.

Hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Thứ Năm, 08/10/2015, 08:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta phát triển khá ổn định, đời sống của đại bộ phận người dân nông thôn được cải thiện đáng kể, bộ mặt nông thôn từng bước khởi sắc. Đạt được kết quả quan trọng đó một phần là nhờ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả trên một đơn vị diện tích canh tác.

Kết quả nổi bật nhất của tái cơ cấu nông nghiệp trên lĩnh vực trồng trọt của tỉnh là khâu giống. Trong 5 năm, các địa phương đã mạnh dạn loại bỏ các giống cây trồng năng suất, chất lượng thấp sang canh tác các loại giống cho giá trị kinh tế cao.

Năm 2010 tỷ trọng giống lúa xác nhận khoảng 50%, nay tăng lên 70%, giống trung, ngắn ngày từ 30%, tăng lên 51%, giống chất lượng từ 38% tăng lên 50% (trong đó vụ đông - xuân 75%). Nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao (lúa P6, HT1, PC6, SV181; ngô DK9901, CP999, HN88; lạc L14, L23; sắn KM21-12, rayoong72...) và quy trình canh tác tiên tiến (sản xuất lúa theo phương pháp SRI, trồng lạc mật độ dày, che phủ nilon, thâm canh sắn bền vững; sản xuất rau theo tiêu chuẩn Vietgap...) được đưa vào sản xuất đại trà.

Công tác chỉ đạo chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn được đẩy mạnh, đến nay đã chuyển đổi 2.835ha, thu nhập đạt 38-160 triệu đồng/ha, lãi 30-55 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 1,5-7 lần so với sản xuất lúa.

Một số sản phẩm nông nghiệp đã trở thành hàng hóa như cao su, sắn nguyên liệu; liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, nông dân theo cánh đồng lớn được mở rộng trên nhiều cây trồng như lúa, ớt, sắn, ngô, lạc (năm 2013: 113ha, đến năm 2015: 6.474ha). Sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu, ổn định đầu ra, giá cao hơn 1,2 lần so thị trường.

Bước đầu hình thành vùng chuyển đổi tập trung như trồng ngô thực phẩm (Quảng Thạch, Vạn Ninh), mướp đắng (Hiền Ninh), dưa hấu (Hàm Ninh), ngô nếp (Quảng Châu), khoai lang, vừng (Quảng Phương)... Nhờ vậy mà nông dân liên tục được mùa, sản lượng lương thực liên tục tăng, về đích trước 4 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XV đề ra.

Sản lượng thủy sản tăng đều 9%/năm .
Sản lượng thủy sản tăng đều 9%/năm .

Sản xuất chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, bảo đảm an toàn dịch bệnh chiếm tỷ trọng ngày càng cao (từ 41,5% năm 2010, lên 45,5% năm 2015, vượt chỉ tiêu đề ra). Số lượng trang trại chăn nuôi tăng nhanh (từ 52 trang trại năm 2011 lên 95 trang trại năm 2015).

Đặc biệt xuất hiện nhiều trang trại nuôi 1.000 con lợn thịt, 2.500-3.000 trâu, bò nhập khẩu từ Úc; đưa vào sản xuất các giống bò lai (Brahman trắng, Drought Master), lợn ngoại chiếm 89% (Pietran, Duroc, Pidu), gà thả vườn chất lượng cao (giống gà Lương Huệ, Ri vàng rơm, Jdabaco). Tỷ lệ bò lai từ 16,9% tổng đàn năm 2010 tăng lên 35% năm 2015 (chủ yếu là bò Bradman); sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng cao (từ 49.630 tấn năm 2010 nay đạt 60.000 tấn). Công tác thú y thực hiện có hiệu quả, vì vậy những năm qua các loại dịch bệnh nguy hiểm ít xảy ra trên địa bàn, giúp người chăn nuôi ổn định sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng.

Kết quả tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản thể hiện qua việc chuyển mạnh khai thác truyền thống gần bờ sang khai thác xa bờ với các loại ngư lưới cụ và phương pháp đánh bắt tiên tiến. Tốc độ đóng mới, cải hoán tàu cá tham gia khai thác vùng biển xa tăng nhanh (trung bình gần 300 chiếc/năm).

