.

Những thách thức trong xây dựng gia đình văn hóa

Thứ Tư, 20/01/2016, 08:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Xây dựng gia đình văn hóa là nội dung cốt lõi trong xây dựng đời sống văn hóa hiện nay ở cơ sở. Nhận thức được điều đó, những năm qua, phong trào luôn được các cấp, các ngành quan tâm xây dựng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào xây dựng gia đình văn hóa cũng gặp không ít những khó khăn và trở ngại.

Năm 2010 toàn tỉnh có 147.884/204.607 hộ gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 69,3%, đến đầu năm 2015, toàn tỉnh đã có 171.020/219.900 hộ gia đình văn hóa, đạt 77,8%. Có thể nói, phong trào xây dựng gia đình văn hóa những năm qua đã có những bước tiến mới về chất và ngày càng được các cấp, ngành và người dân đánh giá cao. Phong trào đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nếp sống văn minh, tuân thủ pháp luật, giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp cũng như lối sống và thuần phong mỹ tục của dân tộc, động viên cộng đồng trong công cuộc phát triển kinh tế- xã hội. Ý nghĩa của phong trào càng cho thấy việc lấy gia đình là hạt nhân để xây dựng gia đình văn hóa ở cơ sở là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

Từ phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã xuất hiện nhiều gương điển hình trong cuộc sống trên các lĩnh vực như: gia đình sản xuất kinh doanh giỏi, tiêu biểu có gia đình ông Cao Đình Nhu, xã Hóa Tiến, Minh Hóa; gia đình hiếu học tiêu biểu gia đình ông Trần Văn Thuận xã Mai Thủy, Lệ Thủy; gia đình ấm no-hòa thuận-tiến bộ có gia đình ông Cao Viết Quý, phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới... Ở những gia đình này chúng ta sẽ bắt gặp nhiều thế hệ sống với nhau đầm ấm, hạnh phúc, nuôi dạy con cháu thành đạt, là tấm gương về sự yêu thương và đùm bọc lẫn nhau, về sự bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình.

Những kết quả đạt được về chiều rộng lẫn chiều sâu trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh ta đã làm chuyển biến nhận thức về vị trí, vai trò của công tác xây dựng gia đình văn hóa trong sự nghiệp xây dựng quê hương, tạo bước chuyển biến mới trong đời sống kinh tế của nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vấn đề xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh ta hiện nay đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức. Ở không ít các địa phương, việc tổ chức đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và công tác bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa có nơi, có lúc còn mang tính hình thức. Không ít gia đình, khu phố, thôn bản đạt danh hiệu văn hóa chỉ trên danh nghĩa, có khuynh hướng nặng theo chỉ tiêu. Không ít nơi tỷ lệ gia đình văn hóa đạt chuẩn rất cao song thực trạng đời sống văn hóa, xã hội lại xuống cấp và diễn biến khá phức tạp.

Thực tế, có những gia đình rất ý thức, quý trọng và nỗ lực để đạt được danh hiệu gia đình văn hóa, thế nhưng cũng có nhiều gia đình bàng quan và không hề quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động chưa thực hiện tốt, việc nêu gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong phong trào chưa được coi trọng.

Ngoài những lý do trên thì việc xây dựng gia đình văn hóa hiện gặp nhiều khó khăn là do ảnh hưởng của nền cơ chế thị trường. Nhiều người có nhận thức sai lệch về chuẩn mực gia đình, đề cao đồng tiền, chạy theo giá trị vật chất. Các nền tảng đạo đức gia đình bị rạn nứt, những nền nếp tốt đẹp vốn có của gia đình truyền thống mà cha ông đã dày công vun đắp bị phai mờ. Tệ nạn xã hội phát sinh len lỏi vào khắp các gia đình như: nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp, mại dâm, mê tín, bạo lực. Lối sống thực dụng nhất là trong giới trẻ do ảnh hưởng giao thoa văn hóa xấu từ bên ngoài đã tạo nên hội chứng xã hội đáng lo ngại như lối sống ích kỷ, vô cảm. Cùng với đó là sự thờ ơ, vô trách nhiệm của những bậc làm cha, làm mẹ đối với con cái của mình vì mải lo kiếm tiền đã khiến cho lớp thanh thiếu niên phạm pháp ngày càng cao.

Như vậy, việc xây dựng gia đình văn hóa hiện nay đang đứng trước không ít những thách thức lớn đòi hỏi cần nâng cao chất lượng hoạt động động của phong trào. Để phong trào thực sự phát huy hiệu quả và đi vào chiều sâu thì việc nâng cao nhận thức cho mỗi người về ý nghĩa của việc xây dựng gia đình văn hóa là việc làm hết sức quan trọng.  Trước hết, mỗi gia đình cần phát huy tốt những giá trị đạo đức của gia đình truyền thống, giữ vững gia phong, làm tốt việc giáo dục con cái, trong đó người lớn phải luôn gương mẫu để con cháu học tập noi theo. Ngoài ra, rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của các chính quyền, đoàn thể địa phương để phong trào thực sự phát huy hiệu quả.

P.V