.

TP Đồng Hới: Huy động sức mạnh tổng hợp trong PCCC rừng

Thứ Sáu, 23/05/2014, 08:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Đến nay, độ che phủ rừng của thành phố đạt gần 50%, đặc biệt, rừng ở Đồng Hới không những có giá trị về kinh tế-quốc phòng mà còn có tác dụng to lớn trong việc điều hòa khí hậu, chống xói mòn, chống cát bay và giữ gìn nguồn nước phục vụ cho đời sống của nhân dân thành phố. Vì vậy, công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) là một nhiệm vụ hết sức quan trọng luôn được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và nhân dân sống ven rừng quan tâm và đặt lên hàng đầu.

Hiện TP. Đồng Hới có diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 7.536ha, chiếm 50% tổng diện tích đất rừng tự nhiên, trong đó rừng tự nhiên là 1.781,5ha, rừng trồng là 4.541ha và đất lâm nghiệp chưa có rừng là 1.106ha.

Trên địa bàn TP. Đồng Hới có 10 xã, phường có rừng, trong đó 6 xã, phường nằm ở phía tây và tây bắc thành phố. Bước vào mùa khô từ tháng 4 đến tháng 10, nhất là cao điểm từ tháng 6 đến tháng 8, Đồng Hới chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió tây nam khô nóng, nhiệt độ thường xuyên từ 36 độ C trở lên nên đây thường là thời điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Điển hình như vào tháng 8 năm 2013, đã xảy ra 1 vụ cháy rừng lớn tại xã Bảo Ninh trên diện tích rừng do BQL rừng phòng hộ quản lý với diện tích thiệt hại là 7,5ha.

Đáng nói, sau cơn bão số 10 năm 2013, thành phố có gần 1.300ha cây bị gãy đổ, chủ yếu tập trung ở vùng rừng tự nhiên, vùng rừng trồng và khu vực rừng trồng ven biển. Các chủ rừng đã tiến hành khai thác tận thu theo chủ trương của tỉnh, vì vậy, lượng thực bì bao gồm cả cành, nhánh sau khi khai thác còn tại rừng nhiều. Hơn nữa, do tiến độ khai thác chậm dẫn đến việc xử lý thực bì không hiệu quả, đến nay việc xử lý thực bì của các chủ rừng mới đạt khoảng 80% nên khi có nắng nóng rất dễ bắt lửa. Cùng với đó, khu vực rừng trồng ven biển của 3 xã, phường là Hải Thành, Quang Phú và Bảo Ninh diện tích khoảng gần 1.000ha, trong đó chủ yếu là cây phi lao cũng có nguy cơ cháy cao do tồn tại nhiều trảng cây cỏ và rười khô.

Để chủ động phòng ngừa nguy cơ cháy rừng khi bước vào mùa khô 2014, thành phố đã có phương án tổng thể về BVR và PCCCR nhằm chủ động phòng ngừa, hạn chế mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra góp phần giữ vững tài nguyên môi trường, bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân.

Lực lượng Kiểm lâm kiểm tra và phát dọn thực bì trước khi bước vào mùa khô.
Lực lượng Kiểm lâm kiểm tra và phát dọn thực bì trước khi bước vào mùa khô.

Theo đó, xác định phương châm PCCCR lấy phòng làm chính, UBND các phường, xã và các chủ rừng trọng điểm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý thức PCCCR nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác PCCCR đối với cán bộ, công nhân viên, đặc biệt đối với các đơn vị chủ rừng và các hộ gia đình trồng các loại cây có nguy cơ cháy cao và người dân sinh sống khu vực ven rừng, nhắc nhở mọi người trong việc quản lý sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, tránh việc đốt cỏ, rác, nhóm lửa tại đơn vị, hộ gia đình góp phần đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng. Đi đôi là kiện toàn 15 Ban chỉ huy những vấn đề cấp bách trong công tác PCCCR từ thành phố đến cơ sở, củng cố 42 tổ đội BVR-PCCCR ở thôn, tổ dân phố và các chủ rừng với gần 500 thành viên tham gia làm nòng cốt.

