.

Huyền bí Phong Nha-Kẻ Bàng - Kỳ 6: Rừng bách xanh 500 năm tuổi

Thứ Hai, 04/08/2014, 07:32 [GMT+7]

Ngoài hang động, Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng còn chứa đựng nhiều giá trị động thực vật vô cùng quý giá mà không một nơi nào trên thế giới có được.

>> Huyền bí Phong Nha-Kẻ Bàng - Kỳ 5: Thái tử Ả Rập mê Sơn Đoòng

>> Huyền bí Phong Nha-Kẻ Bàng - Kỳ 4: Những người có duyên với hang động

>> Huyền bí Phong Nha-Kẻ Bàng - Kỳ 3: Những phát hiện chấn động

>> Huyền bí Phong Nha-Kẻ Bàng - Kỳ 2: Mê cung Phong Nha

>> Huyền bí Phong Nha-Kẻ Bàng - Thiên đường trên trái đất

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB) có diện tích 123.326 ha. Theo Ban quản lý vườn, độ che phủ của rừng lên đến 93,6%, diện tích rừng nguyên sinh đạt trên 83,7%, được đánh giá là một trong 200 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới.

Những điều tra bước đầu đã thống kê được vườn có 193 họ, 906 chi, 2.651 loài thực vật bậc cao có mạch. Có 116 loài thực vật bị đe dọa được ghi trong danh sách đỏ của VN và thế giới.

Điều kiện tự nhiên và sự phong phú của địa chất địa mạo đã tạo cho PN-KB có 15 kiểu sinh cảnh rộng lớn với 10 kiểu thảm thực vật. Cái khác biệt của PN-KB ở chỗ tồn tại kiểu rừng kín thường xanh nhiệt đới trên núi đá vôi ở độ cao trên 700 m với diện tích 22.500 ha. Đây được đánh giá là kiểu rừng độc đáo ở VN và trên thế giới.

Trong quần thể này, nổi bật lên là khu rừng bách xanh núi đá trên 500 năm tuổi. Được biết, để phát hiện ra quần thể bách xanh này, cán bộ của vườn và các nhà khoa học đến từ Nga đã rong ruổi, leo trèo qua các rặng núi đá hơn 2 tháng trời và họ hết sức ngỡ ngàng trước những thân bách to lớn có đường kính từ 1 - 1,5 m, cao 20 - 30 m sừng sững bám chặt vào đá tạo nên quần thể lớn chưa từng thấy. Đó là một phát hiện có ý nghĩa toàn cầu bởi trước đó mới chỉ ghi nhận được 3 loài bách xanh trên thế giới. Tại VN có rải rác vài cá thể bách xanh trên núi đất ở các tỉnh phía bắc, và giờ PN-KB sở hữu loài thứ 4 trên núi đá với diện tích lớn có thể lên đến trên 5.000 ha, tập trung dày đặc thì khoảng 2.500 ha.

Bách xanh núi đá - Ảnh: Vườn quốc gia PN-KB cung cấp
Bách xanh núi đá - Ảnh: Vườn quốc gia PN-KB cung cấp

Ngoài ra, vườn còn một diện tích lớn rừng thông nguyên sinh trên núi đá vôi. Các kiểu rừng này thuộc loại đang bị diệt vong trầm trọng, phần lớn đã bị tuyệt chủng trên toàn thế giới. Rừng thông này ở PN-KB đa số là Calocedrus rupestris, một loài đặc hữu hay gần đặc hữu mọc thuần loại, nhiều cây có tuổi trên 500 năm. Kiểu rừng này có mức độ đa dạng thực vật cực kỳ cao với nhiều loài đặc hữu. Đặc biệt, người ta cũng đã tìm thấy không những chỉ 1 mà đến 3 loài lan hài là: lan hài đốm, lan hài xanh và lan hài xoắn. Loài lan này mang vẻ đẹp kiêu sa và giá trị kinh tế rất cao, Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên thế giới đã xếp nó vào diện bị diệt vong phần lớn và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Nhiều loài thú quý hiếm

PN-KB là nơi sinh sống của 113 loài thú lớn, nổi bật nhất là hổ và bò tót, bò rừng ở đó cũng thuộc loại lớn nhất thế giới; có 302 loài chim, trong đó có 35 loài nằm trong sách đỏ VN và 19 loài nằm trong sách đỏ thế giới; 81 loài bò sát lưỡng cư (18 loài trong sách đỏ VN và 6 loài trong sách đỏ thế giới); 259 loài bướm; 72 loài cá, trong đó có 4 loài đặc hữu VN. Năm 1996, đã phát hiện loài cá mới ở VN. Trong 3 loài cá ở PN-KB được ghi vào sách đỏ VN thì đã có 2 loài cá chình là cá chình hoa và cá chình mun.

Đây là nơi có cộng đồng linh trưởng phong phú bậc nhất Đông Nam Á. Linh trưởng có 10 bộ, chiếm 50% tổng số loài thuộc bộ linh trưởng ở VN, 7 loài nằm trong sách đỏ VN, đặc biệt là voọc Hà Tĩnh, sao la, mang.

Năm 2002, nhà khoa học Đức Thomas Zegler đã phát hiện một loài thằn lằn tai mới có tên là Tripidophrus Nogei tại vùng núi Karst thuộc khu vực Chà Nòi (H.Bố Trạch). Các nhà khoa học đã đặt tên loài này là thằn lằn Phong Nha - Kẻ Bàng. Qua khảo sát, các nhà khoa học Đức, Nga và VN đã phát hiện thêm 10 loài mới trong vườn quốc gia này, trong đó bao gồm 5 loài rắn, 5 loài tắc kè, thằn lằn, nhiều loài trong số mới phát hiện này là động vật đặc hữu ở đây. Các nhà khoa học cũng đã tìm thấy rắn lục đầu sừng tại PN-KB, loài mà người ta cứ đinh ninh đã biến mất cách đây gần 60 năm, nó cực độc nên có giá trị dược liệu cao và vì thế cũng bị săn đuổi ráo riết. Chưa hết, loài rắn lục Trường Sơn cũng được tìm thấy và được xem như “biệt loài” vì nó không nằm trong danh mục các loài rắn đã tìm thấy trước đó.

Từ nghiên cứu, khảo sát, Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã thế giới đã báo cáo có 4 loài ở PN-KB được xếp vào diện nguy cấp trên phạm vi toàn cầu là voọc Hà Tĩnh, voọc đen tuyền, voọc ngũ sắc và vượn đen má trắng.

Trong một quần thể phong phú đến thế, việc các loài thú hồn nhiên xuất hiện ra “chốn đông người” là chuyện thường ngày. Năm 2005, đàn bò tót đã xuất hiện ở bìa rừng…

Theo Trương Quang Nam (Thanh niên)