.
Chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020:

Quảng Ninh: Xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững

Thứ Hai, 19/10/2015, 11:44 [GMT+7]

(QBĐT) - 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2010-2015, với sự nỗ lực và quyết tâm cao, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh đã vươn lên giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, tạo tiền đề vững chắc để Quảng Ninh phát triển nhanh và bền vững.

Đạt được kết quả đó chính là nhờ Đảng bộ huyện Quảng Ninh đã lựa chọn các vấn đề trọng tâm, có tính đột phá để xây dựng các nghị quyết chuyên đề và các đề án phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.

Quảng Ninh ngày càng khởi sắc.
Quảng Ninh ngày càng khởi sắc.

Đồng chí Trần Hải Châu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh cho biết: Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Quảng Ninh đã xác định xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, bền vững gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới là yếu tố then chốt, nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tạo sự đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Quảng Ninh đã phát động phong trào xây dựng 8 cốt vật chất kết cấu hạ tầng "đồng - đồi - điện - đường - xưởng - trường - trạm - chợ", xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh gắn với 8 cốt chủ thể "huyện - xã - thôn - chi bộ - hợp tác xã - hộ gia đình - hội - Đoàn thanh niên", tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng huyện phát triển toàn diện.

Được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương và tỉnh thông qua các chương trình dự án và sự đồng tình hưởng ứng đóng góp tích cực của nhân dân, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn được chú trọng đầu tư và có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều công trình dự án trọng điểm đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy tốt hiệu quả. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm qua đạt 3.627 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so với nghị quyết đề ra.

Đến nay, toàn huyện đã kiên cố hóa 43km kênh mương, 145km đường giao thông nông thôn, trên 98% số hộ dùng điện, 100% xã, thị trấn có trường học cao tầng kiên cố, 65% trường đạt chuẩn quốc gia; hình thành và phát triển khu công nghiệp Áng Sơn, khu công nghiệp Tây Bắc Quán Hàu thu hút các dự án đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động; xây dựng và đưa vào sử dụng một số công trình lớn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội như: hồ chứa nước Rào Đá, cầu Trung Quán, quốc lộ 1 tránh lũ, kè chống xói lở Duy Ninh - Hàm Ninh... tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất và phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân.

Đặc biệt, Đảng bộ huyện đã xây dựng Nghị quyết số 04/HU chuyên đề xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, Nghị quyết số 07 - NQ/HU về phát triển kinh tế - xã hội các xã miền núi, biên giới và Đề án giao đất, giao rừng cho đồng bào miền núi, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt. Đồng thời chú trọng công tác quy hoạch, thu hút đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề  mới... ở nông thôn; gắn chương trình xây dựng nông thôn mới với phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tổ chức sản xuất hợp lý trong nông nghiệp.

Nhờ vậy, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, khu cụm công nghiệp, thương mại, văn hóa-xã hội... đã được đầu tư có hiệu quả. 5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đạt trên 2.144 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 1.091 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 1.053 tỷ đồng...

Sau 4 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn huyện Quảng Ninh đã có nhiều khởi sắc, đến nay bình quân mỗi xã đạt 13/19 tiêu chí, đã có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014 (Lương Ninh), hiện đang tập trung chỉ đạo quyết liệt phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2015 (Hàm Ninh và Vĩnh Ninh).

Theo đồng chí Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, việc tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững, bước đầu đã tạo sự đột phá mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển các lĩnh vực văn hóa- xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, làm cho diện mạo đô thị, nông thôn trên địa bàn huyện ngày càng khởi sắc.

Kinh tế tiếp tục phát triển và chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13%/năm; sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp có nhiều chuyển biến quan trọng, đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, gắn với thị trường, bước đầu hình thành một số vùng chuyên canh đưa lại hiệu quả kinh tế cao.

Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng mạnh. Hoạt động thương mại, dịch vụ được mở rộng; một số nghề truyền thống từng bước được khôi phục và hình thành, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện đáng kể, đến nay, toàn huyện còn khoảng 4,6% hộ nghèo...

Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được chú trọng đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất và phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân Quảng Ninh. (Trong ảnh: Cầu treo vượt lũ Trung Sơn, xã Trường Sơn được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng)
Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được chú trọng đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất và phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân Quảng Ninh. (Trong ảnh: Cầu treo vượt lũ Trung Sơn, xã Trường Sơn được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng)

Bên cạnh những kết quả đạt được, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện Quảng Ninh vẫn còn có những hạn chế, thiếu đồng bộ, như: một số tuyến đường giao thông nông thôn còn nhỏ hẹp; hệ thống thủy lợi, cấp thoát nước một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; hạ tầng xã hội, nhất là cơ sở trường học, trạm xá, nhà văn hóa ở một số nơi còn thiếu và xuống cấp...

Trong khi đó, việc huy động nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm của kinh tế huyện còn thấp. Nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho các chương trình mục tiêu trọng điểm chưa đáp ứng nhu cầu; nguồn thu từ tiền sử dụng đất ở các xã để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới gặp khó khăn do nhu cầu giảm đáng kể, nguồn quỹ đất để quy hoạch khu dân cư không còn nhiều. Một số phương thức huy động nguồn vốn ngoài ngân sách bước đầu được triển khai nhưng phạm vi chưa rộng và quy mô không lớn... 

Nhiệm kỳ mới 2015-2020, Đảng bộ và nhân dân huyện Quảng Ninh sẽ tiếp tục tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo sự đột phá trong CN, TTCN, dịch vụ; phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với hoàn thành xây dựng nông thôn mới. 

Với truyền thống đoàn kết, bản lĩnh chính trị vững vàng, tranh thủ sự giúp đỡ có hiệu quả của tỉnh và Trung ương, tin tưởng rằng, 5 năm tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quảng Ninh sẽ thực hiện thắng lợi những mục tiêu kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, đưa Quảng Ninh phát triển lên một tầm cao mới.

Hương Trà