Mỗi tuần một chuyện:

Rừng họ-rừng ta?

Cập nhật lúc 07:26, Thứ Tư, 10/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Rừng họ, là rừng bảo tồn Borneo-Indonesia; còn rừng ta, là rừng đặc dụng Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Chuyện là: Vừa qua, tôi được tham gia đoàn của tỉnh sang học tập kinh nghiệm tại Indonesia về thực hiện Chương trình “Giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế mất rừng và nâng cao trữ lượng cacbon rừng” (gọi tắt là REDD+). Tôi có ấn tượng về thông tin rừng họ bán được khí cacbon.

Indonesia là đất nước vạn đảo, là vương quốc của rừng nhiệt đới, diện tích rừng chiếm trên 70% diện tích tự nhiên (khoảng gần 131 triệu ha), với một hệ sinh thái động thực vật đa dạng, phong phú, đứng thứ 2 thế giới (sau Brazin).

Chúng tôi được đến tham quan Khu bảo tồn Borneo thuộc vùng đông Kalimatan, (cách thủ đô Jakarta gần 2 giờ bay). Khu bảo tồn có diện tích trên 19.000 ha, do một tư nhân quản lý; đã 10 năm nay, hàng năm họ bán 10 triệu tấn khí cacbon cho các công ty Nhật Bản, với giá 15 USD/m3 khí cacbon; năm 2011, họ bán được gần 150 triệu USD, họ dùng số tiền đó chủ yếu để đầu tư lại cho rừng.

Có thể lý giải việc bán khí cacbon như sau:

Đối với các nước công nghiệp phát triển, có nhiều nhà máy công suất lớn, hàng năm thải ra hàng triệu m3 khí cacbonic (CO2) gây ô nhiễm môi trường. Có những nước quy định, buộc các công ty có các nhà máy đó phải hợp đồng mua khí cacbon để bù lại khí gây ô nhiễm thải ra. Các công ty mua bao nhiêu triệu m3 khí cacbon do cơ quan quản lý môi trường của quốc gia đó tính toán theo công suất và đặc điểm nhà máy, với nguyên tắc thải nhiều khí bẩn thì mua lại nhiều khí sạch  và ngược lại. Tuy gọi là mua, nhưng người mua cũng không chở hàng triệu m3 khí cacbon về được, mà thông qua “hoá đơn đỏ” của đơn vị bán là Ban quản lý rừng hay các Trung tâm bảo tồn rừng có nhiều trữ lượng cacbon, để chứng minh họ đã mua khí cabon.

Còn với các đơn vị bán không phải “hô” bán bao nhiêu khí cacbon cũng được, mà phải căn cứ vào diện tích, trữ lượng, đặc điểm rừng... Với nguyên tắc: sinh trưởng rừng tính ra sinh khối, từ đó để xác định mỗi khu rừng hàng năm được bán bao nhiêu triệu m3 khí cacbon; rừng có nhiều động, thực vật quý hiếm càng được bán nhiều khí cacbon.

Liên hệ với rừng ta, là rừng đặc dụng Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, có diện tích gần 125.000 ha, với hệ sinh thái động thực vật rất phong phú; có nhiều loài quý, hiếm... Tuy nhiên, trong những năm qua, do quản lý lỏng lẻo, thậm chí cán bộ còn tiếp tay cho lâm tặc, nên rừng bị  rút ruột, nhất là vụ 3 cây gỗ sưa! 

Với cách quản lý như trên, chỉ mong giữ được nguyên trạng rừng đã khó, chưa dám mơ đến bán khí cacbon như  rừng họ ở Indonesia. Tỉnh ta muốn thực hiện tốt Chương trình REDD+, thì rừng ta cần có sự đổi mới toàn diện và triệt để.

                                                                 Hoàng Đức Thắng                         
 

,
.
.
.