.

Đừng bàng quan, vô cảm

Thứ Hai, 14/08/2017, 08:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Không chính kiến, không đấu tranh, nhận thức về âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa còn hạn chế... Đây chính là thực tế đang diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn tỉnh ta trước sự hoạt động của các đối tượng cực đoan trong tôn giáo, đối tượng phản động hoạt động trong nước với sự tài trợ của phần tử xấu bên ngoài... Chúng đang lợi dụng sự cố môi trường biển để có những hoạt động tụ tập, gây rối trật tự công cộng, gây mất an ninh chính trị và làm cho TTATXH diễn biến phức tạp.

Có thể khẳng định, thành phần chính tham gia tụ tập, gây rối và có những thái độ phản ứng quyết liệt để chống đối chính quyền, gây sức ép trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian vừa qua chỉ là thiểu số, cá nhân đơn lẻ. Tuy nhiên, do sự hiếu kỳ, tò mò và thậm chí là vô cảm của không ít người dân đã chứng kiến, tham gia và tìm hiểu đã vô tình làm cho kẻ xấu đạt được mục đích của chúng.

Đáng nói hơn, một số người dân tham gia các diễn đàn trên mạng internet, lập các trang blog, facebook cá nhân đăng tải, chia sẻ nhiều thông tin về các vấn đề nhạy cảm, lợi dụng chỉ trích nói xấu Đảng, Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối và những vấn đề liên quan đến sự cố môi trường biển do Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra, làm tác động xấu đến tình hình ANCT, tâm trạng, tư tưởng của nhân dân.

Những ưu điểm của mạng xã hội trong thời đại công nghệ số là điều không cần bàn cãi, nhưng sử dụng, khai thác nó như thế nào cho phù hợp, đúng pháp luật là điều đáng xem xét... Không thể thờ ơ, để những thông tin sai sự thật, trái với phong tục tập quán, nếp sống văn hóa và đạo đức của con người Việt, đặc biệt là làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và TTATXH.

Điển hình cho sự việc này là những tin đồn xảy ra bắt cóc trẻ em trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian gần đây, những thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội như việc một số đối tượng đã liên tiếp tiến hành nhiều cuộc bắt cóc trẻ em trên địa bàn tỉnh nhưng không thành, xảy ra ở TP. Đồng Hới, Quảng Ninh, TX. Ba Đồn....

Sự vô cảm, hiếu kỳ của một bộ phận người dân đã vô tình tiếp tay cho kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc tình hình, gây ảnh hưởng xấu đến TTATXH.
Sự vô cảm, hiếu kỳ của một bộ phận người dân đã vô tình tiếp tay cho kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc tình hình, gây ảnh hưởng xấu đến TTATXH.

Đặc biệt là sau thời điểm cháu T.T.N (6 tuổi) ở phường Quảng Long, TX. Ba Đồn bị mất tích và được phát hiện tử vong với nhiều vết thương trên cơ thể. Từ sự việc này, nhiều câu chuyện được thêu dệt với những tình tiết rất đáng sợ, với nội dung là cháu bị bắt cóc, mổ lấy nội tạng... được tung lên các trang mạng xã hội lan truyền với tốc độ chóng mặt, khiến người dân vô cùng hoang mang.

Lâu nay, ngoài chuyện chúng ta tập trung phê phán nhận thức của người dân còn hạn chế nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng, còn một nguyên nhân khác cũng không kém phần đáng ngại hơn đó là thái độ bỏ mặc, xem đó không phải là việc, nhiệm vụ của mình mà là của người khác. Đây là điều rất dễ bắt gặp và trong số đó có cả những cán bộ, đảng viên. Đó chính là sự vô cảm đáng sợ, đã vô tình làm cho kẻ xấu có cơ hội để tiếp tục hoạt động mạnh hơn.

Bàn về sự vô cảm của nhiều người trong xã hội, cũng không thể không nhắc đến trách nhiệm của mỗi người dân. Bởi lẽ, cái ích kỷ, vô trách nhiệm và thái độ thờ ơ, mặc kệ vẫn đang tồn tại trong tư duy của không ít người. Minh chứng cho thực tế này là hàng chục lần người dân ở địa bàn TX.

Ba Đồn và huyện Quảng Trạch nghe theo lời kích động của kẻ xấu đã tập trung đến trụ sở chính quyền khiếu kiện, đáng ngại hơn là tụ tập, gây rối trật tự công cộng và chặn tuyến QL1A... để đòi quyền lợi. Theo họ, cái "quyền lợi" của họ sở dĩ không đạt được là do chính quyền vô cảm trước cuộc sống khó khăn của họ, nhất là sau sự cố môi trường biển xảy ra.

Tuy nhiên, thực tế lại khác, đó là sự vô cảm của không ít người dân, đặc biệt là những giáo dân mà đằng sau đó có bàn tay bẩn thỉu của những linh mục cực đoan, những đối tượng phản động trước những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác giải quyết đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho người dân.

Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế-xã hội, giới trẻ ngày càng có ưu thế để tiếp cận với công nghệ số, các tiện ích hiện đại khác trong học tập và sinh hoạt nhưng nếu nhận thức không đúng đắn, họ lại chính là đối tượng dễ bị kẻ xấu lợi dụng nhất.

Bên cạnh đó, với lối sống thực dụng, thờ ơ của không ít bạn trẻ biểu hiện ở việc không thể hiện được chính kiến của mình, không hành động, họ vô tình tiếp tay bằng những lượt chia sẻ, những câu bình luận đầy hoài nghi và thậm chí tung những thông tin thất thiệt khác từ những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội.

Điểm qua hàng loạt trang blog, facebook, fanpage và trang mạng xã hội khác rất hiếm gặp những commen bình luận bên dưới có nội dung đấu tranh, phản bác và phê phán cái xấu, cái không có thực... Nguy hại của căn bệnh vô cảm, coi như "không nghe, không thấy, không biết" đã và đang diễn ra rất đáng lo ngại và đây chính là những tiền đề cho sự suy thoái về đạo đức, nhân cách. 

Cũng xin được khẳng định rằng, những thông tin xấu, sai sự thật chỉ là chút mây đen không thể che được ánh sáng mặt trời quang minh chính đại. Luồng gió thông tin độc chắc chắn sẽ bị đẩy lùi bởi sức mạnh của niềm tin với Đảng, với con đường cách mạng mà cả dân tộc đang chung bước đi lên.

Vì vậy, hơn lúc nào hết mỗi người dân, nhất là cán bộ đảng viên cần thực hiện theo phương châm "mỗi đảng viên là một tuyên truyền viên của Đảng", cán bộ, đảng viên phải là người trực tiếp tuyên truyền cho gia đình và quần chúng nhân dân nơi cư trú, làm rõ bản chất sai trái, tính chất nguy hiểm của các thông tin sai sự thật và góp phần định hướng dư luận theo hướng tích cực, cảnh giác, sẵn sàng phản biện lại các thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc.

Trần Tuấn