.

Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến phiên họp thường kỳ tháng 6-2016

Thứ Năm, 30/06/2016, 17:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiều 30-6, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến phiên họp thường kỳ tháng 6-2016 với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Tham dự có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá khái quát về tình hình kinh tế-xã hội của nước ta từ đầu năm đến nay, trong đó nhấn mạnh đến phương châm Chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp và người dân làm đối tượng phục vụ, hiện tượng khô hạn và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, sự cố máy bay rơi, tình hình khai thác rừng tự nhiên trái phép ở Tây Nguyên, công tác chuẩn bị và tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia… đặc biệt là việc công bố nguyên nhân sự cố môi trường gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường ở các tỉnh ven biển miền Trung vừa qua.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân tồn tại, hạn chế thời gian qua, đồng thời đề xuất những kiến nghị, giải pháp để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội trong 6 tháng cuối năm.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 5,52%, thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ là 6,32%, trong đó: khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18% (cùng kỳ tăng 2,22%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12% (cùng kỳ tăng 9,36%); riêng khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ là 6,35% (cùng kỳ tăng 5,86%). Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 82,24 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,2%), thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra cho cả năm là 10%; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 80,7 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Về hoạt động phát triển doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký tăng 20%, số vốn đăng ký tăng 51,5%. Có 14.902 doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn phải tạm dừng hoạt động, nay đã trở lại hoạt động, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 2,2%)…

Lĩnh vực giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, an sinh xã hội, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác được thực hiện khá hiệu quả, đó là: cả nước tiếp tục triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục-đào tạo, thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học; giải quyết việc làm cho khoảng 762 nghìn người, xuất khẩu lao động 54 nghìn người; các chế độ, chính sách ưu đãi đối với gia đình chính sách, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo… tiếp tục được triển khai đồng bộ.

Về an toàn giao thông, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 12.227 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.362 người, làm bị thương 8.939 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 8,52%, số người chết giảm 2,59%, số người bị thương giảm 11,95%.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe báo cáo về tình hình triển khai, giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; việc sử dụng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân so với cùng kỳ năm trước làm thước đo lạm phát của nền kinh tế; tình hình liên quan đến Vương quốc Anh tách khỏi Liên minh Châu Âu và tác động đến Việt Nam; về tình hình kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2016.

Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và dự báo cuối năm, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương không trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu; ra sức khắc phục khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Trong đó có 9 nhóm giải pháp lớn như sau: tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7-1-2016, Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm kiểm soát lạm phát, chính sách tiền tệ, tín dụng, chính sách tài khóa; đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; thực hiện mạnh mẽ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; thực hiện giải pháp, chính sách về ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân; tăng cường quốc phòng-an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giảm thiểu tai nạn giao thông; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để chuyển tải kịp thời các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để định hướng dư luận theo hướng khuyến khích thu hút doanh nghiệp, khơi dậy làn sóng khởi nghiệp đầu tư và sản xuất kinh doanh; phát hiện các trường hợp cán bộ, công chức gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp và người dân để tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Theo chương trình phiên họp, ngày 1-7, các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương sẽ tiếp tục thảo luận, phát biểu ý kiến; Thủ tướng Chính phủ kết luận hội nghị, đồng thời các thành viên Chính phủ thông qua Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 6-2016.

P.V