.

Nồng nàn hương Tết

Thứ Bảy, 06/02/2016, 22:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Hương vị Tết quê với những món ăn dân giã, cây nhà lá vườn là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa của các làng quê Quảng Bình. Và khi trong mỗi nếp nhà thơm lừng hương gừng, hương nếp... cũng là lúc mùa xuân chạm ngõ, xuân của sự sum vầy, đầm ấm cùng gia đình người thân bên mâm cơm với những sản vật gắn liền với mỗi tên đất, tên làng, làm nên hương vị Tết cổ truyền không lẫn vào đâu được.

Ngọt bùi hương vị bánh xoài

Bánh xoài là món bánh truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người dân Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới. Có thể nói, bánh xoài đã trở thành món “ruột” cùng sánh đôi với bánh chưng, bánh tét mỗi độ xuân sang. Khi những đợt gió về, mang theo cái lạnh của những ngày cuối đông cũng là lúc các bà, các mẹ, các chị thi nhau trổ tài khéo tay bằng những món bánh và bánh xoài là thứ không thể thiếu.

Hoa xuân. Ảnh: P.V
Hoa xuân. Ảnh: P.V

Nguyên liệu chính để làm nên món bánh này thường là bột được lấy từ củ dong và trứng gà hoặc trứng vịt, đường trắng. Bánh có nhiều hình dạng khác nhau như hình trái tim, hình bầu dục, hình hoa. Sau khi nướng chín bánh chuyển qua mà vàng ruộm, lan tỏa hương vị đặc trưng hấp dẫn.

Ngày nay, nhiều gia đình ở thành phố Đồng Hới còn sáng tạo khi cho vào bánh các loại trái cây làm phong phú thêm sắc màu và hương vị bánh như hương cam, hương lá dứa... Trên các thị trường Tết, giá cả của bánh xoài dao động từ 120.000 đến 200.000đ/kg.

Chị Võ Thị Hà (thị trấn Kiến Giang-Lệ Thủy) là một trong những người có nghề làm bánh xoài Tết lâu năm cho hay:  Làm bánh xoài tuy đơn giản nhưng phải thật thận trọng từ khâu lựa chọn nguyên liệu, tạo bột, phân chia tỷ lệ nguyên liệu và nướng phải đạt chuẩn mới có thể cho ra sản phẩm chất lượng cao. Với tài làm bánh ngon có tiếng, từ lâu nhà chị trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân trong vùng mỗi dịp Tết đến.

Theo chị thì làm bánh xoài lãi lời không cao song 30 năm nay, chị luôn gắn bó với công việc này, chủ yếu là để phục vụ nhu cầu của gia đình, người thân, còn chuyện bán buôn chỉ là việc phụ. Bánh xoài không chỉ được tiêu thụ các thị trường trong tỉnh mà còn được nhiều khách hàng ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng. Và ngày Tết, thưởng thức hương vị bánh xoài ngọt nhẹ, thơm lừng bên tách trà nóng hổi để rồi gieo vào lòng người xa quê nỗi nhớ-nhớ nếp nhà bình yên và làn hương rất riêng-hương quê.

Dẻo thơm bánh ít

Nhiều làng quê ở thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, huyện Minh Hóa lại ưa chuộng món bánh ít, loại bánh được làm bằng bột nếp, đỗ xanh và lá gai. Từ cái tên dân dã đến vị ngọt bùi, dẻo thơm của chiếc bánh đã trở thành dư vị khó quên trong lòng những ai đã từng nếm bánh.

Có người cho  rằng, sở dĩ có tên gọi là bánh ít vì thứ bánh này thường được làm với một số lượng ít, bổ sung cho mâm cỗ vốn được bày biện với rất nhiều món ngon chế biến công phu trong mỗi dịp Tết. Song khi quan sát quy trình làm bánh, một điều dễ nhận thấy rằng tất cả nguyên liệu làm bánh đều được dùng với một số lượng ít, một chút ít bột, chút đỗ xanh được vo tròn như những viên kẹo nhỏ và có lẽ vì thế mà người ta gọi nó là bánh ít.

