.

Lược trích tham luận của các đại biểu tại Đại hội

Thứ Hai, 26/10/2015, 10:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Lược trích tham luận của các đại biểu tại Đại hội.

>> Cảm nhận của cán bộ và nhân dân về sự thành công của Đại hội

Xây dựng LLVT tỉnh theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới

- Đại biểu Nguyễn Văn Man, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh

... Hiện nay, hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song tình hình thế giới và khu vực đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhân tố có thể gây mất ổn định; đáng chú ý là tranh chấp chủ quyền biển, đảo.

Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện âm mưu chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và quyết liệt hơn. Quân khu 4 nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng là địa bàn chiến lược quan trọng, là một trong những trọng điểm chống phá của kẻ địch.

Do đó, để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ QP, QS địa phương trong tình hình mới, đòi hỏi phải chú trọng xây dựng LLVT tỉnh cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Để thực hiện tốt vấn đề nêu trên, trên cơ sở những chủ trương, giải pháp đã nêu trong Báo cáo chính trị, nhiệm kỳ tới, chúng tôi đề nghị tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau đây:

Trước hết, tập trung lãnh đạo xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu. Quán triệt sâu sắc mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo của Nghị quyết TW8 (khoá XI) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; xây dựng cho cán bộ chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Chủ động đấu tranh phòng, chống có hiệu quả chiến lược "Diễn biến hoà bình", "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" và âm mưu "phi chính trị hoá Quân đội" của các thế lực thù địch. Đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng gắn với thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, học tập, noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ".

Hai là, tập trung lãnh đạo thực hiện nghiêm túc các quy định về tổ chức biên chế bảo đảm  sự ổn định, hợp lý, tinh gọn, đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ, ưu tiên cho các đơn vị SSCĐ, huấn luyện, làm nhiệm vụ A2. Đẩy mạnh xây dựng chính quy, quản lý rèn luyện kỷ luật, tạo bước đột phá mới có chiều sâu và vững chắc. Tăng cường giáo dục pháp luật, kỷ luật quân đội; hạn chế thấp nhất các vụ việc vi phạm kỷ luật, kiên quyết không để xảy ra vi phạm kỷ luật nghiêm trọng và bảo đảm an toàn mọi hoạt động của LLVT

Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng SSCĐ của LLVT tỉnh. Lãnh đạo chấp hành nghiêm chế độ SSCĐ ở các cấp; thường xuyên nắm chắc phân tích và dự báo đúng tình hình, tham mưu, phối hợp xử lý có hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là trên tuyến biên giới, tuyến biển và các địa bàn trọng điểm; điều chỉnh, bổ sung, tăng cường luyện tập các kế hoạch, phương án SSCĐ...

Chỉ đạo tổ chức huấn luyện cho các đối tượng theo kế hoạch; chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung và phương pháp huấn luyện, đào tạo phù hợp với VKTB, phương tiện hiện có. Tập trung chỉ đạo công tác tổ chức, điều hành huấn luyện và các mặt công tác bảo đảm tạo sự chuyển biến mới về chất lượng huấn luyện cho lực lượng DBĐV, DQTV...

Bốn là, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với QP-AN; QP -AN với phát triển kinh tế - xã hội, coi trọng yếu tố bảo đảm QP-AN. Quản lý chặt chẽ các hang động phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, các công trình quốc phòng, đất quốc phòng, không để xảy ra tranh chấp. Quan tâm đầu tư xây dựng các công trình trong khu căn cứ hậu phương cấp tỉnh, huyện.

Năm là, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quân sự với Bộ CHQS 2 tỉnh Khăm Muộn và Xavẳnnakhẹt (nước CHDCND Lào), góp phần xây dựng tuyến biên giới Việt-Lào hoà bình, hữu nghị, ổn định và phát triển...

