.

Chữ Bác Hồ giữa bản "bốn không"

Thứ Ba, 13/09/2016, 08:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Bản Sắt thuộc xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh không biết từ lúc nào được mọi người gọi là bản “bốn không”: không điện thắp sáng, không nước sạch, không trạm y tế và không sóng điện thoại. Đời sống đồng bào dân tộc Vân Kiều định cư tại bản hết sức vất vả, khó khăn. Nghèo khó nhưng không vì thế mà việc học con em mình bị xem nhẹ. Chữ Bác Hồ gieo nơi bản “bốn không” cũng chông chênh như con đường thầy cô giáo vào cắm bản. Ở đây, các cháu mầm non học trong ngôi nhà sàn cũ mượn của dân, học sinh tiểu học nhờ nhà văn hóa bản.

Lớp học mầm non mượn nhà dân

Cả bản có 33 hộ, 141 khẩu đều là người Vân Kiều, sống sâu giữa rừng, bà con chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp theo kiểu “chặt, đốt, cốt, trỉa” là chính. Cuộc sống thiếu thốn đã ảnh hưởng không nhỏ đến chuyện học hành của con em. Cơ sở vật chất trường lớp, đồ dùng dạy học tất cả đều tạm bợ, nhờ vào sự giúp đỡ của giáo viên cắm bản huy động từ dưới xuôi lên.

Theo chân Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trường Sơn cùng các giáo viên cắm bản, chúng tôi cắt rừng, vượt từng con dốc cao vời vợi để vào thăm đồng bào bản Sắt, thăm học sinh của bản khi dư âm những ngày khai giảng vẫn còn ẩn khuất đâu đó giữa đại ngàn. Cô giáo mầm non Mai Thị Hằng đón khách bằng lời giới thiệu: “Đây là năm thứ hai bản Sắt có lớp mầm non. Thương các cháu thiệt thòi, cô giáo đi bộ cắt rừng vào mượn nhà đồng bào thành lập lớp, huy động các cháu đến trường. Những ngày mới thành lập, cô giáo ở cùng bà con dân bản, kịp thời động viên trẻ đến lớp chuyên cần. Năm học 2016-2017, lớp mầm non bản Sắt có 16 cháu ở cả ba độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi”.

 Điểm trường tiểu học bản Sắt mượn nhà văn hóa bản
Điểm trường tiểu học bản Sắt mượn nhà văn hóa bản

Ngôi nhà sàn dùng làm lớp học dân bản cất lên từ rất lâu nên hiện tại xuống cấp trầm trọng, mái lợp tôn mục nát, chỉ cần một trận mưa rừng là dột khắp nhà. Những lúc như thế cô trò phải dồn cả vào một góc tránh mưa. Từng tấm gỗ mỏng che chắn quanh nhà mối mọt ăn dần, cô giáo vừa dạy vừa lo, sợ lúc các em chạy nhảy, trượt chân rơi xuống đất. “Khổ nhất là những ngày mùa đông, cửa sổ bị hỏng nên gió cứ thế thổi thông thốc vào lạnh buốt. Ở đây mùa đông rất khắc nghiệt, trẻ em phần lớn không được mặc ấm nên rét run, thương các cháu cũng không thể đóng cửa chính lại vì thiếu điện. Đóng lại nhà sẽ tối om” - cô giáo Mai Thị Hằng chia sẻ.

“Không chỉ lớp học xuống cấp, dụng cụ học tập và đồ chơi các cháu cũng rất thiếu thốn, nhưng bù lại trẻ em bản Sắt rất ham học, chăm ngoan, biết nghe lời các cô. Đó chính là động lực hết sức to lớn với chúng tôi, giáo viên cắm bản đặt những viên gạch móng đầu tiên cho trẻ Vân Kiều bản Sắt trong sự nghiệp trồng người” - cô giáo Hồ Thị Tuyết Minh, Hiệu phó Trường mầm non Trường Sơn cho biết.

Và học sinh tiểu học nhờ nhà văn hóa

Cách lớp học mầm non không xa là điểm trường tiểu học bản Sắt. Những năm trước đây, cắm bản dạy học chỉ có thầy giáo vì đường vào bản Sắt rất vất vả, qua những con dốc dựng đứng. Mùa mưa, mặt đường lầy lội, trơn trượt. Từ đường Hồ Chí Minh nhánh phía tây đi bộ vào bản mất gần 2 tiếng đồng hồ.

Năm học 2016-2017, điểm trường tiểu học bản Sắt có 24 học sinh, chia làm 2 lớp học ghép. Điểm trường có ba phòng học, trong đó một phòng dùng làm nơi ở và sinh hoạt cho hai cô giáo. Thiếu phòng học, các cô phải mượn tạm nhà văn hóa bản cho học sinh lớp 2 học. Vì là bản “bốn không” nên giáo viên phải soạn giáo án bằng đèn dầu hoặc dùng đèn pin đội lên đầu.

 Học sinh tiểu học bản Sắt.
Học sinh tiểu học bản Sắt.

Mùa khô nắng ráo cuối tuần các cô còn về nhà, tranh thủ lo chuyện gia đình. Mùa mưa lũ, cô giáo chấp nhận “bốn cùng” với đồng bào và học sinh của mình, đôi khi cả tháng không liên lạc được với gia đình.  Cô Trần Thị Hoa, giáo viên dạy lớp 4+5 tròn năm cắm bản Sắt dạy học nhớ lại: “Nhận quyết định tăng cường vào bản, lần đầu tiên đi bộ lại gặp mưa, các cô chân yếu, tay mềm trước cảnh đó ai cũng rơm rớm nước mắt. Thương học sinh, chị em chỉ biết động viên nhau. Bây giờ thì quen rồi”.

Ba tháng trước đây, đường vào bản Sắt được UBND xã Trường Sơn huy động nhân công sửa chữa lại, nay thành hình hài. Trời nắng ráo, xe máy cài số một vượt dốc cao cũng đến được bản.

“Một năm trở lại đây lớp học mầm non hình thành nên giáo viên dạy tiểu học cũng đỡ khó khăn phần nào vì trẻ em được tiếp xúc và học tiếng phổ thông trước khi vào lớp 1. Trước đây các thầy cô cắm bản rất khổ vì phải “dạy thêm ngoại ngữ tiếng Kinh” trước khi triển khai chương trình học”- cô Trần Thị Hoa vui chuyện.

Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Nguyễn Văn Sỹ trao đổi: “Bản Sắt là một trong nhiều bản đồng bào dân tộc khó khăn nhất của xã. Mặc dù Đảng bộ, chính quyền xã rất quan tâm đến việc đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, nhưng sự đầu tư này phải dàn trải đều ra cho tất cả các bản, vì thế bản Sắt vẫn gặp rất nhiều khó khăn, về đời sống nhân dân, về việc học hành cho trẻ... Hiện tại lớp mầm non chưa có phòng học. Điểm trường tiểu học thiếu phòng học nên phải mượn tạm nhà văn hóa bản. Khách quan nhìn nhận, cần phải có giải pháp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất điểm trường, lớp cho bản Sắt”.

Sẽ còn lắm gian nan về sự nghiệp trồng người ở bản Sắt- bản “bốn không” của xã Trường Sơn. Nhưng chữ Bác Hồ đã neo đậu trong tình cảm cô trò, dân bản, sẽ là nền móng vững chắc cho trẻ Vân Kiều bản Sắt xích lại gần hơn miền xuôi, vươn cao hơn, bay xa hơn.

Thanh Long - Hải Sâm