.

Tiếp cận một nền văn hóa - Kỳ 2: Gìn giữ cho muôn đời sau

Thứ Tư, 13/08/2014, 07:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Đến nay, văn hóa Chămpa đã không còn là một bộ phận tồn tại độc lập mà đã hòa chung vào dòng chảy của văn hóa dân tộc. Người Việt đã “hợp thức hóa" khá mềm dẻo, khôn ngoan, biến hóa cái của tiền chủ thành cái của hậu chủ làm đa dạng, phong phú cho vốn liếng di sản của Việt Nam nói chung và mảnh đất Quảng Bình nói riêng.

>> Kỳ 1: Lần theo phế tích

Nỗ lực từ địa phương

Một điều đáng mừng trong chuyến điền dã đến các địa chỉ di tích Chăm trên đất Quảng Bình của chúng tôi đó là trong khi hầu hết các di tích chỉ còn là những phế tích mờ nhạt thì thành Lồi Cao Lao Hạ (hay còn gọi là thành Khu Túc, thành Kẻ Hạ, thuộc địa phận xã Hạ Trạch, Bố Trạch) vẫn còn khá nguyên trạng.

Điều đặc biệt, theo một cán bộ văn hóa xã Hạ Trạch đi cùng thì hàng chục năm nay, người dân địa phương đã tận dụng diện tích phía bên trong thành để trồng lúa và một số cây nông nghiệp khác. “Hiệu quả sản xuất nông nghiệp ngay trên chính diện tích thành đạt khá cao, không chỉ mới đây mà nhiều năm nay đã vậy rồi”, ông cán bộ xã tự hào khoe.

Từ những năm đầu thế kỷ trước, các học giả người Pháp đã bước đầu chú ý đến thành lồi Cao Lao Hạ. Theo học giả L.Cadière mô tả thì “Đồn này hình vuông, mỗi cạnh khoảng 200m, tường của đồn này dày khoảng 2m - 3m ở phía trên, cao 2m. Phía ngoài của bức tường có một dải đất rộng 3m chạy vòng quanh lũy...”.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng khẳng định rằng, khu thành nằm ở bờ Nam sông Gianh này là khu chính trị, kinh tế, văn hóa của nhà nước Lâm Ấp (nhà nước của người Chăm-PV) ở phía Bắc và đồng thời cũng là nơi đồn trú của lực lượng quân đội Lâm Ấp làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biên viễn trước sự đe dọa thường xuyên của các thế lực phương Bắc.

Công trình thành lũy ấy là minh chứng sự tài hoa của người xưa qua kiến trúc, qua cách xây dựng, đó là tinh hoa, là dấu ấn văn hoá đặc sắc, độc đáo của cư dân Chămpa trên đất Quảng Bình. Và về sau, trong quá trình Nam tiến, người Việt đã có khi tái sử dụng chúng trong điều kiện nhân - vật - lực hạn hẹp buổi ban đầu như cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn (1627-1672).

Từ đó cho đến nay, trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, sự bào mòn của thời gian, khu thành Cao Lao Hạ đã biến đổi đi ít nhiều. Trong quá trình canh tác, sử dụng, nhiều thế hệ người Việt đã bồi đắp, thay đổi nhưng xét đến cùng, khu thành này vẫn còn mang dáng dấp của một bức tường thành mang sứ mệnh bảo vệ vùng biên viễn thuở xa xưa. Để có cơ sở cho việc bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị khảo cổ học phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu về lịch sử văn hóa Chămpa, ngày 13 tháng 12 năm 2012, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định số 3074/QĐ-CT xếp hạng di tích lịch sử đối với thành Lồi Cao Lao Hạ.

Suốt nhiều năm qua, chính quyền và nhân dân xã Hạ Trạch cũng đã có nhiều nỗ lực góp phần gìn giữ di tích đặc biệt này. Tuy nhiên, để nơi đây thực sự là một điểm đến hấp dẫn với khách du lịch, là địa chỉ để giáo dục về nguồn bổ ích cho các thế hệ sau thì đòi hỏi cần sự bắt tay, giữ gìn, hợp tác dài hơi từ các cấp chính quyền và nhân dân xã nhà.

