.

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Thứ Sáu, 23/10/2015, 11:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua nghiên cứu các nội dung Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tôi quan tâm nhất về mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm (2016-2020).

* Đồng chí Hoàng Quảng Hoàn, Bí thư Đoàn trường THPT Trần Hưng Đạo (Lệ Thủy)

Qua nghiên cứu tôi nhất trí hoàn toàn với các nội dung Dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Báo cáo có bố cục hợp lý, dung lượng vừa phải; đánh giá sát đúng những thuận lợi, khó khăn về những thành tựu đạt được cũng như những vấn đề còn tồn tại hạn chế trong nhiệm kỳ qua; đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mang tính khả thi cao và phù hợp với tình hình đất nước. Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu các văn kiện, tôi cũng xin mạnh dạn đóng góp một vài ý kiến nhỏ:

Trước hết, trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản, thủy sản, bảo đảm yêu cầu hội nhập; đồng thời quan tâm phát triển nông nghiệp, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm, ổn định giá cả và các khâu dịch vụ phục vụ nông nghiệp, bảo đảm lợi ích cho người nông dân.

Về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Tôi nhất trí với phương hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo gắn với phát triển nguồn nhân lực và những giải pháp thực hiện. Tuy nhiên trên thực tế lĩnh vực giáo dục - đào tạo hiện tại cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và chính sách thu hút nhân tài còn hạn chế, nên Trung ương cần quan tâm hơn đến vấn đề này để giáo dục - đào tạo thực sự là quốc sách hàng đầu.

Tôi cũng nhất trí với phương hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Nhưng để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện cần có những giải pháp xây dựng con người phát triển toàn diện phù hợp với từng địa phương và thực hiện những giải pháp đó một cách có hiệu quả, không chạy theo hình thức, thành tích. Đồng thời cùng xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy các giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc; tăng cường chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân ở vùng nông thôn.

Về tăng cường quản lý tài nguyên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, Trung ương đã đưa ra phương hướng và giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhưng cá nhân tôi xin được bổ sung thêm, đó là: cần xử lý nghiêm hiện tượng chặt phá rừng, săn bắt động vật quý hiếm, khai thác bừa bãi tài nguyên khoáng sản; các cơ sở vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải theo quy định; xử lí nước sạch bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường cho các vùng nông thôn.

Chú trọng công tác trồng rừng, tăng độ che phủ rừng, hạn chế việc ngập lụt vùng đồng bằng và hiện tượng cát lấp ở vùng ven biển. Quan tâm đến các dự án phòng ngừa thảm họa thiên tai giảm thiểu mức thiệt hại đến người và tài sản của nhân dân ở vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai.

* Đồng chí Lê Quang Linh, Phó chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo

Qua nghiên cứu các nội dung Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tôi quan tâm nhất về mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm (2016-2020).

Chiến lược 5 năm tới, Trung ương đã nhận định đúng và dự báo tình hình diễn biến thế giới và khu vực, đã đề ra các mục tiêu phát triển đất nước hợp lý; tăng cường công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân nhân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Đặc biệt là việc đánh giá tình hình xây dựng Đảng trong 5 năm qua, nhất là tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là đúng với tình hình thực tế. Tôi nhất trí cao với phương hướng xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng; rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; đấu tranh phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng.

Về phát phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, tôi hoàn toàn nhất trí về quan điểm, định hướng, giải pháp tiếp tục phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời cần tăng cường công tác giám sát của nhân dân trong việc xây dựng nông thôn mới và các công trình xây dựng tại địa phương, nhằm nâng cao chất lượng các công trình của Nhà nước đầu tư.

Về quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, tôi rất đồng tình với dự thảo và xin bổ sung thêm: Cần thực hiện chế độ kiểm soát chặt chẽ về chỉ số an toàn thực phẩm, dịch vụ ăn uống, môi trường sống cho nhân dân. Bởi trên thực tế cho thấy, ở Việt Nam hiện nay dịch vụ ăn uống, thực phẩm, môi trường sống mất an toàn (độc tố, hóa chất gây hại...), gây bệnh tật tăng. Vì vậy, để đạt mục tiêu “Coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân...”, trước hết cần phải xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện.

Nội Hà (thực hiện)