.

Hoa dành dành

Thứ Bảy, 14/05/2016, 16:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Mọi năm, cứ đến ngày Quốc tế phụ nữ, tôi có một đặc sản để tặng bạn gái: hoa dành dành! Nhưng năm nay, biến đổi khí hậu, Enino, những bông hoa quen thuộc lỡ hẹn, mãi tới nửa cuối tháng ba ta, khi “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”, mới “Mang mong nhớ trở về”.

Dành dành còn được gọi là “sơn chi tử”, “chi tử’. Quả dành dành chín, phơi hay sấy khô cho ta vị thuốc chi tử, trong tài liệu cổ ghi “Vị ngọt, nhạt, tính hàn, vào hai kinh phế và vị. Có tác dụng lợi tiểu, thanh thấp nhiệt, hạ sữa. Dùng chữa thủy thủng, tiểu tiện khó khăn, ít sữa...”.

Ôi, chả hóa ra cái “tản văn” này quảng cáo...thuốc nam! Đang nói, hàng năm, cứ đến ngày 8-3, tôi thường lang thang lên vùng đồi phía tây Đồng Hới, rảo quanh, dõi mắt vào những lùm lòi, bụi rậm, những gò cây lúp xúp, chẳng khó khăn lắm cũng nhận ra trong thảm lá xanh màu trắng tinh khôi của những cánh hoa dành dành lấp ló như thẹn thùng, ngỡ ngàng như gái nhà lành lần đầu tiên ra phố. Thân cây dành dành nhỏ, cao nhất chừng hai mét, giòn, lá mọc đối, mặt trên màu sẫm, bóng. Quả hình chén với chừng 6-9 góc, khi chín màu vàng đỏ... Gọi là “chi tử’ vì quả có hình chén: chi là chén uống rượu, tử là quả (hay hạt).

Và hoa, hoa dành dành.

Những ai từng lớn lên ở một miền quê, từng chăn trâu cắt cỏ vườn hoang, bắt cá đồng, tắm nước sông nước hói, lại có thể không lưu trong ký ức mình một màu trắng tinh khôi hồn nhiên như tuổi thơ, hoang dại như ngọn gió đầu mùa hè, tinh khiết và hiền lành như tiếng chim buổi sáng trên đồng những ngày gặt hái. Tháng tư, lúa trên đồng vào kì trổ bông. Hương lúa, mùi bùn theo ngọn gió nam đầu mùa phảng phất. Ấy vậy mà, cái mũi thính như sói của một thằng bạn chăn trâu vẫn đánh hơi được đâu đây có một vài cây dành dành đang trổ hoa. Chỉ đánh mắt một vòng cung nhỏ là dễ dàng phát hiện ra những bông hoa trắng nõn nà trong bụi rậm. Lạ, thì cùng nhau hái hoa nhưng hình như chỉ những đứa con gái mới nâng niu!? Có vẻ như gam màu lạnh không hạp với bọn trẻ trai. Lớn lên, đi khỏi cánh đồng làng, đến với cánh đồng “mẫu lớn” của nhiều nơi, trong những ngày xuân chín, ngang qua đâu đó, gặp những triền đê, những bờ sông có mọc nhiều cây dại, tôi thường để mắt tìm màu trắng tinh khôi thuở trước. Gặp được đâu đó là mừng, như gặp được bạn cũ thuở thiếu thời hay tìm lại được tuổi thơ của chính mình...

Nhưng rồi, như một quy luật của sự phát triển, những cánh đồng lúa đồng màu đang thu hẹp lại dành chỗ cho các trung tâm thương mại, công sở, khu công nghiệp. Một ngày, chiếc máy ủi vỡ đất làm tung lên những đám cây bụi. Những cánh hoa mỏng manh trắng muốt bầm dập tan tác. Một vài mảnh hoa rách nát ánh lên sắc trắng giữa thanh thiên bạch nhật, lấp lánh như mảnh thủy tinh vỡ. Thân cây dành dành quá nhỏ để có thể làm củi đun. Mà bây giờ còn mấy ai đun củi. Bông hoa dành dành quá khiêm nhường để người đời có thể nghĩ đến cánh đồng hoa mang lại lợi nhuận. Dành dành! Loài hoa chỉ một màu trắng tinh khiết, mà, màu trắng trên lý thuyết là không có tên trong danh mục các màu. Nhưng hỡi ai, nếu còn yêu ruộng đồng cấy hái, yêu hạt lúa củ khoai, yêu cánh cò chớp nắng, còn tha thiết lội ngược về tuổi thơ gian khó mà đầy yêu thương thì hẳn còn biết nâng niu một bông hoa kỉ niệm...Và, biết đâu, một ngày trên đỉnh cao phú quý, quyền lực, hạt bụi nào đó trong ký ức bỗng động cựa gọi về với tuổi thơ, thì, chỉ một cung đường ngắn và thân quen sẽ dẫn ta về với làng, với lối ngõ, bờ mương, ao chuôm, vào tháng ba ta, chớm hè, khi ve chưa kêu than trên thảm lá phượng chưa nở đỏ trời, đã có một loài hoa nhỏ trắng tinh khiết đang chờ.

Hoa có cái tên hiền như củ khoai hạt lúa: Dành dành!

Nguyễn Thế Tường