.

Quyết chí lập nghiệp trên quê hương

Thứ Ba, 06/10/2015, 09:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Bỏ học từ năm lớp 9, Phan Thanh Nam (25 tuổi) ở thôn 4, xã Quảng Kim, (huyện Quảng Trạch) quyết định vào Nam học nghề, với tâm nguyện sau này sẽ trở về lập nghiệp trên quê hương của mình. Gần 6 năm trời ròng rã vừa học nghề, vừa làm kiếm thêm thu nhập hàng tháng, Nam đã trở về quê hương lập nghiệp. Đến bây giờ, mỗi tháng Nam đã có thu nhập hàng chục triệu đồng ngay trên quê hương mình với nghề chạm-khắc rễ cây...

Hoàn cảnh của Nam thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa, mồ côi cha từ nhỏ, mẹ phải tất bật lên núi hái từng bó củi về bán kiếm tiền để nuôi 2 chị em. Đến năm lớp 9, nhận thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nam đã suy nghĩ rất nhiều về con đường nên tiếp tục học hành để tiến thân trong tương lai của riêng mình hay mưu sinh để đỡ đần gánh nặng cho mẹ và gia đình. Cuối cùng, Nam đành từ bỏ bút sách và quyết định rời xa quê hương vào Nam kiếm sống.

Rời bỏ quê hương, chàng trai 16 tuổi như lạc lối giữa dòng chảy và sự phức tạp của cuộc sống xa gia đình. Những ngày đầu bước chân ra đi, mặc dù chưa biết phải làm gì nhưng Nam đã suy nghĩ rất nhiều về việc phải tìm một công việc để mưu sinh, công việc đó có thể chịu được thời tiết khắc nghiệt tại quê nhà, thu nhập không cao cũng phải đủ sống. Rồi cái duyên nghề chạm-khắc cội, rễ cây ở đất khách Đắk Lắk đã đến với Nam và cái duyên đó đã làm chàng trai nhanh chóng “bám rễ”, học nghề.

Phan Thanh Nam đang miệt mài làm nên những sản phẩm chạm-khắc độc đáo
Phan Thanh Nam đang miệt mài làm nên những sản phẩm chạm-khắc độc đáo

Nhận thấy công việc phù hợp, lại có thu nhập khá nên Nam đã gắn bó lâu dài ở xưởng chạm khắc. Cứ thế, ròng rã suốt 6 năm vừa học vừa làm, năm 2013, khi tay nghề đã tinh thông, Nam đã về quê mở xưởng và bây giờ em đã trở thành một thợ chạm-khắc cứng tay ở quê hương mình với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Đón tiếp chúng tôi, trong bề bộn những cội, rễ cây, chàng thanh niên với nụ cười rất hiền cho biết: Thường thì cứ một cội, rễ cây làm trong vòng 7-8 ngày, tiền công từ 4-6 triệu đồng tùy thuộc kích cỡ và tạo hình của sản phẩm. Nguyên liệu là những cội, rễ cây lớn, sẵn có ở vườn nhà, như cội rễ mít, sầu đâu, tràm và rễ cây của rừng tự nhiên...

Từ những cội, rễ cây này Nam chạm-trổ ra hình thế như: Rồng, phụng, nghê, hay thần thổ địa, thần tài, và các vật dụng khác như: Bàn trà, lư hương, bàn thờ, bàn tiếp khách... Tùy theo hình thế, nhiều ít hoa văn, con vật để tính tiền công. Với lợi thế là không phụ thuộc vào thời tiết khắc nghiệt tại quê nhà, nắng nóng cũng như mưa bão công việc của Nam vẫn cứ đều đều.

Nam cho biết, điều kiện để làm được nghề này phải là người biết chịu khó và kiên trì, chứ nóng vội sẽ làm hỏng hết ý tưởng, vật liệu và phải có con mắt nghệ thuật. Thu nhập của Nam từ đầu năm 2015 đến nay đạt mỗi tháng trên 15 triệu đồng, chẳng những thế tiếng tăm về tài chạm-trổ của Nam càng lúc càng vươn xa ra các xã lân cận. Dự định từ nay đến cuối năm, Nam sẽ hoàn thành 40 cội, rễ đã nhận của khách hàng từ trước đó.

Không chỉ đem lại thu nhập cho mình, Nam đã tuyển dụng và đào tạo nhiều lao động tại địa phương, đem lại cho họ thu nhập trước mắt và tay nghề để tự tin làm nghề trong tương lai.

Nam cũng chia sẻ, khó khăn nhất lúc này là nguồn vốn để mở rộng cơ sở, thuê thêm nhân lực. Thợ chạm-khắc đòi hỏi phải được đào tạo trong một thời gian khá dài thì mới có thể làm quen được với công việc. Hiện tại, Nam vẫn vừa đào tạo nhân công tại chỗ, vừa tìm cách liên hệ với các thợ chạm-khắc trong vùng để kêu gọi cùng chung tay mở rộng cơ sở sản xuất. Một vấn đề không kém phần quan trọng là phải khẳng định tiếng tăm và thương hiệu sản phẩm để có nguồn khách hàng dồi dào và mở rộng thị trường. Muốn vậy, uy tín với khách hàng, luôn được Nam đặt lên hàng đầu.

Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, Nam phải trải qua biết bao gian khó và đặc biệt là sự kiên trì, bền bỉ. Nam chia sẻ nguyện vọng sau này: Nếu gây dựng thành công cơ sở chạm-khắc tại quê nhà, sẽ vận động thêm một số thanh niên trong thôn theo học nghề của mình, trước hết là tăng nguồn nhân lực, thứ hai là giải quyết việc làm cho các thanh niên khác trong thôn.

Trao đổi với chúng tôi, anh Diệp Thanh Song, trưởng thôn 4, xã Quảng Kim cho biết: “Trường hợp của Nam rất đáng hoan nghênh, lãnh đạo thôn cũng thường xuyên qua lại, trước mắt là để ủng hộ trên tinh thần, sau nữa là tìm biện pháp giúp đỡ cũng như kêu gọi thanh niên tích cực noi gương sáng của Nam để góp phần đổi mới quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh hơn...”.

Từ tấm gương của Nam, chàng trai xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, từ vùng quê nghèo khó, không có điều kiện học hành nhưng với ý chí quyết tâm, nghị lực vươn lên vượt khó, ly nông nhưng không ly hương, thiết nghĩ rất đáng để những thanh niên nông thôn đang băn khoăn tìm đường lập nghiệp suy nghĩ.

T.Hoa-N.Oai