.

Thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với thanh niên dân tộc thiểu số: Những nỗ lực đáng ghi nhận

Thứ Tư, 24/08/2016, 13:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm thực hiện tốt các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn. Qua đó, từng bước hỗ trợ cho thanh niên dân tộc thiểu số các điều kiện cần thiết trên bước đường lập thân, lập nghiệp để vươn lên khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 8.987 thanh niên dân tộc thiểu số, tập trung chủ yếu ở các địa bàn vùng miền núi, rẻo cao của tỉnh. Thời gian qua, công tác chỉ đạo triển khai, thực hiện pháp luật, chính sách đối với thanh niên dân tộc thiểu số được tỉnh ta hết sức chú trọng. Thông qua các đợt tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, đã có hàng trăm lượt thanh niên là người dân tộc thiểu số tham gia học tập.

Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Sở Tư pháp, phòng tư pháp các huyện triển khai phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan, thiết thực đối với thanh niên dân tộc thiểu số như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Phòng chống ma tuý, Luật Phòng chống cháy rừng, Luật Bảo vệ rừng, Luật Đất đai, Quy chế biên giới...

Từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho thanh niên. Công tác tuyên truyền được triển khai dưới nhiều hình thức như: tổ chức các hội thi tìm hiểu về phòng chống các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS; tuyên truyền vận động hội viên thanh niên không vi phạm trật tự an toàn giao thông; cung cấp thông tin, phổ biến kiến thức cho thanh niên về phòng chống dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh môi trường...

Trên cơ sở các chính sách của Đảng và Nhà nước, việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với các đoàn thể triển khai thực hiện các chương trình, dự án nhằm giúp đỡ, hỗ trợ cho các đối tượng là thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh các điều kiện như: mở các lớp dạy nghề ngắn hạn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện vay vốn giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đào tạo, bồi dưỡng những thanh niên ưu tú người dân tộc thiểu số để tạo nguồn cán bộ quản lý, lãnh đạo...

Đặc biệt, từ việc thực biện các nội dung thuộc Nghị quyết số 25/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá "; Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 30-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020;  Quyết định số 1562/QĐ-UBND, ngày 9-7-2012 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020... đã góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc cho thanh niên dân tộc như: việc làm, vốn, kỹ năng tham gia các hoạt động cộng đồng...

Chỉ tính riêng Chương trình 135 giai đoạn II đã tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho hơn 1.000 lượt thanh niên dân tộc thiểu số các kiến thức về trồng nấm, trồng tre điền trúc, trồng tiêu, kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc gia súc, gia cầm...

Tận dụng từ các nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ thanh niên, đoàn viên dân tộc thiểu số đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, tạo nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao trên các địa bàn. Cơ cấu cây trồng vật nuôi đã chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá cho nguồn thu nhập khá ổn định, đời sống tinh thần, vật chất của đoàn viên, thanh niên ngày càng phát triển.

Các hoạt động trợ giúp về vốn, kỹ thuật được đẩy mạnh đã tạo điều kiện cho nhiều thanh niên dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, xây dựng và duy trì được các mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập ổn định. Chính sách giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho thanh niên vùng dân tộc thiểu số cũng được quan tâm thực hiện mang lại nhiều kết quả đáng mừng.

Thông qua các hoạt động hỗ trợ, miễn, giảm học phí cho các đối tượng học sinh nghèo, dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn, hỗ trợ cho học sinh nghèo mua sách vở, đồ dùng học tập và các chi phí học tập khác...đã góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh đến trường hàng năm. Nhiều hoạt động khám, cấp thuốc miễn phí, tư vấn sức khỏe cho thanh niên, người dân vùng dân tộc thiểu số được triển khai đồng bộ, từng bước làm thay đổi nhận thức cho người dân, nhất là thanh niên về chăm sóc sức khỏe, phòng tránh các bệnh dễ lây nhiễm ra cộng đồng.

