.
Chào năm học mới 2016-2017

Huy động các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục

Thứ Hai, 05/09/2016, 08:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Chào mừng ngày khai giảng năm học 2016-2017, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Đinh Quý Nhân, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) về những vấn đề liên quan đến việc triển khai nhiệm vụ năm học mới. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- PV: Thưa đồng chí, năm học 2015-2016, vượt lên muôn vàn khó khăn, ngành GD - ĐT Quảng Bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là một trong 11 tỉnh, thành trong cả nước được Bộ GD - ĐT tặng bằng khen. Để phát huy những kết quả đạt được, bước vào năm học mới 2016-2017, toàn ngành sẽ thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì ?

- Đồng chí Đinh Quý Nhân: Năm học 2016-2017 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW và Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 của Bộ GD - ĐT.

Phát huy những thành tích đạt được, phương hướng mục tiêu cơ bản của năm học mới là: Tăng cường kỷ cương, nền nếp trong các trường học và cơ sở giáo dục mầm non (GDMN), phổ thông nhằm nâng cao chất lượng toàn diện, trong đó giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng; GDMN chú trọng việc chăm sóc, giáo dục trẻ; giáo dục chuyên nghiệp chú trọng công tác tuyển sinh nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề và định hướng hướng nghiệp cho học sinh - sinh viên. Với các nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục;  nâng cao chất lượng và hiệu quả tổ chức các hoạt động giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, trong đó chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục, nhất là GDMN và các địa phương vùng KT - XH đặc biệt khó khăn...

- PV: Trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, trang 249 nêu rõ “Chất lượng dạy và học ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn thấp”. Đồng chí có suy nghĩ gì về vấn đề này ở địa bàn tỉnh ta. Ngành đã có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số?

- Đồng chí Đinh Quý Nhân: Trong những năm qua, ngành GD - ĐT tỉnh ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt được những kết quả quan trọng: Hệ thống giáo dục ổn định, giáo dục chuyên ngành, giáo dục định hướng, giáo dục chuyên biệt và giáo dục dân tộc đạt kết quả tích cực; chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao; nguồn nhân lực, cơ sở vật chất (CSVC), công tác quản lý, phương pháp giảng dạy cơ bản đáp ứng nhiệm vụ đổi mới GD - ĐT.

Tuy nhiên, chất lượng dạy và học ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn thấp, như văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng nêu, theo tôi đây là một thực trạng chung của cả nước, trong đó có Quảng Bình. Cùng với sự phát triển của tỉnh, giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy vậy giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng bãi ngang gặp rất nhiều khó khăn về CSVC trường, lớp, thiết bị dạy học và nhà ở cho giáo viên, một số nơi còn phòng học tạm, học nhờ... Tất cả những khó khăn, bất cập đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian tới ngành tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, với các nhóm giải pháp sau:

Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi; củng cố và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và xoá mù chữ.

Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, quan tâm tạo môi trường để học sinh được hoạt động trải nghiệm sáng tạo, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn trong học tập và đời sống xã hội.  

Quan tâm giải quyết kịp thời và đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi đối với các đối tượng học sinh ở miền núi, dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng KT - XH đặc biệt khó khăn, tạo cơ hội học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Xây dựng, củng cố các trường phổ thông dân tộc nội trú, các trường phổ thông dân tộc bán trú. Tổ chức cho học sinh dân tộc thiểu số ăn ở nội trú tại Trường THCS và THPT Hóa Tiến. Thực hiện cân đối chất lượng đội ngũ giáo viên giữa các trường, vùng miền, để con em dân tộc thiểu số được học với các thầy giáo, cô giáo có năng lực giảng dạy, tâm huyết với nghề; phát động phong trào ủng hộ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; ưu tiên đầu tư xây dựng phòng lớp học, nhà ở công vụ cho giáo viên công tác tại các vùng này.

- PV: Thời gian qua, nhất là vào đầu năm học mới, dư luận xã hội và đặc biệt là các bậc phụ huynh không đồng tình với việc triển khai mô hình trường học mới ở cấp THCS, vậy quan điểm của Sở về vấn đề này như thế nào ?

- Đồng chí Đinh Quý Nhân: Trong những năm qua, việc áp dụng mô hình trường học mới ở cấp tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Đây là một mô hình có những ưu điểm, tạo được môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; phát huy tích cực tính tự lực, tự quản trong học tập của học sinh; mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng được tăng cường. Quá trình giáo dục tiếp cận được với phương pháp truyền thụ mới chuyển trọng tâm từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, với phương thức tổ chức giáo dục lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.

