"Người khuyết tật cần được tạo điều kiện để tự khẳng định, vươn lên"
Dự lễ ra mắt Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đã được tổ chức chiều 18-1 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ người khuyết tật cần được tạo điều kiện để tự khẳng định và vươn lên. Việc tạo điều kiện cho người khuyết tật là trách nhiệm của nhà nước và xã hội.
Các em khuyết tật học nghề may tại một trung tâm. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN) |
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ xúc động khi dự lễ và kể câu chuyện của những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn nỗ lực vươn lên và khẳng định người khuyết tật có cơ thể không lành lặn nhưng có tâm hồn cao đẹp. Họ là những người đặc biệt, rất đáng khâm phục, đáng trân trọng. Họ cần mọi người tôn trọng, sẻ chia, tạo điều kiện để cùng nhau làm cuộc sống này có ý nghĩa hơn. Không chỉ vậy, những người thân của người khuyết tật cũng là những người rất đặc biệt, rất đáng được trân trọng, quan tâm.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh những người khuyết tật, với tâm hồn cao đẹp, với ý chí vươn lên trong cuộc sống đã giúp nhiều người hiểu thêm những điều sâu sắc, có ý nghĩa về cuộc sống. Vì vậy, cùng với việc làm tốt hơn nữa các cơ chế, chính sách, phong trào hoạt động chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật, nhất là những nạn nhân chiến tranh, điều quan trọng hơn là suy nghĩ, thái độ, là sự tôn trọng, sẻ chia, là tình yêu thương con người.
Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 1717/QĐ-TTg ngày 6-10-2015. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền là Chủ tịch Ủy ban. Ủy ban có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết những vấn đề liên quan về cơ chế, chính sách để thực hiện công tác người khuyết tật. Ủy ban làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Ủy ban, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động, sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban. Kinh phí hoạt động của Ủy ban được ngân sách Nhà nước bảo đảm và được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, hiện cả nước có khoảng hơn 7 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, chiếm 7,8% dân số, trong đó người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng chiếm khoảng gần 29%. Dự báo số lượng người khuyết tật trong những năm tới sẽ tiếp tục gia tăng do xu hướng già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tai nạn giao thông, tai nạn lao động...
Thời gian qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật đã tạo ra những chuyển biến tích cực đối với đời sống của người khuyết tật. Sự thay đổi về nhận thức xã hội giúp người khuyết tật tự tin hơn, hòa nhập vào đời sống xã hội thuận lợi. Nhà nước luôn quan tâm, ban hành nhiều chính sách, ưu tiên nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật. Các rào cản xã hội, rào cản giao thông đi lại, thông tin... từng bước giảm dần. Quyền của người khuyết tật ngày càng được bảo đảm tốt hơn... Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận người khuyết tật còn nhiều khó khăn, khoảng 15% người khuyết tật thuộc hộ nghèo; vẫn còn người khuyết tật chưa được tiếp cận đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước về giáo dục, y tế, việc làm; vẫn còn sự phân biệt, kỳ thị đối với người khuyết tật...
Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đặt mục tiêu cho giai đoạn 2016-2020 là đảm bảo cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng về mọi mặt ngày càng tốt hơn, thực hiện có hiệu quả luật pháp, chính sách của Việt Nam và Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Đồng thời, Ủy ban kiến nghị các bộ, ngành liên quan trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm: Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về dạy nghề, việc làm; có giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, hoạt động phục hồi chức năng cho người khuyết tật, bảo đảm người khuyết tật gia tăng tiếp cận các công trình xây dựng, giao thông; tăng cường truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về người khuyết tật; nâng cao trách nhiệm của gia đình, cộng đồng, xã hội đối với người khuyết tật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật.../.
Theo Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)