.

Quy định rõ về trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên

Thứ Tư, 26/08/2015, 14:16 [GMT+7]
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tiếp tục hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ngày 25-8, tại Hà Nội, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu đã thảo luận về một số vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) và Bộ luật hình sự (sửa đổi).

Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều kiện để áp dụng

Trong buổi làm việc buổi sáng, hội nghị đã tập trung thảo luận 7 vấn đề của dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) gồm quyền yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; vị trí, vai trò, sự tham gia và việc phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân; thành phần xét xử phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn; tổ chức phiên họp để kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ; thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm; công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án; sự tham gia xét xử các vụ án lao động của Hội thẩm là đại diện của tổ chức Công đoàn.

Nội dung đã được nhiều đại biểu cho ý kiến là vấn đề quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Qua thảo luận, các ý kiến đề nghị Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều kiện luật để áp dụng. Tuy nhiên, để khả thi cần cụ thể hóa những quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, giải quyết các loại vụ, việc này.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng), Tòa án là cơ quan đại diện cho công lý, bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, do đó, người dân đến khiếu kiện mà lại từ chối thì còn “ai” bảo vệ quyền lợi cho họ. Do đó, đề nghị quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều kiện luật để áp dụng.

Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Nếu quy định Tòa án từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều kiện để áp dụng, đó là một nhà nước thiếu trách nhiệm.

Cũng theo đại biểu, việc áp dụng án lệ, tập tục, tập quán là một trong những nguồn gốc của pháp luật. Nếu không chấp nhận án lệ, tập tục, tập quán, chính là từ chối một kênh để luật pháp phát triển; là từ chối nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ này.

Vấn đề trên, theo Báo cáo của tiếp thu, giải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số thành viên cho rằng, Hiến pháp năm 2013 đã quy định Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp.

Trong khi pháp luật dân sự chưa quy định đầy đủ được hết các quan hệ xã hội, khi có tranh chấp dân sự xảy ra mà chưa có điều luật áp dụng, thì cần thiết phải quy định Tòa án có quyền căn cứ vào các nguyên tắc chung của pháp luật, các điều luật tương tự, án lệ, tập quán và lẽ công bằng được mọi người thừa nhận để xét xử, giải quyết tranh chấp dân sự đó.

Quy định như vậy là cơ sở để Tòa án thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Do đó, đề nghị cho giữ như quy định tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) là: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều kiện để áp dụng”.

Góp ý về vị tri, vai trò, sự tham gia và việc phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân. Vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nên Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng.

Một số ý kiến khác cho rằng, trong tố tụng dân sự Viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát hoạt động tư pháp, không trực tiếp tiến hành các hoạt động tố tụng, do vậy Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tham gia tố tụng.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng Viện kiểm sát là một cơ quan tiến hành tố tụng, bởi từ trước đến nay vẫn thế mà không ảnh hưởng hay cản trở vấn đề gì, do đó không cần thiết phải sửa đối điều này. Theo đại biểu Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình), khi tham gia phiên tòa, Viện kiểm sát phát biểu là cần thiết, bởi đây là một kênh để Tòa án xem xét và làm cho người dân rễ hiểu, đồng thời an tâm và chấp hành pháp luật.

Về vấn đề, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể cho rằng theo Hiến pháp, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự trước đây cũng như Bộ luật tố tụng dân sự sau này luôn khẳng định trong tố tụng dân sự, chỉ có Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân được nhân danh quyền lực Nhà nước để thực hiện các hoạt động tố tụng.

Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 tiếp tục khẳng định Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, Viện kiểm sát nhan dân có đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành nên không làm thay đổi về bản chất địa vị pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân.

Thực tiễn cũng cho thấy, quy định Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng đã được khẳng định, đang phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả cao, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, đương sự và người tham gia tố tụng khác. Trên cơ sở đó, đề nghị giữ nguyên quy định Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự.

Trình bày quan điểm của Tòa án nhân dân tối cao, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Tống Anh Hào dẫn quy định tại khoản 1, Điều 107 của Hiến pháp nêu chức năng của Viện kiểm sát là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Quyền công tố của Viện kiểm sát được thực hiện trong tố tụng hình sự; còn trong tố tụng dân sự, Viện kiểm sát chỉ thực hành quyền kiểm sát hoạt động tư pháp. Nếu quy định Viện kiểm sát được phát biểu về nội dung của vụ, việc dân sự, thì sẽ phải để luật sư tranh luận lại với Viện kiểm sát. Như vậy, Viện kiểm sát tham gia vào hoạt động tranh tụng. Viện kiểm sát không được tham gia vào các hoạt động tranh tụng của các bên đương sự.

Cân nhắc quy định rõ các tội danh mà người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự

Buổi chiều, các đại biểu quốc hội chuyên trách đã thảo luận về một số vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau của Dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi).

Góp ý về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên, một số ý kiến tán thành với việc cần quy định rõ các tội danh mà người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự. Một số ý kiến khác lại cho rằng, nếu chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 16 tội danh thì sẽ bỏ lọt nhiều tội phạm, do vậy đề nghị cần rà soát, bảo đảm nhất quán theo quan điểm chỉ đạo sửa đổi Bộ luật hình sự.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng mặc dù gia đình, nhà trường, xã hội đã tuyên truyền, giáo dục rất nhiều, nhưng trên thực tế tội phạm ở độ tuổi này không giảm mà ngày càng gia tăng và nhiều vụ án có tính chất cực kỳ nguy hiểm.

Xét về mặt nhân đạo, cần nghiên cứu lại quy định này, nhưng cũng phải quy trách nhiệm với đối tượng này, nếu không sẽ không đủ sức răn đe.

Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, quy định như luật hiện hành là rất chặt chẽ và đề nghị giữ nguyên như quy định trong Bộ luật dân sự hiện hành về tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Về vấn đề này, quan điểm của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, hiện nay, tình trạng người chưa thành niên phạm tội gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng. Trong khi đó, với xu hướng phát triển nhanh chóng về khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, khả năng nắm bắt và lạm dụng công nghệ để vi phạm pháp luật của người chưa thành niên rất cao.

Nếu thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên theo nhóm tội sẽ bỏ lọt nhiều tội phạm, khó bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay.

Về vấn đề hạn chế hình phạt tử hình, đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị cân nhắc, xem xét lại việc giảm 7/22 tội danh tử hình. Việc này chỉ đạt được theo xu hướng tiến bộ, còn trên thực tế một số tội danh cần phải giữ nguyên và xử lý nghiêm minh thì mới đủ sức răn đe tội phạm.

Đối với việc giảm án tử hình cho người từ 70 tuổi trở lên, đại biểu cho rằng điều này không nên. Bởi, người 70 tuổi có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống và hết sức chín chắn, biết được những hành vi của mình sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến xã hội, đặc biệt là tội phản quốc. Do đó, đối tượng này phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Một số đại biểu khác cho rằng, hiện nay tội phạm hết sức mạnh động, nguy hiểm, do đó nhiệm vụ của Bộ luật hình sự là đấu tranh trấn áp tội phạm, do đó cần cân nhắc việc bỏ 7/22 tội tử hình; nếu bỏ như vậy là nhiều.

Trong chiều nay, các nội dung về trách nhiệm hình sự của pháp nhân; việc bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án; quy định không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân… cũng được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến cụ thể.

Theo Nguyễn Cường (TTXVN/Vietnam+)

>> Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số dự án luật