Để có món bánh ngon, người nội trợ phải chọn mua những bó lá gai non để về làm bánh. Lá được rửa sạch, bỏ gân rồi đem luộc chín, giã nhuyễn, chắt lọc lấy nước để trộn vào bột nếp hương đã xay sẵn tạo thành một khối bột màu xanh thẫm. Nhân bánh làm bằng đỗ xanh, cùi dừa, đường trắng. Với đôi tay khéo léo, các bà, các mẹ tỉ mỉ vuốt từng nếp lá để tạo nên chiếc bánh có hình dáng đẹp như hình chóp nón thẳng rồi xếp vào rổ rá thưa cho vào xoong to hấp cách thuỷ.

Ảnh 7 : Bánh xoài, món ăn truyền thống của người dân mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Bánh xoài, món ăn truyền thống của người dân mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Khi ăn, bánh không dính bết vào lá, có độ dẻo vừa, có vị tinh khiết của lá gai, vị thơm của gạo nếp, vị ngọt của đường, vị béo của dừa, vị bùi của đậu mới được gọi là thành công. Ngày tết, hay trong các dịp lễ, bánh thường được bày trên mâm cỗ rồi chia cho trẻ nhỏ. Đây cũng là nét đặc trưng trong văn hoá ẩm thực và văn hoá ứng xử của người dân quê.

Cay nồng mứt Tết

Nói đến ẩm thực ngày tết không thể không kể đến món mứt gừng-thứ mứt  không chỉ người dân Quảng Bình mà hầu như mỗi người dân Việt Nam đều ưa chuộng, xem đây là món truyền thống gắn liền với Tết Việt bên cạnh bánh chưng, bánh dày. Với đặc trưng của gừng là vị cay nhưng lại mang trong mình rất nhiều giá trị trong việc bảo vệ sức khỏe và có lẽ vì thế mà  ông cha xưa đã biết tạo ra món ngon từ gừng để vừa giảm độ cay lại thơm nồng, rất phù hợp khi sử dụng trong tiết trời se lạnh.

Là món ăn truyền thống nên khắp các địa phương trong tỉnh từ thành thị đến nông thôn đều có nhiều người dân biết làm mứt gừng để phục vụ cho ngày Tết. Công đoạn tạo nên món mứt này cũng khá vất vả cho người nội trợ.

Trước hết là rửa sạch gừng rồi cạo vỏ, bào mỏng thành từng lát mỏng. Để giảm độ cay, tạo màu sắc trắng đẹp người ta đem luộc rồi ngâm nước chanh và rửa qua nhiều lần với nước lã, để ráo. Gừng được trộn với đường trắng theo tỷ lệ phù hợp  rồi cho lên chảo rim cho đến khi đường kết tinh thành thứ bột trắng trắng li ti bám đều vào từng miếng mứt gừng.

Trên địa bàn tỉnh ta, hầu hết người dân đều sử dụng gừng từ các vùng đất như Trường Thủy, Sen Thủy, Mỹ Thủy, Hoa Thủy (Lệ Thủy) và một số địa phương khác. 20 tháng chạp là gừng bắt đầu được tiêu thụ khá lớn. Giá mứt gừng ở trên địa bàn tỉnh ta cũng tùy thuộc vào giá nguyên liệu gừng, dao động từ 60.000đ-90.000đ/kg.

Giữa cái rét của ngững ngày cuối đông, thoang thoảng làn hương nồng ấm của mứt gừng, sự thanh nhẹ ngọt bùi của bánh xoài, bánh ít... và đâu đó trong những nếp nhà đang chuẩn bị đỏ lửa để rồi quây quần bên nồi bánh chưng đón Tết. Tất cả đã tạo tạo nên hương vị tết quê-Tết Việt-Tết của sự đoàn viên sum họp-Tết của tình thân.

Nhật Văn-Thanh Huyền