.

Hiểu thêm tài năng của một nhà thơ

Thứ Ba, 14/04/2015, 07:47 [GMT+7]

(Nhân đọc “Giai thoại Văn Lợi với văn nghệ sĩ” – NXB Thuận Hóa – 2015 của Thảo Mỹ An)

(QBĐT) - Nhà thơ Văn Lợi (sinh năm 1942), hiện là Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Di sản Việt Nam. Trước khi nghỉ hưu, ông từng giữ các chức vụ: Phó tổng biên tập báo “Văn hóa đời sống” tỉnh Bình Trị Thiên (trước 1989), Tổng biên tập Tạp chí Nhật Lệ (sau 1989), Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội VHNT Quảng Bình và Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Bình.

Văn Lợi không những là người lãnh đạo có uy tín, làm tốt các phần hành công tác mà mình được đảm nhiệm mà còn là người có nhiều năng lực trong sáng tác nghệ thuật. Các tác phẩm của ông gồm các thể loại: nghiên cứu phê bình, ghi chép, thơ. Ngoài đời, Văn Lợi sống rất giản dị, lành mạnh, hòa đồng đủ mọi thành phần với đồng chí, bạn bè. Ông sống không mất lòng ai và cũng không ai mất lòng ông. Đến với Văn Lợi, chỉ vài ba lần tiếp xúc, người ta cảm thấy như đã đến với một người tri kỷ.

Nét nổi bật trong “ngoại giao” khi tiếp xúc với bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp của ông là lối ứng tác nhanh nhạy, hóm hỉnh, dí dỏm bằng cách chọn từ và xuất câu, đối chữ tức thời, hợp lý. Vì tính cách này mà tính nhân văn, ái hữu trong Văn Lợi có thêm những độ dày. Ông đã cần cù ghi chép lại những “ứng tác” ấy và tập hợp lại thành tập để cho ra đời hôm nay. Vì thế, tác phẩm này vừa mang tính “người thật, việc thật” lại thăng hoa yếu tố hư cấu làm tính chân thực và nghệ thuật của tác phẩm được người đọc ngọt ngào ghi nhận.

Qua “Giai thoại Văn Lợi với văn nghệ sĩ”, người đọc có thể sống lại những sinh hoạt của văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên thời bao cấp vô cùng “nghèo túng” nhưng giàu tiếng cười và lòng nhân ái. Người đọc biết đến những cái tên với những cương vị xã hội của họ một thời như: Xuân Hoàng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Công Sơn, Tô Nhuận Vĩ, Nguyễn Quang Hà, Hoàng Vũ Thuật, Ngô Minh, Lâm Thị Mỹ Dạ... Người đọc cũng có thể biết thêm Mai Văn  Hoan, Vĩnh Nguyên, Lý Hoài Xuân, Văn Tăng, Đặng Thị Kim Liên... ở Quảng Bình thời Văn Lợi giữ những chức vụ quản lý thuộc ngành văn hóa ở địa phương.

Với gần 100 trang sách cỡ 11,5x17,7cm, tác phẩm đã mang đến cho người đọc những tiếng cười hóm hỉnh, những tình người mặn mà. Từ đó nó làm nổi trội nét trữ tình, sự thông tuệ, mẫn cán của nhà thơ Văn Lợi trong trường đời văn hóa mà mình từng trải.

Mỗi giai thoại trong tác phẩm là mỗi chuyện đời trong sáng, tế nhị, pha chút hóm hỉnh, ý nhị. Chuyện “Hơn cả “phải lòng”” là một trong những giai thoại như thế. Chuyện rằng năm 2002, nhà thơ Văn Lợi với tư cách là Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tiếp đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Biên phòng từ Hà Nội vào Quảng Bình công tác. Trung tá nhạc sĩ Minh Quang (trưởng đoàn) biết Văn Lợi đối giỏi liền ra vế đối khi ban trưa cả đoàn đã ghé ăn ở một quán ăn ở Hải Thành (Đồng Hới). “Đến Quảng Bình, ăn cháo lòng, phải lòng cô hàng cháo”. Nhà thơ Văn Lợi ứng tác ngay vế đối: “Ra Hà Nội, uống bia hơi, quen hơi chị bán bia”. Vế đối quá chuẩn, hay hơn “hay” nữa là “quen hơi” đối với “phải lòng”. Cả bàn tiệc hôm đó được một tràng pháo tay và trận cười rôm rả.

