.

Lệ Thủy: Tổng thiệt hại ước tính gần 200 tỷ đồng

Thứ Hai, 17/10/2016, 14:15 [GMT+7]
(QBĐT) - Sáng nay (17-10), lũ trên sông Kiến Giang vẫn còn trên mức báo động II. Hàng ngàn nhà dân vẫn tiếp tục ngâm trong nước lũ. Ban Thường vụ Huyện ủy Lệ thủy đã tổ chức họp nhanh để triển khai các phương án khắc phục hậu quả mưa lũ và triển khai công tác cứu trợ.
Lãnh đạo huyện Lệ Thủy kiểm tra các tuyến đê bị xói lở do mưa lũ.
Lãnh đạo huyện Lệ Thủy kiểm tra các tuyến đê bị xói lở do mưa lũ.
Đồng chí Nguyễn Quang Năm, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy cho biết: Tinh thần chỉ đạo của huyện là các địa phương và người dân phải bám sát phương châm “lũ rút đến đâu làm vệ sinh đến đó”. Các phòng ban chức năng và lãnh đạo 28 xã, thị trấn trên toàn huyện phải huy động tối đa lực lượng để giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Trước mắt là dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, trường lớp học, trạm y tế, khuôn viên trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị.
Giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên Lệ Thủy vệ sinh trường lớp sau lũ.
Giáo viên và học sinh Trường THCS thị trấn Kiến Giang tổ chức vệ sinh trường lớp sau lũ.
Ghi nhận của chúng tôi trong sáng nay là Phòng Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng huyện đã chỉ đạo các trạm y tế chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc và trang thiết bị, cơ sở vật chất bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho dân. Tỉnh lộ 16 nối trung tâm huyện với quốc lộ 1 đã thông tuyến. Một số khu dân cư đã được cấp điện, nước trở lại.
 
Chủ tịch UBND xã Cam Thủy Nguyễn Bá Trọng cho biết: Hiện tại, chính quyền địa phương đang huy động lực lượng đoàn viên thanh niên tổ chức giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ; đồng thời khẩn trương gia cố hệ thống thủy lợi, nạo vét kênh mương; tiêu thoát nước đối với diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị ngập úng. Xã cũng đã sẵn sàng cho việc tiếp nhận và tổ chức cứu trợ kịp thời các hộ dân bị thiệt hại nặng về tài sản, lúa, hoa màu theo tinh thần chỉ đạo của huyện là bảo đảm tuyệt đối không để một hộ dân nào bị thiếu đói do mưa lũ.
Anh Đặc Phúc Trường ở xã An Thủy cùng gia đình và 4 con bò được
Anh Đặng Phúc Trường ở xã An Thủy đưa gia đình và 4 con bò "tá túc" ngay trong sân nhà của bố mẹ ruột vì lũ chưa rút.
Ở các xã vùng bán sơn địa, do địa hình đồi dốc nên thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với đường giao thông và các công trình xây dựng cơ bản khác là khá lớn. Bởi vậy, việc đầu tiên là khắc phục, sửa chữa các công trình giao thông, nhất là ở các địa điểm bị sạt lở để thông tuyến các tuyến đường bị chia cắt do hư hại. 
 
Khoảng 21 giờ đêm qua (16-10), tin từ UBND xã Ngư Thủy Bắc cho biết, địa phương đã cứu được 4 thuyền viên quê ở tỉnh Thanh Hóa trôi dạt trên biển hơn 30 tiếng đồng hồ do tàu đánh cá bị chìm. Tại thời điểm cứu, có 1 người đã gần như kiệt sức. Đến sáng nay, sức khỏe của 4 thuyền viên này đã bình phục trở lại.
 
Tại xã Phú Thủy có thêm 1 người chết vào chiều tối qua do bị lật thuyền khi đang bủa lưới bắt cá ở những khu vực nước chảy xiết. Như vậy, đến thời điểm này, mưa lũ đã làm 4 người chết trên địa bàn huyện Lệ Thủy.
Một số khu dân cư, người dân đã bắt đầu họp chợ trở lại.
Một số khu dân cư, người dân đã bắt đầu họp chợ trở lại.
Do mực nước lũ trên sông Kiến Giang vẫn trên mức báo động II nên vẫn còn hàng ngàn nhà dân ngập sâu trong nước lũ, chủ yếu là vùng hạ du và nơi có địa hình trũng thấp. Nhiều khu dân cư vẫn còn bị chia cắt, chưa tiếp cận được như thôn Vinh Quang (Sơn Thủy), thôn Bình Minh (Dương Thủy)… Ngay tại xã An Thủy, nhiều thôn vẫn còn chìm sâu trong nước lũ gần 1 mét. Anh Đặng Phúc Trường ở thôn Lộc Thượng chia sẻ: “Lũ lên rất nhanh nên tôi không kịp trở tay. 1 bao gạo chuẩn bị từ trước lũ cũng bị ngập nước nên vợ chồng phải bồng 3 đứa con nhỏ chạy sang nhà ông bà nội để tá túc. Giờ lũ rút, tài sản của tôi chỉ còn lại 4 con bò. Nhà tôi chỉ cách nhà ông bà nội non cây số nhưng chưa thể về được. Mọi tài sản đều hư hỏng hết vì ngâm nước lâu ngày”.
 
Tính đến thời điểm 10 giờ ngày 17-10, mưa lũ đã làm 4 người chết (ở các xã Xuân Thủy, thị trấn Kiến Giang, Liên Thủy và Phú Thủy) gần 20.000 nhà dân, 40 trường học và trạm y tế bị ngập sâu từ 1 đến 1,5m. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi, làm chết hơn 1.000 con gia súc, 223.000 con gia cầm trên địa bàn huyện Lệ Thủy; hàng chục km đê bao, đường giao thông, kênh thủy lợi bị hư hỏng, xói lở với khoảng hơn 700m3 đất đá. 400 ha ao hồ nuôi cá bị thiệt hại hoàn toàn, nhiều tấn hạt giống và lương thực dự trữ của người dân bị ẩm ướt… Tổng thiệt hại ước tính gần 200 tỷ đồng.
Nguyễn Hoàng