.

Góp ý về nguyên tắc "Suy đoán vô tội" và "Tranh tụng trong xét xử"

Thứ Năm, 27/08/2015, 14:09 [GMT+7]

Ngày 26-8, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã bế mạc. Trước đó, các đại biểu Quốc hội đã góp ý về một số vấn đề lớn của dự án Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi).

>> Quy định rõ về trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu Bế mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu Bế mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Những vấn đề nổi bật được các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến là nguyên tắc “Suy đoán vô tội” và nguyên tắc “Bảo đảm tranh tụng trong xét xử."

Đa số ý kiến cho rằng nội dung hai nguyên tắc này được quy định trong dự thảo còn chung chung, chưa đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp.

Các đại biểu đề nghị dự thảo cần làm rõ hơn nội dung các nguyên tắc này theo hướng “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Quy định như vậy mới đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân, nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử.

Trong trường hợp không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội.”

Đối với nguyên tắc “Bảo đảm tranh tụng trong xét xử,” các ý kiến tại buổi làm việc đề nghị cơ quan soạn thảo bám sát quy định: “Các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án hình sự do Viện kiểm sát chuyển đến Tòa án để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp.

Phiên tòa xét xử vụ án hình sự phải có mặt đầy đủ những người theo quy định của Bộ luật này, trường hợp vắng mặt phải có lý do chính đáng; Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng để làm rõ sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Tòa án.

Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định định vô tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điều khoản của Bộ luật Hình sự để xác định tội danh, quyết định mức hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo và các tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả thẩm tra chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.”

Liên quan đến vấn đề bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, nhiều ý kiến tán thành với dự thảo về quy định này và đề nghị quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, về bảo quản, sử dụng kết quả ghi âm ghi hình trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Các đại biểu cho rằng việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung là cần thiết để vừa đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo.

Tuy nhiên, dự thảo cần có quy định mang tính khả thi cao hơn bởi thực tiễn cho thấy, việc hỏi cung bị can có thể được tiến hành ở nhiều nơi và trong những điều kiện rất khác nhau; có bị can bị tạm giam, có bị can ở ngoài xã hội; có bị can chỉ hỏi cung một hai lần, có bị can phải hỏi cung rất nhiều lần; có trường hợp cùng một thời điểm phải hỏi cung rất nhiều người.

Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện Việt Nam thì quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra được ghi âm, ghi hình là phù hợp; còn tại các địa điểm khác thì có thể ghi âm, ghi hình khi cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng xét thấy cần thiết; đồng thời để thống nhất thực hiện cần có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền về việc ghi âm, ghi hình.

Phát biểu bế mạc gần ba ngày làm việc của hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao chất lượng hội nghị, cho rằng các đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày càng nhận thức rõ vai trò của mình trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu chuyên trách.

Quá trình hội nghị đã nhận được nhiều đóng góp tích cực, chất lượng cao đối với các chương trình, nội dung đề ra. Nhiều ý kiến rất thuyết phục, tâm huyết, trí tuệ, đi thẳng vào những vấn đề cụ thể, chi tiết với trình độ chuyên môn sâu. Những ý kiến này góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện nội dung các dự thảo luật dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 tới.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Hiến pháp 2013 là tinh hoa trí tuệ của dân tộc, được tuyệt đại đa số các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Vì vậy, việc cụ thể hóa Hiến pháp, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đặc biệt là các đạo luật về tư pháp cần bám sát tinh thần của Hiến pháp, đề cao quyền con người, quyền công dân, quy định chặt chẽ quyền và trách nhiệm của cơ quan tư pháp. Trong quá trình xây dựng các dự thảo luật này, cần chú ý đến vai trò, vị trí của cơ quan xét xử, cơ quan kiểm sát, quyền của người bào chữa, luật sư.

Theo Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)