Song song, thành phố tập trung triển khai phối hợp với Hạt Kiểm lâm thành phố, tham mưu cho Ban chỉ đạo những vấn đề cấp bách trong bảo vệ và PCCCR về những nội dung văn bản và yêu cầu các xã, phường tập trung vào một số mặt công tác trọng tâm như: rà soát, bổ sung và chỉnh lý các phương án chữa cháy rừng trọng điểm của địa phương, nhất là các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao như: Hải Thành, Bảo Ninh, Thuận Đức...; chú ý tổ chức huy động lực lượng, phương tiện của các đơn vị được dự kiến huy động trong phương án chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời phổ biến nội dung phương án chữa cháy rừng đến tất cả các lực lượng tham gia chữa cháy rừng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy rừng ít nhất 1 lần trước mùa khô theo đúng quy định.

Cùng với đó, thành phố yêu cầu các chủ rừng kiểm tra, phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa theo hướng dẫn kỹ thuật hiện hành đối với các khu rừng có nguy cơ cháy cao; tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác nhằm phát hiện sớm các điểm cháy rừng; thực hiện đầy đủ và kịp thời các biện pháp PCCCR ứng với các cấp dự báo cháy rừng; kiểm tra, sửa chữa, mua sắm bổ sung các phương tiện, dụng cụ PCCCR cho phù hợp với địa hình và từng loại rừng. Đặc biệt, các đơn vị, cơ sở và các chủ rừng đã chủ động xây dựng phương án PCCCR trong phạm vi quản lý phù hợp với tình hình thực tế và tổ chức thực tập phương án chữa cháy rừng với quy mô phù hợp.

Tuy nhiên, hiện nay công tác BVR-PCCCR trên địa bàn TP. Đồng Hới vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, nên những năm qua vẫn còn xuất hiện một số điểm lửa. Đáng chú là liên tiếp trong 2 năm 2012 và 2013, Đồng Hới đã xảy ra 2 vụ cháy rừng gây thiệt hại lớn. Qua thực tế cho thấy, tồn tại hiện nay là công tác phối hợp giữa lực lượng tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các chủ rừng và nhân dân địa phương về công tác PCCCR, kiểm tra hệ thống giao thông, nguồn nước, lực lượng, phương tiện tại chỗ còn chưa chặt chẽ và nghiêm túc.

Công tác tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân tham gia Luật PCCC và Nghị định 09/2006/NĐ-CP, ngày 16-1-2006, của Chính phủ quy định về PCCCR tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa thật sự quyết liệt và vẫn còn mang tính hình thức, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương. Việc chuẩn bị phương án chữa cháy rừng trên địa bàn có huy động của nhiều lực lượng tham gia còn gặp nhiều khó khăn, nhất là giữa chủ rừng với các địa phương, các đơn vị đóng trên địa bàn chưa đồng bộ và còn lúng túng trong điều hành chỉ huy chữa cháy. Mặt khác, các đơn vị kinh doanh, sản xuất trong rừng, ven rừng chưa đầu tư nhiều cho công tác PCCCR một cách thỏa đáng như: xây dựng công trình PCCCR, đường băng cản lửa, dụng cụ và phương tiện chữa cháy rừng...

Trong khi đó, các cấp, các ngành có liên quan cũng chưa xử lý kịp thời và nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm về PCCCR để giáo dục, răn đe, ngăn chặn các hành vi gây cháy rừng.
Để công tác PCCCR đạt hiệu quả cao thì cùng với việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn, chính quyền địa phương và nhân dân sống trong rừng, ven rừng là việc thực hiện đồng bộ các biện pháp tăng cường bảo đảm an toàn PCCCR trên địa bàn nhằm góp phần quan trọng trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên rừng quý giá, đồng thời thiết thực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đồng Hới.

N.L