.

Đến với Thác Bụt-Giếng Tiên

Thứ Sáu, 11/11/2016, 09:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Với tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và tâm linh, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt quy hoạch khu du lịch sinh thái Thác Bụt - Giếng Tiên. Nếu khu du lịch này tiếp tục được đầu tư xây dựng, khai thác sẽ là điểm dừng chân lí tưởng của du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Minh Hóa.

Truyền thuyết xưa

Theo những bậc cao niên ở huyện Minh Hóa kể lại, ngày xưa, có 2 anh em nhà nông ở làng Yên Đức, xã Yên Hoá đi tìm mật ong trên lèn Ông Ngoi. Lên đến đỉnh họ gặp một giếng nước trong vắt, cạnh giếng có một cây quýt trĩu quả. Dưới bóng cây râm mát có 12 hòn đá giống hình ông Bụt, bên cạnh có bàn đá bằng phẳng như bàn cờ tướng và trên đó có những quân cờ cũng bằng đá.

Hai anh em nghỉ ngơi, ăn quýt và ngắm nhìn những tượng đá. Thấy lạ, người anh dùng dây rừng buộc lấy một hòn đá và mang xuống núi. Đến thác Cún, họ dừng chân để tắm rửa. Nhưng lạ thay, khi tắm xong người anh đến nhấc tượng đá lên để mang về thì không sao nhấc nổi.

Bực mình vì tiếc công mang, anh ta liền dùng rựa ghè sứt môi tượng đá. Sau đó, hậu quả là dòng họ này trong nhiều đời liên tục đều có một người bị sứt môi. Khi tượng đá xuất hiện ở thác Cún chưa được bao lâu thì làng Yên Đức sinh ra nhiều dịch bệnh, chim muông, thú dữ về phá hoại mùa màng và bắt gia súc, gia cầm.

Thấy vậy, dân làng đã lập đàn khấn vái thì một người ứng đồng tự xưng là Bụt hiện đang ở thác và đòi lập đàn thờ. Nghe vậy, dân làng làm theo và tự nhiên dịch bệnh tiêu tan, mùa màng tươi tốt, nhà nhà trở lại yên ấm.

Từ đó, tại đàn thờ ở thác Cún hàng ngày có rất nhiều người đến cầu nguyện. Ở chỗ đặt tượng đá, dân làng dọn sạch cây bụi, làm một cái sàn nhỏ bằng gỗ bện dây rừng để đặt lễ vật khi cầu cúng. Lễ vật tùy tâm, có thể chỉ là miếng trầu, lá thuốc, xôi oản...nhưng phải thật tinh sạch.

Tiếng đồn về sự linh thiêng của Bụt và sự đắc nghiệm sau khi cầu khấn đã lan ra các huyện, các tỉnh lân cận đã thu hút người khắp nơi kéo về nườm nượp. Thác Cún trở nên chật chội và bất tiện cho việc cầu cúng nên dân làng Yên Đức đã góp tiền, góp gạo thuê dựng chùa Tú Vàng ở phía nam dốc Cảng cho gần làng hơn để tiện việc tế lễ. Có chùa nhưng không có sư mà chỉ có các ông sãi, ông từ coi giữ, quét dọn và làm lễ cầu cúng cho mọi người.

 Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện và người dân dâng hương tại Thác Bụt.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện và người dân dâng hương tại Thác Bụt.

Lúc đầu, lễ cầu cúng được thực hiện liên tục hàng ngày, sau đó để thuận lợi hơn cho mọi người, dân làng đặt ra lệ chỉ làm lễ cầu nguyện chung mỗi năm một lần vào ngày Rằm tháng ba cho đến nay. Giờ đây, Thác Bụt - Giếng Tiên đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch khắp nơi. Người ta đến đây không những tham quan mà còn để cầu yên, cầu phúc, cầu lộc.

Điểm đến hấp dẫn

Trước những giá trị về tâm linh cũng nhưng giá trị của thiên nhiên ban tặng, tháng 8-2016, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2359/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch Khu du lịch sinh thái Thác Bụt, Giếng Tiên. Theo đó, khu vực lập quy hoạch có diện tích 37 ha thuộc các xã Hồng Hóa, Yên Hóa.

