.

Hướng dẫn nội quy, thể lệ bỏ phiếu tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV

Thứ Năm, 16/06/2016, 12:01 [GMT+7]

Sau ba ngày làm việc, chiều 15-6, Phiên họp thứ 49 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã bế mạc. Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành nội dung chương trình Phiên họp thứ 49.

>> Khai mạc Phiên họp thứ 49 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV và giao cho các cơ quan chức năng chủ động phối hợp rà soát, tích cực chuẩn bị các nội dung thuộc trách nhiệm của mình đảm bảo chất lượng để trình ra Quốc hội theo quy định. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Văn phòng Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nắm chắc tình hình thực tế để tiếp tục hoàn chỉnh dự kiến chương trình kỳ họp, gửi công văn triệu tập đến các đại biểu Quốc hội; đồng thời tiếp tục đôn đốc việc chuẩn bị các nội dung và điều kiện để đảm bảo cho kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV thành công tốt đẹp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành hướng dẫn một số điểm của nội quy kỳ họp, về hồ sơ nhân sự, thể lệ bỏ phiếu tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại phiên họp để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm, Chủ tịch Quốc hội; Nghị quyết về trang phục Thẩm phán, Hội thẩm, Giấy chứng minh Thẩm phán và Hội thẩm; chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức trong ngành Tòa án nhân dân; việc bổ sung số lượng Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp; các chế độ phụ cấp đối với Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; hoàn thiện các tờ trình báo cáo và dự thảo Nghị quyết về dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017; hoàn chỉnh các báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, Báo cáo việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề nghị của Chính phủ về phương án phân bổ sử dụng nguồn kinh phí còn lại và tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2015 là 5.460 tỷ đồng. Riêng khoản thu 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp năm 2015 chưa sử dụng, Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị Chính phủ hoàn thiện báo cáo để trình ra Phiên họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV quyết định và thực hiện đúng theo tinh thần dùng để chi cho đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên đến vấn đề chống xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình tiếp tục chỉ đạo khẩn trương để triển khai các kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội, chuẩn bị tài liệu cho phiên họp thứ 50 Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi diễn ra kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV theo quy định.

Trước đó, chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về Tờ trình Chính phủ và Báo cáo của Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội về việc Thẩm tra phương án sử dụng nguồn kinh phí còn lại và tiết kiệm chi Ngân sách nhà nước năm 2015 và nguồn 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015 chưa sử dụng.

Qua thảo luận, các ý kiến thống nhất, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về phương án phân bổ số tiết kiệm chi ngân sách Trung ương là đúng thẩm quyền. Đối với nguồn 10.000 tỷ đồng bán cổ phần nhà nước tại một số doanh nghiệp, đây thực chất không phải là khoản tiết kiệm chi, cũng không phải là tăng thu ngân sách nhà nước. Vì vậy, số tiền này không nằm trong quy định trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phân bổ theo khoản 1 Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị trên cơ sở các ý kiến thảo luận vào chiều 15-6, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo nghị quyết thông qua khoản chi 5.460 tỷ đồng như Tờ trình Chính phủ, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực.

Theo Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)