.

Diễn đàn "Tuyên truyền biển-đảo Việt Nam"

Thứ Bảy, 19/12/2015, 10:34 [GMT+7]
(QBĐT) - Diễn đàn "Tuyên truyền biển-đảo Việt Nam" được tổ chức vào ngày 18-12-2015, là một hoạt động bên lề của Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 35.
Toàn cảnh diễn đàn tuyên truyền biển đảo Việt Nam.
Toàn cảnh diễn đàn "Tuyên truyền biển-đảo Việt Nam".
Diễn đàn do Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chủ trì với sự góp mặt của Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ; các phóng viên, nhà báo trực tiếp tham gia tác nghiệp trong vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam; những ngư dân bám biển ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa; cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình và giảng viên, sinh viên Trường Đại học Quảng Bình.
 
Tuyên truyền biển, đảo được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề tuyên truyền biển đảo nóng hơn trên tất cả hệ thống báo chí trong khoảng hai năm trở lại đây. Vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khán giả và nhân dân cả nước rất yên tâm khi có sự hiện diện của lực lượng Cảnh sát biển, của ngư dân trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa nhờ được phản ánh kịp thời trên sóng VTV; các kênh truyền hình khác và các phương tiện báo chí.  Phóng viên báo chí, truyền hình bám biển đưa tin về trực tiếp, mặc dù gặp nhiều nguy hiểm và khó khăn nhưng nhờ đó định hướng chính xác dư luận cho nhân dân và bạn bè quốc tế.
 
Diễn đàn đề cập tới những điều cần lưu ý về sự cân đối giữa sử liệu và cơ sở pháp lý trong tuyên truyền chủ quyền biển đảo; việc tuyên truyền phù hợp từng giai đoạn đối ngoại. Các cơ quan truyền thông cần khai thác sâu hơn cơ sở pháp lý quốc tế khi tuyên truyền về biển đảo trên các chương trình truyền hình; cần tuyên truyền về những tấm gương bà con ngư dân bám biển, về văn hóa ứng xử của ngư dân.
 
Ngoài việc tuyên truyền trên truyền hình, cần chú ý đến giáo dục truyền thống ra khơi bám biển, những cuộc hải chiến trong lịch sử; cần tranh thủ dư luận quốc tế; đưa vấn đề khẳng định đấu tranh về chủ quyền biển đảo vào chương trình sách giáo khoa ở các cấp học; thực hiện đường lối ngoại giao nhân dân trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo...
 
Ông Trần Công Trục cho rằng khi tuyên truyền về biển đảo nhất thiết phải gắn liền với hai chữ chủ quyền thiêng liêng, bất biến và cần làm đậm nét hơn trong các chương trình truyền hình.
 
Thông qua những trao đổi cởi mở về vấn đề lịch sử và tính pháp lý liên quan đến chủ quyền biển đảo từ diễn đàn, VTV-đơn vị tổ chức Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 35-mong muốn thời gian tới các phương tiện báo chí có nhiều tin tức, phóng sự đầy đủ chất liệu, chứng cứ có độ chính xác cao, góp phần làm cho công tác tuyên truyền về biển đảo sâu rộng, thống nhất, hiệu quả.
 
T.Long