... Đến những nhà chuyên môn

Một đồng nghiệp của tôi tại báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, những bức tượng Chăm cổ của Quảng Bình khá nổi bật và thu hút sự chú ý của khách tham quan bởi nét đẹp tinh tế, độc đáo.

Bảo vật Quốc gia-Tượng Avalokitesvara Đại Hữu (An Ninh, Quảng Ninh) được trưng bày tại bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)
Bảo vật Quốc gia-Tượng Avalokitesvara Đại Hữu (An Ninh, Quảng Ninh) được trưng bày tại bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu

Trải qua nhiều cuộc khảo cổ, hàng trăm mẫu cổ vật của người Chăm đã được tìm thấy như các dụng cụ sản xuất, đồ gốm và đặc biệt là các bức tượng, phù điêu. Để có được một kho tư liệu quý giá ấy, phải kể đến công sức của biết bao thế hệ các nhà khảo cổ, những người nghiên cứu lịch sử, cán bộ bảo tàng ngày ngày vẫn lặng thầm đi tìm tòi, sưu tầm hiện vật.

Những đôi bàn chân của họ cứ mải miết đi về các miền quê, đến các địa chỉ từng được coi là “Thánh địa Chăm” của Quảng Bình để tìm kiếm cổ vật. Và công sức tìm tòi, niềm đam mê không mệt mỏi của những con người ấy đã được đền đáp xứng đáng khi nhiều cổ vật được tìm thấy có ý nghĩa lớn trong việc góp phần nghiên cứu một nền văn hóa Chăm rực rỡ một thời.

Trong số đó, pho tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng thạch cao được tìm thấy tại Mỹ Đức (Sơn Thủy, Lệ Thủy) được coi là kiệt tác của nền điêu khắc Chăm, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Guimet (Pari, Pháp). Bức tượng bằng đồng Avalokitesvara Đại Hữu được tìm thấy tại An Ninh (Quảng Ninh) đã được công nhận là Bảo vật quốc gia vào cuối năm 2013 vừa qua.

Ông Tạ Đình Hà (nguyên trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, sở VH-TT-DL) và bà Trần Thị Diệu Hồng (trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình) là những người có nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu các hiện vật văn hóa Chăm. Trong các cuộc khảo cứu của mình, họ đã tìm thấy hàng trăm mẫu cổ vật Chăm, phục vụ hữu ích cho công tác nghiên cứu văn hóa Chămpa tại địa phương. Nhắc đến những chuyến thực địa tại cơ sở để tìm kiếm hiện vật Chăm, họ không thể quên chuyến đi về xã Liên Trạch (Bố Trạch) cách đây gần chục năm.

Khi đó, đoàn nghiên cứu đã tìm thấy một vò gốm Chăm đựng tiền xu, phía trên được đậy kỹ bằng một chiếc đĩa của đời Lý Trần. Đó là minh chứng cho sự giao thoa của các nền văn hóa, khẳng định rằng những thế hệ người Việt về sau đã biết tận dụng và phối hợp khá mềm dẻo những tinh hóa của nền văn hóa Chămpa. “Mỗi hiện vật cổ được tìm thấy không hẳn là vô tri, mà tự thân nó đã mang trong mình nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, đòi hỏi người hậu thế phải nghiên cứu, tìm tòi”, bà Trần Thị Diệu Hồng chia sẻ.

Nền văn hóa Chămpa rực rỡ một thời là mảnh đất màu mỡ để những thế hệ các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử tại địa phương thỏa sức tìm tòi, khám phá. Các di tích văn hóa Chăm trên mảnh đất Quảng Bình được rất nhiều những nhà nghiên cứu nhắc đến như trong cuốn “Những nét đẹp văn hóa cổ truyền” của cụ Nguyễn Tú, “Địa chí Quảng Bình” của TS Nguyễn Khắc Thái, “Quảng Bình thời khai thiết” của TS Phan Viết Dũng... Bằng những công trình nghiên cứu dày công tìm tòi, những con người làm công việc lặng thầm ấy đã, đang và sẽ giúp cho thế hệ sau tiệm cận với nền văn hóa một thời quá vãng.

