.
Thị xã Ba Đồn:

Cải tiến giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ Hai, 18/12/2017, 14:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Với mục tiêu từng bước cải tiến bộ giống lúa trong sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua, thị xã Ba Đồn đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp về công tác giống trên địa bàn. Bên cạnh thúc đẩy năng suất lúa của thị xã tăng lên rõ rệt, việc cải tiến bộ giống lúa đã tạo thuận lợi cho người dân thực hiện trao đổi giống sau thu hoạch, tiết kiệm được chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa, góp phần nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Thị xã Ba Đồn có 16 xã, phường (6 phường và 10 xã); trong đó 15 xã, phường chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích đất tự nhiên toàn thị xã là 16.230 ha, trong đó diện tích đất sản xuất 7.348,7 ha (cây lương thực 5.303,2 ha, các loại cây trồng khác 2.045,5 ha). Đặc thù sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã chủ yếu là sản xuất cây lúa cả 2 vụ, với diện tích vụ đông-xuân trên 2.700 ha và hè-thu 2.200 ha.

Năm 2017, năng suất lúa bình quân toàn thị xã đạt trên 56 tạ/ha, tăng 2 tạ/ha so với năm 2016. Hiện tại, tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng và chất lượng cao trên địa bàn thị xã đạt từ 55 đến 60% tổng diện tích gieo cấy, tăng 10% so với năm 2015.

Để có được kết quả này, thị xã Ba Đồn đã rất nỗ lực để triển khai nhiều giải pháp về công tác giống, như: trợ giá giống lúa, thâm canh lúa cải tiến SRI; chương trình sản xuất giống lúa tại chỗ; tìm kiếm, phát hiện du nhập giống mới phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu của địa phương; chuyển dịch cơ cấu giống theo hướng chất lượng, giá trị.  

Ông Đinh Thiếu Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho biết: "Cải tiến, nâng cao chất lượng bộ giống lúa là một trong những nội dung lớn nhằm thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của thị xã Ba Đồn. Thực tế triển khai cải tạo, nâng cao chất lượng bộ giống lúa những năm qua cho thấy, có nhiều giống lúa thích ứng và đối phó được với các loại hình thiên tai phức tạp hiện nay, như: rét đậm, rét hại, hạn hán, lụt, bão, xâm nhập mặn và nhiều đối tượng sâu bệnh hại chính xuất hiện trên đồng ruộng, gây mất mùa và tăng chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, đề án còn hạn chế và thay đổi dần tập quán sản xuất những giống lúa dài ngày đã có dấu hiệu thoái hóa tại một số địa phương (Quảng Phúc, Quảng Thuận, Quảng Thọ, Quảng Phong, Quảng Văn....) và việc tập trung độc canh sản xuất các giống lúa hàng hóa có giá trị kinh tế thấp tại các xã vùng Nam thị xã.

Các giống mới đưa vào sản xuất trong những năm gần đây đều là những giống có khả năng thâm canh cho năng suất cao và chất lượng tốt, có thời gian sinh trưởng trung, ngắn ngày thích nghi tốt với biến đổi khí hậu hiện nay.

Nông dân thị xã Ba Đồn tập trung sản xuất các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn để kịp thu hoạch trước mùa mưa lũ.
Nông dân thị xã Ba Đồn tập trung sản xuất các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn để kịp thu hoạch trước mùa mưa lũ.

Nhằm hỗ trợ thị xã Ba Đồn thực hiện mục tiêu từng bước cải tiến bộ giống lúa trong sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, những năm qua, Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình đã nghiên cứu, chọn tạo ra các giống lúa năng suất và chất lượng cao, ngắn ngày để phục vụ sản xuất như: SV181, PC6, GL105, SVN1...

Một số giống lúa chất lượng cao, ngắn và cực ngắn ngày đang được doanh nghiệp tiếp tục theo dõi, đánh giá để bổ sung vào sản xuất và làm thủ tục công nhận giống mới, như: SV186, SV189, nhằm giúp nông dân sử dụng thay thế các giống lúa đã tồn tại nhiều năm bị thoái hoá làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng.

Trong quá trình sản xuất thử, trình diễn giống lúa mới, ngoài Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình, còn có sự tham gia của một số đơn vị, gồm: Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, Phòng Kinh tế thị xã và một số địa phương. Từ năm 2015 đến nay, có 7-10 giống được đưa vào trình diễn, sản xuất thử trên địa bàn, trong đó nhiều giống được đưa vào cơ cấu sản xuất của thị xã, như: PC6, SV181, GL105, SVN1...

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế, UBND thị xã Ba Đồn cho hay: "Trên địa bàn thị xã hiện có 7 xã, phường triển khai mô hình sản xuất giống lúa tại chỗ rất hiệu quả với diện tích mỗi vụ từ 50 đến 60ha. Các giống lúa chủ yếu được đưa vào sản xuất, gồm: PC6, HT1, DV108, KD18, P6. Năng suất bình quân vụ đông-xuân đạt trên 60 tạ/ha, sản lượng lúa giống đạt trên 350 tấn; năng suất vụ hè-thu đạt trên 58 tạ/ha, sản lượng lúa giống đạt 300 tấn.