"Chú trọng công tác quy hoạch, quản lý và phát triển các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch" trên địa bàn thành phố

- Đại biểu Trần Đình Dinh, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới

Để triển khai thực hiện quy hoạch và phát triển các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, thành phố đã ban hành một số chương trình, đề án cụ thể đó là: Chương trình phát triển Du lịch-Thương mại giai đoạn 2011-2015; Đề án xây dựng và phát triển hệ thống chợ thành phố đến năm 2015; Quy hoạch chi tiết các bãi tắm biển, công viên, quảng trường, vườn hoa và các kế hoạch nâng cấp, chỉnh trang đô thị; Quy định về xây dựng các tuyến phố kiểu mẫu. Đồng thời, thành lập một số đơn vị chức năng thực hiện công tác quản lý, như: Ban quản lý các bãi tắm biển, Đội quy tắc và trật tự đô thị, Tổ quản lý trật tự đô thị ở các xã, phường.

Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã định hướng phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch, hình thành 4 trung tâm du lịch: Phong Nha-Kẻ Bàng, Nhật Lệ-Bảo Ninh, Vũng Chùa-Đảo Yến, nghỉ dưỡng Bang và du lịch văn hóa, tâm linh phía Nam tỉnh. Xây dựng Quảng Bình trở thành điểm đến du lịch của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đồng Hới lần thứ XX đã xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm tạo bước đột phá trong nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó, đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là những định hướng cơ bản để Đồng Hới triển khai xây dựng các chương trình, đề án, quy hoạch, quản lý và phát triển các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố trong nhiệm kỳ tới, ở đây tôi xin phép được đề xuất một số giải pháp sau:

Một là: Rà soát quy hoạch về xây dựng hệ thống các công trình dịch vụ để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp với quy mô, tính chất và phát triển các loại hình dịch vụ mới.

Hai là: Trên cơ sở định hướng xây dựng 4 trung tâm du lịch của tỉnh, thành phố cần chủ động phối hợp liên kết thống nhất các loại hình dịch vụ có tính hỗ trợ, trong đó xác định Nhật Lệ-Bảo Ninh là trung tâm kết nối với các khu vực trong tỉnh.

Ba là: Phát triển một số loại hình dịch vụ mới có chất lượng cao, đa dạng hóa và khuyến khích hoạt động về đêm, hình thành một số tuyến phố thương mại, ẩm thực truyền thống.

Bốn là: Tích cực kêu gọi, hỗ trợ các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư khai thác. Từng bước chuyển dần mô hình quản lý nhà nước về hệ thống chợ sang hình thức doanh nghiệp, kinh tế tập thể, nhà đầu tư quản lý khai thác.

Năm là: Tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng các bãi tắm biển: Nhật Lệ, Quang Phú, Bảo Ninh. Tăng cường công tác quản lý các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi, tắm biển, các hoạt động lễ hội phục vụ du khách.

Sáu là: Huy động các nguồn lực, các thành phần kinh tế để tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch phải có kỹ năng, năng lực chuyên môn nhất định.

Công tác quy hoạch, quản lý và phát triển các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố Đồng Hới có vị trí hết sức quan trọng, là động lực để xây dựng và phát triển thành phố Đồng Hới trong tương lai, xứng đáng là trung tâm tỉnh lỵ, góp phần cùng các ngành, các địa phương trong tỉnh đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.

"Phát triển công nghiệp trở thành ngành trọng điểm, tạo động lực phát triển của nền kinh tế”

- Đại biểu Phan Văn Thường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020: Phát triển công nghiệp trở thành ngành trọng điểm, tạo động lực phát triển của nền kinh tế, trong thời gian tới cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp sau:

Thứ nhất, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về vốn, bồi thường GPMB, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm cung cấp đủ nguồn điện cho sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay ngân hàng để phát triển sản xuất, khai thác tốt công suất của các Nhà máy hiện có và các dự án mới đưa vào sản xuất như: Xi măng Sông Gianh, Văn Hóa, Vạn Ninh; các NM gạch không nung, chế biến gỗ; NM Bia Hà Nội-Quảng Bình, phân vi sinh, May xuất khẩu và các NM mới trong các khu kinh tế, khu công nghiệp để duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp.

