Tọa đàm "Thực trạng và định hướng hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự về người chưa thành niên"

Cập nhật lúc 16:14, Thứ Hai, 20/08/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Sáng 20-8, Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tọa đàm về đề tài “Thực trạng và định hướng hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự về người chưa thành niên”. Tham dự có đoàn khảo sát liên ngành gồm: đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; ở tỉnh có đại diện các sở, ngành, tổ chức đoàn thể có liên quan.

 

Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Báo cáo trình bày tại buổi tọa đàm nêu rõ: những năm gần đây, tình hình tội phạm liên quan đến người chưa thành niên tại địa bàn Quảng Bình xảy ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Người chưa thành niên vi phạm pháp luật không còn là hiện tượng mang tính chất điểm nóng tại một vài địa phương mà đã phổ biến khá đồng đều trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo thống kê, từ năm 2007 đến năm 2011, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra 1.262 vụ, gồm 2.488 đối tượng vi phạm pháp luật, chiếm 38,3% tổng số vụ phạm pháp hình sự trong tỉnh. Lực lượng chức năng đã khởi tố điều tra 277 vụ, 479 đối tượng; xử lý hành chính 985 vụ, 2.009 đối tượng.

Đối tượng vi phạm, tội phạm phần lớn là lứa tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi. Đa số người chưa thành niên phạm vào các tội: Trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, cướp giật tài sản; có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng: giết người, hiếp dâm trẻ em. Về tội xâm hại trẻ em, từ 2007 đến nay, địa bàn Quảng Bình xảy ra 84 vụ, 135 đối tượng, chiếm 2,55% tổng số vụ phạm pháp hình sự.

Các tham luận tại buổi tọa đàm cho rằng: hiện nay còn có những khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề về tình hình phạm tội liên quan đến người chưa thành niên. Có nhiều vụ án có người bị hại là người chưa thành niên lứa tuổi còn quá nhỏ nên nhận thức về pháp luật, về xã hội còn rất hạn chế, dễ bị tác động bởi ý thức chủ quan của người lớn; vì vậy, quá trình giải quyết vụ án các cơ quan tiến hành tố tụng thường gặp nhiều khó khăn trong công tác điều tra, thu thập chứng cứ.

Hệ thống pháp luật về trẻ em và người chưa thành niên còn thiếu đồng bộ. Việc thực hiện pháp luật có lúc, có nơi chưa nghiêm minh, tạo kẽ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động. Một số gia đình lo làm ăn kinh tế không quan tâm đến con cái, buông lỏng quản lý hoặc quản lý, giáo dục chưa phù hợp để trẻ tiếp xúc với phim ảnh đồi trụy, bạo lực hoặc các đối tượng xấu lôi kéo, rủ rê phạm tội. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật ở một số trường học vẫn còn nhiều hạn chế.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu nêu lên những kiến nghị, đề xuất như: Cần hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến bị can, bị hại là người chưa thành niên. Tổ chức tập huấn chuyên sâu nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về tâm, sinh lí ở độ tuổi vị thành niên cho cán bộ có chức danh tư pháp để công tác giải quyết án được tốt hơn.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tội phạm đối với loại án mà người phạm tội, người bị hại là người chưa thành niên. Gia đình, nhà trường và xã hội cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác quản lý người chưa thành niên. Nên có quy định về việc tham gia bắt buộc của luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với những vụ án có người bị hại là người chưa thành niên.

                                                                                     Hương Lê


 

,
.
.
.