.

Ký ức tên làng - Bài 2: Giữ tên làng là giữ di sản

Thứ Hai, 12/09/2016, 08:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Khi đặt vấn đề giữ gốc gác, tên tuổi cho các làng quê, nghĩa là chúng ta đang thừa nhận tên làng xã ở Quảng Bình đang đối diện với những thách thức ghê gớm của sự lãng quên. Và sự thật đó đang hiển hiện từng ngày khi tên làng cũ đang dần được thay thế bằng những tên mới hoặc được đơn giản hóa bằng những con số khô khan.

>> Bài 1: Tên làng trong ký ức

“Số hóa” tên làng

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Long (TDP 1, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh) cứ trăn trở mãi: “Rồi mai này, con cháu chúng tôi có biết được gốc gác quê hương của chúng hay không?”. Nỗi niềm của ông cụ ở tuổi 80 ấy cũng có lý do bởi theo ông kể, xưa kia, quê quán của ông thuộc làng Văn La (xã Lương Ninh), nhưng qua quá trình chia tách các đơn vị hành chính, xóm nhỏ thuộc Văn La trở thành tổ dân phố 1, thị trấn Quán Hàu. Vậy là nghiễm nhiên, đối với người dân nơi đây, cái tên làng Văn La chỉ tồn tại trong hoài niệm.

" Làng Vĩnh Lộc xưa kia nay đã chia tách thành thôn Vĩnh Lộc (Quảng Lộc) và thôn Hợp Hòa (Quảng Hòa) nhưng dẫu khi địa giới hành chính đã khác, thì mỗi khi có việc làng hay lễ Kỳ phúc vào rằm tháng 6 hằng năm, người hai thôn vẫn cùng chung tay, góp sức.

Bởi từ sâu thẳm, người Vĩnh Lộc và Hợp Hòa hôm nay vẫn tự hào với truyền thống và kiêu hãnh với tên gọi làng Vĩnh Lộc xưa. Bởi với họ, nhắc đến tên làng là nhắc đến văn hóa. Và giữ văn hóa cũng là cách để họ giữ làng!"

Ông cụ bảo: “Không chỉ riêng tôi, mà phần đông người dân nơi đây chỉ mong chính quyền đồng ý đổi tên thành TDP 1 Văn La như một số địa phương khác. Tên làng có giá trị tinh thần nhiều lắm cháu ạ. May mắn thay, làng Văn La vẫn còn đó, nên một bộ phận dân làng như bác đã sáp nhập với thị trấn vẫn có thể trở về hội làng, nhưng liệu rằng thế hệ con cháu về sau chúng có còn làm được như vậy hay không?”.

Trong những biến động của lịch sử, vì nhiều nguyên nhân hay do tách, nhập làng mới nên nhiều tên làng đã bị thay đổi. Một số làng thay chữ đầu hay chữ cuối hoặc thay đổi hoàn toàn bằng tên mới, cũng có những tên làng được tách ra và được “số hóa” thành xóm 1, 2, 3... cho dễ sử dụng.

Trường hợp “số hóa” tên làng trở nên phổ biến, nhất là với những địa phương đã từ làng lên phố. Làng Cao Lao Hạ xưa nay đã chia tách thành nhiều thôn (thuộc xã Hạ Trạch – PV), được đánh số thứ tự để phân biệt giữa các đơn vị hành chính.

May mắn rằng mảnh đất này còn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của làng Cao Lao Hạ xưa nên con cháu vẫn khó lòng quên đi gốc gác của mình. Có điều mảnh đất giàu truyền thống này sẽ trở nên xa lạ và dễ dàng bị trộn lẫn với những miền quê khác nếu khách thập phương không cố công tìm hiểu.

Trường hợp tương tự cũng xảy ra ở làng Quảng Cư (nay thuộc thị trấn Kiến Giang) khi địa bàn này nay đã được chia tách thành các TDP và được phân biệt theo số thứ tự khô khan. Một bậc cao niên làng Quảng Cư xưa khẳng định với chúng tôi rằng tên làng nào cũng vậy, nó biểu đạt tình cảm sâu sắc, không thể theo trào lưu đô thị hóa mà thay thế nó bằng những con số cứng nhắc, vô cảm.

Tên làng là di sản

Theo nhà nghiên cứu Văn Tăng, mong muốn của nhân dân nhiều làng xã là giữ lại tên làng xưa đính kèm theo danh xưng ngày nay. Điều đó xuất phát từ việc họ muốn giữ cho con cháu mình một phần hiểu biết sâu xa về gốc gác, nguồn cội.

“Đúng là nếu gọi bằng TDP 1, 2, 3 thì đơn giản hơn nhiều, nhất là trong các văn bản viết, thế nhưng, sự thuận tiện đó đồng nghĩa với việc, nếu đời trước không gìn giữ thì đời sau không thể biết được gốc gác mình là đâu. Nhất là khi mỗi tên đất, tên làng đều hàm chứa một ý nghĩa tốt đẹp”, ông Văn Tăng trăn trở.

Cây đa trăm tuổi-một trong những địa chỉ hiếm hoi còn lại gợi nhắc đến làng Thuận Lý xưa của Đồng Hới.
Cây đa trăm tuổi-một trong những địa chỉ hiếm hoi còn lại gợi nhắc đến làng Thuận Lý xưa của Đồng Hới.

Ông cũng khẳng định, cùng với các giá trị văn hóa làng khác, tên làng cũng chính là di sản, mà đã là di sản thì phải được gìn giữ, bảo tồn. Một số tên làng cũ nay đã mất hẳn ví như làng Trung Trinh thuộc Lương Ninh ngày trước nay chỉ được biết đến là TDP 6, 7 thị trấn Quán Hàu. Cái tên nhiều ý nghĩa ấy chỉ còn tồn tại trong ký ức của những “người muôn năm cũ”.

Trong tờ trình của UBND tỉnh tại kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh khóa XVII nêu rõ: Một số thôn được tách ra từ thôn lớn (làng) trước đây tạo nên sự phân tán ngay trong một thực thể thống nhất đã tồn tại lâu đời, không phát huy được sức mạnh truyền thống, phong tục tập quán của làng và sự đoàn kết của cộng đồng. Do vậy, việc sáp nhập, hợp nhất thôn, tổ dân phố là cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý. Việc đổi tên thôn, tổ dân phố là phù hợp với truyền thống và phong tục tập quán đã có từ lâu đời.

Sau khi có chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Nội vụ, các huyện, thành phố, thị xã đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có huyện Bố Trạch và thành phố Đồng Hới thực hiện đầy đủ các bước thủ tục và đã được HĐND tỉnh phê duyệt cho việc sáp nhập, đổi tên các địa phương.

Nguyện vọng của phần đông người dân Đồng Hới đã được thực hiện khi một số tổ dân phố đã được đặt lại tên cũ như tổ dân  phố 1 và 2, phường Hải Đình đổi tên thành tổ dân phố Đồng Hải; TDP 9, phường Bắc Nghĩa đổi tên thành TDP 2 Mỹ Cương; thôn 8, xã Nghĩa Ninh đổi thành thôn Ba Đa...

Thế đất và ước vọng con người sinh tên làng. Và “tên làng làm sang tên nước”. Tên làng là bản sắc, là cội nguồn và tồn tại mãi mãi trong không gian cùng thời gian, trong tâm tưởng của mỗi con người. Lẽ đương nhiên, một khi đã là bản sắc thì phải gìn giữ và lưu tâm!

Diệu Hương