Nếu như năm 2010 toàn tỉnh có 779 tàu cá xa bờ, đến nay tăng lên 1.165 tàu, trong đó có 150 tàu cá trên 700CV, là một trong những tỉnh có số lượng tàu cá tham gia khai thác vùng biển xa lớn so với cả nước. Đến nay toàn tỉnh có 821 tàu được lắp đài tàu, 801 tàu tham gia khai thác vùng biển xa; đã thẩm định 452 tỷ đồng; hỗ trợ ngư dân 336 tỷ đồng, là 1 trong 3 tỉnh thực hiện tốt nhất cả nước. Sản lượng thủy sản tăng bình quân xấp xỉ 9%/năm.

Hạ tầng nuôi trồng thủy sản tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất như nuôi theo hướng công nghệ sinh học, nuôi vietgap, luân canh, xen canh... Diện tích nuôi trồng tăng đều qua hàng năm, đến nay có 5.100ha; sản lượng 8.443 tấn (năm 2010), đến năm 2015 tăng lên 11.000 tấn, trong đó tôm nuôi 4.500 tấn.

Sản xuất lâm nghiệp được xã hội hóa và chuyển đổi theo hướng giá trị; diện tích rừng trồng tăng nhanh, nhất là rừng kinh tế (bình quân hàng năm trồng 5.000 ha rừng). Kết quả đáng ghi nhận là vùng đồi núi Quảng Bình cơ bản không còn đất trống, đồi trọc, đã góp phần giải quyết việc làm, giảm nhẹ thiên tai, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Khai thác gỗ rừng tự nhiên theo phương án điều chế rừng, giai đoạn 2010-2013 bình quân mỗi năm khai thác 12.000m3. Từ năm 2015 trở đi Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép duy trì sản lượng 5.500m3 tại Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn (là 1 trong 2 địa phương duy nhất toàn quốc có chỉ tiêu khai thác gỗ rừng tự nhiên theo chứng chỉ Quốc tế FSC).

Đặc biệt khai thác gỗ rừng trồng tăng nhanh hàng năm, bình quân đạt trên 250.000m3/năm, đáp ứng nguyên liệu gỗ cho các nhà máy chế biến. Việc chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt, rừng trồng hiệu quả thấp sang trồng cao su được đẩy mạnh, trong 5 năm đã chuyển đổi 3.541ha. Công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được cả hệ thống chính trị quan tâm, tham gia tích cực, góp phần giữ vững độ che phủ rừng 68% (đứng thứ 2 toàn quốc).

Tuy nhiên nhìn tổng thể sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế vẫn chưa được khắc phục. Đó là, quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ, tỷ trọng cơ giới hoá còn thấp; ít có sản phẩm chế biến sâu; hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm thấp. Chăn nuôi có quy mô nhỏ vẫn phổ biến, tàu cá công suất nhỏ, khai thác ven bờ vẫn còn nhiều; chế biến thuỷ sản xuất khẩu sản lượng thấp; việc đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông lâm thủy sản còn hạn chế, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu...

Đồng chí Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, mục tiêu xuyên suốt của ngành Nông nghiệp thời gian tới là tiếp tục thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, tái cơ cấu cây trồng gắn với thị trường tiêu thụ, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng; đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn và phù hợp với nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng chuyển chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Gắn sản xuất, chế biến với thị trường tiêu thụ; sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, đến chế biến để nâng cao năng suất, giảm chi phí, tăng chất lượng, hiệu quả, nâng tỷ trọng chăn nuôi; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng khép kín trên địa bàn.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Quyết định 48, Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển thủy sản, tập trung đẩy mạnh khai thác vùng biển xa nhằm nâng cao sản lượng, giá trị sản phẩm, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo; tiếp tục đầu tư đóng mới, cải hoán tàu công suất lớn khai thác vùng biển xa; giảm hợp lý tàu cá dưới 20 CV vùng bãi ngang, cồn bãi.

Đối với lâm nghiệp, đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp theo hướng giá trị, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nâng cao sinh kế cho người dân miền núi; thực hiện tốt Quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2020; chỉ đạo thực hiện tốt việc chuyển mục đích sử dụng rừng, cải tạo rừng theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt.

Tr.T