Còn những khó khăn

Theo TS Nguyễn Khắc Thái, với thực trạng còn khá mờ nhạt của các di tích văn hóa Chămpa như hiện nay thật khó xây dựng được hồ sơ hoàn chỉnh về phế luỹ Lâm Ấp, lũy cũ Hoàn Vương nói riêng và các di tích Champa ở Quảng Bình-miền Trung nói chung; việc bóc tách một cách rạch ròi tính chiến lược của các thế hệ chủ nhân ở đây, do vậy cũng rất khó khăn, tất cả chỉ dừng lại ở những giả thiết có cơ sở, có sức thuyết phục nhất. Nhiều thư tịch cổ để lại cũng có nhiều điểm không thống nhất nên việc nghiên cứu các giá trị văn hóa Chăm sẽ là một chặng đường dài hơi, vất vả.

Thực tế cho thấy, các di tích của nền văn hóa Chămpa ở tỉnh ta còn lại trên mặt đất không nhiều. Phần lớn là các phế tích, thậm chí có những di tích bị mất dấu hoàn toàn trên thực địa. Chính bởi “sự không hiện hữu” đó, mà ở một số địa phương, phần lớn người dân đều có những hiểu biết khá mờ nhạt về tầng tầng, lớp lớp chiều sâu văn hóa ngay chính mảnh đất mình đang sống.

Những cán bộ bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình chia sẻ rằng, trong những cuộc đi sưu tầm cổ vật nói chung và cổ vật Chăm nói riêng, họ gặp không ít trường hợp người dân đào được cổ vật nhưng thuyết phục họ bàn giao lại cho Bảo tàng là việc hết sức khó khăn. Phải chăng chính người dân cũng chưa ý thức được rằng một hiện vật của quá khứ không chỉ mang giá trị vật chất mà quan trọng hơn là chứa đựng cả một bề sâu văn hóa, góp phần giúp thế hệ sau nghiên cứu, hiểu hơn lịch sử dân tộc mình?

Một đền tháp, một thành lũy hay một di vật Chămpa quý giá biến mất trên thực tế là một điều đáng ngại nhưng đáng ngại hơn cả là chúng cũng biến mất luôn trong cả tâm trí của con người. Khi đó, những nỗ lực cứu vãn sẽ trở nên vô vọng. Chính vì thế, ngay từ lúc này, việc nghiên cứu các di tích văn hóa Champa dù ở mức độ nào cũng hết sức cấp bách và cần thiết. Để cho những giá trị văn hóa cổ xưa nói chung và giá trị văn hóa Chămpa nói riêng thực sự trở thành một mạch nguồn len lỏi mạnh, thấm sâu vào đời sống thì cần cả một quá trình mà ở đó, mỗi người, mỗi nhà, mỗi cấp ngành phải thực sự nỗ lực để cùng bắt tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Đánh giá giá trị văn hóa Chăm ở Quảng Bình, TS Nguyễn Khắc Thái cho rằng những giá trị văn hóa Chăm lúc bấy giờ chính là lá chắn hữu hiệu chắn lại quá trình Hán hóa từ Bắc vào Nam, thanh lọc văn hóa Hán, bảo tồn văn hóa Việt.

Khi dời đi, người Chăm để lại trên mảnh đất Quảng Bình không chỉ các giá trị văn hóa vật chất (đền, đồ gốm...) mà còn vô vàn những kinh nghiệm, tri thức về quân sự, kinh tế, cách thức chế biến sản phẩm lâm nghiệp, đồ gốm, hàng thủ công mỹ nghệ...

Đến nay, người Việt ở hậu thế vẫn còn giữ lại cách tổ chức sản xuất lúa nước của người Chăm xưa với giống lúa chịu hạn tốt, mà tại một số địa phương thường gọi là lúa vụ Chiêm.

Diệu Hương