm lúa 2 vụ. Vụ đông-xuân thì không phải bàn cãi bởi thời tiết cơ bản thuận lợi, nhưng vụ hè-thu thì lắm lúc như “đánh bạc với trời”. Nói thế bởi nhiều năm về trước, mùa mưa lũ ở Lệ Thủy chỉ diễn ra sau ngày 15-9 nhưng những năm trở lại đây thời tiết thất thường hơn.

Để hạn chế thiệt hại cây trồng do lũ, người dân làm lúa tái sinh. Sau khi thu hoạch lúa đông-xuân, người dân giữ lại gốc lúa, bón lót đạm để tiếp tục cho lúa sinh trưởng, trổ bông mà thu hoạch lần hai. Cách làm này vừa rút ngắn thời gian, vừa cho chất lượng lúa tốt hơn và nhất là không phải chịu cảnh “gặt lúa chạy lũ” như khi sản xuất vụ hè-thu. Không những thế, người dân Lệ Thủy còn có thể thực hiện mô hình sản xuất lúa-cá trên diện tích lúa tái sinh này. Về cơ bản, năng suất lúa tái sinh thấp hơn nhưng thu nhập cũng không thua là mấy. Dĩ nhiên, ở một số địa bàn vùng ven có địa hình cao hơn, ít bị ảnh hưởng với mưa lũ, người dân vẫn sản xuất lúa 2 vụ/năm.

Lệ Thủy là huyện thấp trũng nhất tỉnh. Ở địa phương này cũng có những xã, thôn thấp trũng nhất huyện. Vào mùa mưa lũ, nước dâng ngập mênh mông, cô lập nhiều làng quê trong suốt cả tuần liền. Thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy là một ví dụ. Nhiều năm về trước, cứ đến mùa lũ, hàng trăm con trâu của thôn này được người dân mang gửi ở các thôn khác có địa hình cao hơn. Nhiều gia đình có vườn rộng nhận giữ đến vài ba chục con. Bởi thế mà lũ trẻ con có dịp suốt ngày gọi đùa nhau nhại theo tiếng trâu gọi đàn, người dân khi ra đường vào đêm tối không thể thiếu đèn pin để tránh vấp phải phân trâu rải khắp các tuyến đường quê. Lũ về, người dân gom lương thực, thực phẩm lại, mang đến một nhà nào đó được xây kiên cố, ít ngập hơn để cùng nhau nấu ăn, cầm cự tránh lũ... bây giờ, tất cả đã trở thành quá vãng. Kinh tế phát triển, người dân đã chủ động làm nền nhà cao hơn, ai có điều kiện thì làm nhà cao tầng. Các tuyến đường làng cũng đã được bê tông hóa vững chắc nên việc bị xói lở cũng giảm thiểu đi nhiều. Nhà văn hóa thôn cũng được thiết kế tầng lửng nằm ngay trung tâm thôn để người dân tiện qua lại sinh hoạt và tránh lũ khi cần. Thậm chí nếu lũ không quá lớn, điện lưới quốc gia vẫn được cấp 24/24 giờ/ngày. Bởi thế, khi mùa mưa đến, đứng từ xa nhìn vào, thôn Vinh Quang hiển hiện như một thành phố nổi, lung linh trong lũ.

Nhà văn hóa thôn Vinh Quang được thiết kế móng cao để giúp người dân tránh lũ.
Nhà văn hóa thôn Vinh Quang được thiết kế móng cao để giúp người dân tránh lũ.

Cũng bởi con nước mùa lũ ở Lệ Thủy không “hỗn”, xiết xoáy như nhiều làng quê khác có địa hình đồi dốc nên mùa mưa lũ, người dân vẫn có thể mưu sinh. Mà chuyện mưu sinh ở Lệ Thủy cũng khác mọi nơi. Săn chuột đồng là một ví dụ. Những cánh đồng thẳng cánh cò bay trở thành thiên đường trú ngụ của không biết cơ man nào là chuột. Lũ về, chúng hết đường chạy, vậy là leo lên các lùm cây, đào hang ở các mô đất cao. Người dân chỉ việc múc nước đổ vào các hang cho ngập rồi đứng chờ chúng chạy mà bắt. Và như thế, thịt chuột đồng trở thành sản vật của quê lúa trong mùa mưa lũ. Đánh bắt cá cũng là hoạt động không thể thiếu của người dân vùng chiêm trũng Lệ Thủy. Ngày thường họ đánh cá trên sông, mùa lũ họ bắt cá trên... đường làng. Lũ về, mọi ngã đường đều trở thành sông. Người dân nơi đây có thể thả lưới, cất rớ bắt cá ngay trong vườn nhà, ngoài đường. Và, tuyệt nhiên không một ai đi câu. Điều này dễ hiểu bởi nguồn thức ăn của cá trong mùa lũ là vô cùng phong phú. Giữa mênh mông nước lũ, người dân Lệ Thủy vẫn có cá tôm... cải thiện bữa ăn hằng ngày. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho khả năng thích nghi, sống chung với lũ của họ...

Mỗi mùa mưa lũ, mẹ thiên nhiên lấy đi của họ những thành quả một nắng hai sương mới có được, thậm chí cướp mất người thân của họ; nhưng mẹ thiên nhiên cũng cho họ những kinh nghiệm để đời, giúp họ vững vàng hơn trong cuộc mưu sinh để tiếp tục xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp. Bởi vậy, cảnh giác với con nước lũ là điều mà mỗi một người dân nơi đây phải nằm lòng. Cảnh giác để không mất mùa, cảnh giác để ở lại với quê hương, cảnh giác để mưu sinh, và cảnh giác để nụ cười luôn viên mãn trên gương mặt người lớn khi ra đồng, trẻ em đến trường sau lũ trên những con đường làng sạch hơn cả khi chưa có lũ.             

Nguyễn Hoàng