Trong tác phẩm cũng có nhiều giai thoại thể hiện tính hiền triết của những nhà văn hóa tài ba. Tiêu biểu là chuyện số 24 “Một cuộc thi”. Số là lần ấy, sang Tạp chí Nhật Lệ cơ quan cũ chơi, nhà thơ Văn Lợi ra cho nhà văn Hoàng Bình Trọng một vế đối như sau: “Hoàng Bình Trọng Hoàng Bình Trọng”. Nếu để nguyên, câu đối có nghĩa đen là 2 lần nhắc đến họ tên nhà văn Hoàng Bình Trọng. Nhưng nếu ngắt “Hoàng Bình/Trọng Hoàng Bình Trọng” thì Hoàng Bình là tên họ của Xích Bích (nhà thơ, thầy giáo dạy vật lý trường cấp 3 Tuyên Hóa, anh ruột của nhà văn Hoàng Thái Sơn, đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước). Nhà văn Hoàng Bình Trọng nhạy cảm đối lại ngay: “Nguyễn Đình Thi Nguyễn Đình Thi”. Trong vế đối này, nếu ngắt câu tương tự sẽ là “Nguyễn Đình/Thi Nguyễn Đình Thi”. Ai cũng biết Nguyễn Đình là nhà thơ trào phúng nổi tiếng trong làng thơ hiện đại Việt Nam. Qua câu chuyện, mọi người đều thấy Văn Lợi, Hoàng Bình Trọng là những người giỏi chữ nghĩa.

Trong tập sách của mình, nhà thơ Văn Lợi trong nhiều giai thoại đã sử dụng yếu tố “thanh mà tục” “tục mà thanh” vốn có trong văn chương trào phúng cổ điển hoặc đương đại của dân tộc, làm tăng thêm nét dung dị, hóm hỉnh, tươi vui đáng yêu trong tác phẩm. Tiêu biểu về luận điểm này là chuyện số 2: “Trịnh Công Sơn... bật cười”. Trong chuyện, nhà thơ Văn Lợi đã kể, lần đó  đoàn cán bộ trong Hội VHNT Bình Trị Thiên đi thâm nhập thực tế ở một nông trường thuộc Quảng Trị. Đoàn vừa vào đến phòng giám đốc, mệt quá, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nằm dài xuống đi-văng. Thấy thế, nhà thơ Xuân Hoàng phản xạ nhanh, ra ngay vế đối, mời anh em đối: “Đi phong trào, chưa trao phòng, đã trồng phao để trào phong” (vế đối sử dụng các cặp từ nói lái khá hóc hiểm). Nhà thơ Văn Lợi ngẫm nghĩ một lát đã xướng lên: “Đến nông trường, để trồng nương, mới trông nường đã trương nòng” (vế họa cũng sử dụng cặp từ nói lái rất chuẩn). Vế đối thật thông tuệ, vui nhộn biết bao.

Được biết “Giai thoại Văn Lợi với văn nghệ sĩ” do NXB Thuận Hóa tự in và bán giá mỗi quyển 36.000đ. NXB đã trả nhuận bút cho nhà thơ 100 cuốn sách. Nhà thơ Văn Lợi đã tặng bạn bè văn chương mà không đủ, và tất cả bạn đọc đều thấy tấm lòng, trí tuệ của tác giả chan hòa và mẫn tiệp biết bao. Cuốn sách quả thật hấp dẫn đối với mọi người, đặc biệt đối với anh em văn nghệ sĩ trong ba tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

Hồ Ngọc Diệp