Để tập hợp đoàn viên thanh niên, phát huy sức mạnh của thế hệ trẻ đối với các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh, địa phương, công tác đoàn và phong trào thanh niên ở vùng dân tộc thiểu số cũng có bước phát triển đáng kể. Toàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh đã xây dựng được 66 cơ sở Đoàn, tập hợp được hơn 4.987 đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số sinh hoạt trong các tổ chức Đoàn. Từ năm 2010 đến nay, các cơ sở Đoàn đã giới thiệu được 1.983 đoàn viên ưu tú người dân tộc thiểu số tham gia lớp cảm tình Đảng, trong đó có 1.122 đồng chí được kết nạp Đảng.

Điều đáng ghi nhận là, Đoàn cơ sở tại các địa bàn dân tộc, miền núi đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động nên thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia. Đa số đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số có ý thức phấn đấu, không ngừng học tập để nâng cao trình độ học vấn và chuyên môn nghiệp vụ,  trở thành lực lượng xung kích trên nhiều lĩnh vực ở các địa phương.

Bên cạnh đó, các tổ chức Đoàn cơ sở còn thành lập các đội thanh niên tình nguyện và tổ chức nhiều chương trình biểu diễn văn nghệ tập trung để lồng ghép tuyên truyền giáo dục phòng chống các tệ nạn xã hội, tuyên truyền về giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản cho vị thành niên, tuyên truyền phòng chống các loại dịch bệnh, vệ sinh môi trường... đến vùng sâu, vùng xa của các xã dân tộc thiểu số sống tập trung như huyện: Minh Hoá, Tuyên Hoá, Bố Trạch, Lệ Thuỷ.

Phong trào đoàn thanh niên ở các xã dân tộc ngày càng phát triển, góp phần nâng cao kỹ năng sống, giáo dục lòng yêu nước, động viên thanh niên người dân tộc thiểu số có ý chí vươn lên về mọi mặt trong cuộc sống. Đoàn thanh niên cũng đã phát động phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường cộng đồng dân cư, làng bản khá tốt như đồng bào Rục xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá, đồng bào Mã Liềng xã Lâm Hoá, huyện Tuyên Hoá, đồng bào Ma Coong xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.

Tính đến nay, trên 70% cơ sở Đoàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã triển khai và đăng ký Chương trình "Rèn luyện đoàn viên", xây dựng phong trào " Thanh niên sống đẹp, sống có ích", đồng thời tổ chức các buổi thảo luận, toạ đàm nhằm cung cấp những thông tin, tư liệu giúp đoàn viên thực hiện hiệu quả các nội dung trong chương trình chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Mặc dù đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, nhưng việc thực hiện pháp luật, chính sách đối với thanh niên dân tộc thiểu số vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một điều dễ nhận thấy là một bộ phận cán bộ, đảng viên và đoàn viên dân tộc thiểu số vẫn còn tư tưởng trong chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa phát huy được tinh thần tự lực, tự cường phấn đấu vươn lên.

Khó khăn nữa là thanh niên dân tộc thiểu số sống phân tán trên địa bàn miền núi, biên giới, phần lớn trình độ thấp, khó tiếp cận với các thông tin, điều kiện việc làm, chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở một số xã, một số địa bàn còn yếu; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập.

Nhằm thực hiện tốt các chính sách, pháp luật cho thanh niên vùng dân tộc thiểu số, thời gian tới, toàn tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng, tập huấn cho thanh niên kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của mỗi vùng; đồng thời nhân rộng các mô hình thanh niên làm ăn có hiệu quả để thanh niên dân tộc thiểu số học tập, áp dụng vào phát triển kinh tế - xã hội.

Việc khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số tiếp nhận lao động tại chỗ là thanh niên dân tộc để giải quyết việc làm cho thanh niên và nhân dân trong vùng cùng một số chương trình khác sẽ được đẩy mạnh nhằm tạo điều kiện cho thanh niên vươn lên xóa đói, giảm nghèo góp phần xây dựng vùng dân tộc thiểu số, miền núi phát triển ổn định, bền vững.

Nhật Văn