Đồng chí Đinh Quý Nhân, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở GD - ĐT trao bằng khen của Bộ GD- ĐT cho học sinh đạt giải quốc gia kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12, năm học 2015-2016.
               Đồng chí Đinh Quý Nhân, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở GD - ĐT trao bằng khen của Bộ GD- ĐT cho học sinh             đạt giải quốc gia kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12, năm học 2015-2016.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện mô hình trường học mới chưa thực sự phù hợp với điều kiện KT - XH, trình độ dân trí của nhiều địa phương nên đã gặp không ít khó khăn, bất cập. Một số nhà trường và địa phương chưa nhận thức đầy đủ về mô hình; cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc; việc triển khai nóng vội, áp dụng ngay cả đối với những trường còn khó khăn về đội ngũ giáo viên, CSVC, sĩ số học sinh/lớp đông... dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục hiệu quả thấp, gây tâm lý băn khoăn, hoài nghi trong phụ huynh học sinh, chưa tạo được sự đồng thuận cao trong chính quyền cấp huyện, cấp xã và toàn xã hội. Do đó, phụ huynh học sinh của một số trường THCS đề nghị không thực hiện mô hình trường học mới. Bên cạnh đó, một số thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, chính quyền địa phương và nhân dân chưa ủng hộ việc thực hiện mô hình trường học mới.

Trước tình hình trên, Sở GD - ĐT đã tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá tình hình và thống nhất việc triển khai thực hiện mô hình trường học mới trong thời gian tới, cụ thể như sau:

Cấp tiểu học: Tiếp tục thực hiện mô hình trường học mới (VNEN) đối với các trường đang tham gia xuyên suốt hết cấp tiểu học vì quyền lợi học sinh, nhưng phải bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cha mẹ học sinh, toàn xã hội và các điều kiện về CSVC, đội ngũ, sĩ số học sinh/lớp; chưa triển khai nhân rộng toàn phần các trường còn lại.

Cấp THCS: Khuyến khích các trường đang triển khai mô hình trường học mới cấp THCS tiếp tục triển khai trên tinh thần tự nguyện, có sự đồng thuận, thống nhất cao của nhà trường, phụ huynh, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương.

Tập trung chỉ đạo các trường tham gia mô hình trường học mới duy trì, phát huy kết quả đạt được, đồng thời rà soát những khâu còn hạn chế để có giải pháp khắc phục, thực hiện mô hình hiệu quả hơn.

Đối với những trường chưa có sự đồng thuận cao trong phụ huynh học sinh, nhân dân và chính quyền địa phương, nguồn lực chưa bảo đảm thì không áp dụng mô hình trường học mới, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới để áp dụng vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, bảo đảm nguyên tắc lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm.

- PV: Bước vào năm học này, có một vấn đề khá nan giải đó là tình trạng các trường học mầm non không đáp ứng đủ chỗ cho các cháu trong độ tuổi đến trường, nhiều phụ huynh đã rất lo lắng, bức xúc. Xin đồng chí cho biết nguyên nhân của tình trạng này và ngành giải quyết vấn đề này như thế nào ?

- Đồng chí Đinh Quý Nhân: Tình trạng các trường MN không đáp ứng đủ chỗ cho các cháu trong độ tuổi đến trường tập trung chủ yếu trên địa bàn TP. Đồng Hới, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là: Do tăng dân số cơ học, việc đầu tư xây dựng CSVC cho bậc học MN chưa được quan tâm đúng mức, công tác xã hội hóa giáo dục còn hạn chế. Công tác dự báo về tăng dân số, tăng số trẻ em trong độ tuổi đến trường phục vụ cho việc quy hoạch mở rộng và phát triển quy mô, mạng lưới GDMN còn bất cập. Biên chế giáo viên được giao hàng năm không tăng trong khi tỷ lệ huy động số nhóm trẻ, số lớp mẫu giáo và tổ chức bán trú cho các lớp mẫu giáo ngày càng tăng.

Để giải quyết tình trạng quá tải ở các trường MN, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự chung tay góp sức của các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương và toàn xã hội; đặc biệt là có một cơ chế chính sách thu hút đầu tư cho phát triển GDMN một cách hợp lý.

Trước mắt, Sở GD - ĐT tiếp tục đề nghị các địa phương tận dụng tối đa các phòng chức năng hiện có tại các trường MN, mượn nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng... tại các địa phương, đáp ứng các điều kiện về chỗ ngồi và điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ để làm phòng học cho các cháu. Ưu tiên tiếp nhận các cháu mẫu giáo 5 tuổi, 4 tuổi đến trường nhằm bảo đảm thực hiện công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi theo quy định. Tăng cường chỉ đạo các phòng GD - ĐT huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đầu tư, xây dựng CSVC đáp ứng quy mô phát triển các trường MN. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh quyết định giao đủ biên chế giáo viên bậc học MN và giải quyết chế độ cho cô nuôi. Ngành GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển GD - ĐT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó có bậc học MN; tăng cường khảo sát thực tế, quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích tạo điều kiện phát triển loại hình cơ sở GDMN ngoài công lập ở những nơi có điều kiện.

- PV: Xin cảm ơn đồng chí !

Nội Hà (thực hiện)