Trong đó phía Bắc giáp nhánh Khe Roòn, thôn Quảng Hóa, xã Hồng Hóa (cách cầu Tràn 150m), cách điểm Thác Bụt 350m; phía Tây cách đường Quốc lộ 12A (lèn Ông Ngoi) khoảng 50m; phía Đông cách khe Roòn khoảng 150m; phía Nam giáp núi cao, cách Giếng Tiên và thôn Tân Lợi, xã Yên Hóa khoảng 350m.

Hiện trong khu quy hoạch có lèn Ông Ngoi là một trong những điểm dừng chân lý thú. Lèn nằm sát Quốc lộ 12A, trên đỉnh lèn có chỗ đá bằng phẳng và một cái giếng nước rất trong mát, quanh năm không bao giờ cạn. Cạnh bên giếng có tảng đá to, hình dạng giống cây cam. Xung quanh khu vực này là những cánh rừng, có nhiều loại cây to tỏa bóng mát quanh năm.

Khu vực khe suối gần nơi thờ Bụt có hình thái quanh co, uốn lượn rất đẹp. Chiều dài của suối trong khu vực quy hoạch dài khoảng 3km, rộng từ 15 đến 40m. Dọc khe suối là hệ thống đá cuội, đá tảng tự nhiên có hình thù rất đẹp, xen lẫn với hệ thống cây xanh rất phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái.

Bên cạnh đó là yếu tố con người, dân cư. Người dân xã Yên Hóa, Hồng Hóa quanh năm sản xuất nông nghiệp, hiền hòa chất phát và mến khách... Ông Trương Quốc Toán, trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Minh Hóa cho biết: “Việc quy hoạch khu du lịch sinh thái Thác Bụt - Giếng Tiên nhằm khai thác giá trị văn hóa tâm linh bản địa và cảnh quan tự nhiên, tổ chức các dịch vụ về văn hóa tâm linh, dịch vụ nghỉ ngơi, giải trí sinh thái, ẩm thực, công viên, khám phá cảnh quan cũng như tìm hiểu văn hóa bản địa. Sau khi quy hoạch, xây dựng xong, Thác Bụt - Giếng Tiên sẽ là nơi tổ chức kết nối, bố trí các chức năng du lịch sinh thái phù hợp với cảnh quan tự nhiên”.

Theo quy hoạch, khu du lịch Thác Bụt – Giếng Tiên có 4 khu vực. Trong đó, khu vực tổ chức các loại hình dịch vụ du lịch động được bố trí tại phía Bắc, có các chức năng phục vụ du khách như khu tiếp đón, ẩm thực sinh thái, trưng bày nghệ thuật - lễ hội, công viên nước. Các công trình xây dựng chủ yếu một tầng, có mái phù hợp với cảnh quan thiên nhiên hiện có, ưu tiên sử dụng vật liệu địa phương và thân thiện với môi trường.

Khu vực tổ chức các loại hình dịch vụ du lịch tĩnh được bố trí tại trung tâm khu du lịch, có các chức năng phục vụ du khách mang nét riêng biệt của du lịch sinh thái gồm: công viên tâm linh, khu vực Thác Bụt, công viên sinh thái ven khe đá, khu Giếng Tiên. Khu vực dịch vụ du lịch bản địa là khu vực du khách trải nghiệm không gian sinh hoạt, văn hóa, sản xuất của người dân địa phương, lấy cộng đồng dân cư đang sống ở đây để phát triển các dịch vụ du lịch, tổ chức các chức năng dịch vụ nghỉ dưỡng gắn kết với hoạt động sản xuất.

Khu vực bảo tồn thiên nhiên sinh thái là không gian cảnh quan tự nhiên được tổ chức bảo tồn xung quanh khu du lịch với các chức năng: Đất rừng nguyên sinh, đất sông suối và khu bảo tồn phát triển các nguồn động vật quý hiếm, khuyến khích trồng rừng chọn cây bản địa như cây lội, cây mưng...

Giờ đây, Thác Bụt - Giếng Tiên đang là điểm thu hút khách hấp dẫn, nhất là vào dịp Rằm tháng ba âm lịch hay các dịp nghỉ lễ. Những ngày đó, khách du lịch đến đây rất đông để dâng hương Bụt, vãn cảnh, cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất. Và chắc chắn nơi đây sẽ còn đón nhiều khách du lịch hơn nữa nếu khu du lịch này tiếp tục được đầu tư xây dựng, khai thác tốt tiềm năng vốn có.

Xuân Vương