Chính vì vậy, trong những năm qua, số lượng giống lúa xác nhận mà các địa phương đăng ký mua tại Trạm giống thị xã giảm nhiều. Số lượng người nông dân tham gia công tác trao đổi giống sau thu hoạch đạt tỷ lệ cao, góp phần đưa tỷ lệ giống mới vào sản xuất trên địa bàn đạt trên 95%; trong đó mua tại Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình trên 55%, còn lại qua trao đổi của người dân từ nguồn giống sản xuất tại chỗ. Việc chủ động nguồn giống thông qua mô hình sản xuất tại chỗ đã giúp người dân giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích vì giá lúa giống qua trao đổi chỉ bằng 1/3 giá giống nguyên chủng".

Còn theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình, hàng năm, cùng với việc cung ứng đầy đủ khoảng 250 tấn giống lúa xác nhận 1 phục vụ sản xuất cho nông dân thị xã, công ty luôn bảo đảm đầy đủ các loại giống lúa nguyên chủng, chất lượng tốt với số lượng từ 7 đến 9 tấn cho các địa phương có mô hình sản xuất lúa giống. Ngoài ra, Công ty luôn chuẩn bị một lượng giống dự trữ để cung ứng cho các địa phương gieo lại do ảnh hưởng các yếu tố thiên tai, hoặc những bất lợi khác.

Từ những nỗ lực triển khai các chính sách, giải pháp về công tác giống, những năm gần đây, cơ cấu giống lúa trên địa bàn thị xã đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo xu hướng giảm dần các giống dài ngày, chuyển dần sang các giống trung ngày chất lượng, có năng suất cao, như: P6,GL105, XT28...

Nhiều địa phương đã tập trung sản xuất các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn để kịp thời thu hoạch trước mùa mưa lũ, như: PC6, SV181, HT1. 10 xã vùng Nam đã không sử dụng các loại giống dài ngày 100% diện tích như trước đây, mà chủ yếu sản xuất giống lúa ngắn ngày và trung ngày, các giống lúa thuần thâm canh để phục vụ sản xuất bún, bánh, thực phẩm phục vụ chăn nuôi.

Đến nay, các giống lúa chất lượng, chất lượng cao, như: P6, HT1, XT28, PC6, SV181, chiếm khoảng 55-60% diện tích gieo cấy toàn thị xã; các giống lúa thuần thâm canh: Xi23, KD18, DV108 chiếm 30-35%; còn lại khoảng 5-10% diện tích gieo cấy các giống lúa thuần không phổ biến hoặc các giống đang khảo nghiệm, trình diễn nhỏ lẻ, như: GL105, QX2, HN6, SV189.

Quảng Văn là 1 trong những địa phương có tỷ lệ diện tích được phổ cập giống lúa mới cấp xác nhận cao của thị xã Ba Đồn. Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Quảng Văn cho hay: "Toàn xã có diện tích sản xuất lúa trên 80 ha, năng suất lúa bình quân năm 2017 đạt gần 56 tạ/ha.

Trên cơ sở kết quả đạt được qua triển khai thí điểm sản xuất mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI từ những vụ mùa trước, chúng tôi đã cho nhân rộng trên diện tích trồng lúa tại các thôn ở cả 2 vụ sản xuất trong năm. Theo đó, giống lúa P6 được đưa vào cơ cấu thời vụ với vai trò chủ lực (chiếm gần 70% diện tích), tiếp theo là các giống: HT1, KD18, SV181 (chiếm trên 30%).

Đặc biệt, từ thành công của mô hình sản xuất giống lúa tại chỗ, hiện tại, bà con trên địa bàn xã đã chủ động được 20% lượng giống chất lượng phục vụ sản xuất".

Nói về định hướng và những giải pháp phát triển giống lúa trong thời gian tới, ông Đinh Thiếu Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho rằng: "Thị xã Ba Đồn tiếp tục chuyển đổi mạnh cơ cấu giống lúa theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng, có khả năng chống chịu với sâu bệnh và các điều kiện ngoại cảnh.

Về thời gian sinh trưởng, huyện tập trung mở rộng bộ giống có thời gian sinh trưởng trung và ngắn ngày trong vụ đông-xuân, ngắn và cực ngắn vụ hè-thu. Đối với cơ cấu bộ giống lúa chất lượng, các loại giống: P6, XT28, IR35366, PC6, HT1, SV181 chiếm 60-65% diện tích gieo cấy vụ đông-xuân; các giống: PC6, HT1, SV181, SVN1, P6 đột biến... chiếm 65-70% ở vụ hè-thu.

Bên cạnh đó, thị xã vẫn duy trì khoảng 35-40% diện tích sản xuất các giống có năng suất cao, như: DV108, KD18, GL105, Xi23, để phục vụ chế biến thực phẩm, bún bánh, thức ăn chăn nuôi. Số lượng giống lúa chủ lực cho sản xuất có 7-8 giống; trong đó có 2-3 giống trung ngày cho sản xuất vụ đông-xuân, 3-4 giống ngắn và cực ngắn ngày cho cả 2 vụ đông-xuân, hè-thu.

Thị xã Ba Đồn tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ giá giống cho những giống lúa chất lượng, chất lượng cao có tiềm năng và mũi nhọn cho giá trị kinh tế, thu nhập của người dân; đồng thời nhân rộng diện tích sản xuất lúa giống tại chỗ với các loại giống mới ở các thôn, TDP và các xã, phường khác chưa sản xuất mô hình lúa giống".

Hiền Chi