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp. Sớm tái khởi động xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I để đưa vào vận hành cuối năm 2020 theo tiến độ Quy hoạch điện 7. Triển khai đầu tư các nhà máy May tại Ba Đồn, Lệ Thuỷ, Quảng Ninh; nâng công suất NM Bia Hà Nội-Quảng Bình, chế biến thủy sản, gỗ MDF và các ngành công nghiệp hỗ trợ trong Khu kinh tế Hòn La tạo thành mối liên kết vùng kinh tế Nam Hà Tĩnh-Bắc Quảng Bình. Triển khai dự án xây dựng kho ngoại quan và đường ống dẫn xăng dầu sang Lào, Trung tâm thương mại, vui chơi giải trí của Sài Gòn Co.op Mart, Vincom, Big C... để đưa vào sử dụng tạo sự tăng trưởng của ngành trong giai đoạn 2016-2020.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đặc biệt thu hút các dự án vốn FDI của các Công ty đa quốc gia, các tập đoàn lớn trong nước. Xúc tiến đầu tư Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch II và các dự án lớn tạo động lực phát triển công nghiệp của tỉnh. Đầu tư dự án sản xuất cọc Sợi tại huyện Quảng Ninh, thị xã Ba Đồn; các NM sản xuất đồ điện, đóng mới tàu thuyền, chế biến gỗ, thủy sản đông lạnh.v.v.. tạo tiền đề cho sự phát triển trong những năm tiếp theo.

Thứ tư, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, chi phí sản xuất, tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tập trung xây dựng, hình thành một số thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: xi măng, phân bón, thuốc tân dược, Bia, may XK, chế biển thủy sản... để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó có ưu tiên dùng hàng do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất. Đẩy mạnh các hoạt động Khuyến công và Xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tham gia các hội chợ, triển lãm, trưng bày giới thiệu hàng hoá nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, thực hiện tốt việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết... để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển và xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Bình.

"Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng nâng cao giá trị, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới"

- Đại biểu Phan Văn Khoa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT

Giai đoạn 2015-2020, trong bối cảnh có nhiều thay đổi, nhất là thị trường, biến đổi khí hậu, đặc biệt chúng ta tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là một cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, chúng ta phải đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM, trọng tâm là:

Thứ nhất: Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh, ưu tiên nguồn lực, tập trung chỉ đạo để tạo chuyển biến rõ rệt về hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập đời sống cho nông dân.

Thứ hai: Tăng cường chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tạo đột phá trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Phát hiện, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; khuyến khích liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Thứ ba: Đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, HTX, tổ hợp tác với doanh nghiệp trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt. Thực hiện tốt chính sách, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Nhiệm vụ cụ thể:

+ Đối với sản xuất trồng trọt: Tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng gắn với thị trường tiêu thụ, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng; tích cực chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả cao.

+ Đối với chăn nuôi: Chuyển mạnh chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng thâm canh công nghiệp, chất lượng, bảo đảm an toàn dịch bệnh; tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi chất lượng cao, quy mô hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường và bền vững (phấn đấu đến năm 2020 bò lai chiếm 60-70% tổng đàn).

+ Đối với thủy sản: Đẩy mạnh đóng mới, cải hoán tàu cá công suất lớn trên 500 CV để tham gia khai thác xa bờ, vùng biển xa, tiếp tục thực hiện tốt Quyết định 48, Nghị định 67 nhằm nâng cao giá trị của ngành Thủy sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo (phấn đấu hết năm 2016 đóng mới 85 tàu có công suất trên 700CV theo NĐ 67). Đồng thời từng bước hoàn thiện hạ tầng dịch vụ nghề cá như cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão...

+ Đối với lâm nghiệp: Tập trung chỉ đạo nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, triển khai trồng rững gỗ lớn; khai thác rừng tự nhiên theo phương pháp bền vững (FSC) để tận thu tài nguyên rừng. Đồng thời thực hiện tốt việc chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt, rừng trồng hiệu quả thấp sang trồng rừng kinh tế và một số cây trồng khác có giá trị cao hơn. Thực hiện tốt công tác QLBVR, khoanh nuôi, phục hồi rừng tự nhiên, giữ vững độ che phủ rừng đứng đầu toàn quốc (70%).

+ Về xây dựng NTM: Phải lấy địa bàn xã làm cơ sở để chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tạo bước đột phá trong xây dựng NTM. Phấn đấu hàng năm bình quân mỗi xã tăng 2-2,5 tiêu chí, không có xã nào không tăng tiêu chí; đến năm 2020 có ít nhất 68 xã (chiếm 50%) đạt chuẩn NTM và có 2-3 huyện đạt huyện NTM.