.

Tính triết lý trong truyện ngắn Đinh Tiến Hùng

Thứ Ba, 19/11/2013, 07:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Đinh Tiến Hùng là "cây bút trẻ" của huyện Minh Hóa, mặc dầu năm nay anh đã  "trạc ngoại ngũ tuần". Sỡ dĩ tôi gọi anh là "cây bút trẻ" bởi vì anh vừa mới xuất hiện một vài năm lại đây. Sau tập truyện ngắn Anh của riêng em và tập thơ Anh muốn làm dòng sông, Nhà xuất bản Thuận Hóa lại vừa ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn Khổ đau và hạnh phúc của anh.

Truyện ngắn là một thể loại văn học đòi hỏi người viết có vốn sống dồi dào, có  khả năng xây dựng hình tượng nhân vật vừa cụ thể sinh động vừa mang tính khái quát cao. Viết truyện ngắn thật không dễ dàng chút nào. Ở lĩnh vực này, tôi là người ngoại đạo nên không dám bàn sâu. Tôi chỉ xin phát biểu một vài cảm nhận khi đọc 4 truyện ngắn của Đinh Tiến Hùng trong tác phẩm Khổ đau và hạnh phúc.

Ngay cái tiêu đề tập sách đã mang tính triết lí. Khổ đau và hạnh phúc là hai phạm trù đối lập. Sống ở trên đời ai mà không nếm trải ít nhiều hai thứ ấy! Ca dao có câu "Ai ơi, chua ngọt đã từng...". Chính hai thứ ấy  làm nên hương vị cuộc đời. Nếu ai đó suốt đời  chỉ gặm quả chua  không thôi sẽ khó lòng chịu nổi nhưng nếu ai đó chỉ có ăn quả ngọt không thôi thì chắc cũng phát ngấy.

Đôi khi đau thương là một cái "thú" như nhà thơ Lưu Trọng Lư từng khuyên: Hãy lịm người trong thú đau thương! Khổ đau thì dễ nhận diện nhưng hạnh phúc không phải ai cũng quan niệm như nhau. Nhà thơ Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc) có lần thốt lên: Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng/ Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi không ra. Có hạnh phúc đơn sơ nho nhỏ, có hạnh phúc vô cùng to lớn, có hạnh phúc chung cho mọi người, có hạnh phúc riêng cho từng người, có hạnh phúc ngắn ngủi, có hạnh phúc bền lâu...

Đọc truyện ngắn của Đinh Tiến Hùng tôi đã phần nào nhận ra cái triết lí về cuộc sống của anh. Với Đinh Tiến Hùng thì  "muôn sự" chẳng phải "tại trời" mà là "tại người"! Sắc đẹp của Thanh chẳng thua gì "diễn viên điện ảnh" trong Khổ đau và hạnh phúc không phải do trời tạo ra mà do cha mẹ cô tạc thành. Sắc đẹp là một trong những nguyên nhân để cô vừa hưởng hạnh phúc vừa nếm mùi khổ đau. Thanh đẹp người nhưng lại nhẹ dạ, dễ dãi. Chính cái tính nhẹ dạ, dễ dãi của cô đã làm hại cô chứ chẳng có "ma đưa lối quỷ dẫn đường" nào cả. Vì nhẹ dạ, dễ dãi mà cô lấy một người xấu trai , rồi cũng vì nhẹ dạ, dễ dãi không làm chủ được bản thân mà cô mang bầu với người cô yêu, mặc dù cô là gái đã có chồng.

Trong đời cô chỉ duy nhất một lần là tỏ ra có bản lĩnh là quyết tâm giữ cái thai với người yêu đang ở chiến trường cho bằng được. Và điều đó khiến cô phải trả giá. Cô bị anh chồng xấu trai lừa ký vào đơn li dị để rồi chấp nhận số phận cay đắng: cam chịu một mình nuôi con. Ngay cái chuyện Thanhh lấy  anh chàng đang còn "trai tơ" mới về cơ quan cũng quá ư dễ dãi. Và với cái bản tính dễ dãi như vậy liệu cô có níu giữ cái hạnh phúc mong manh đó được lâu dài không? Thực lòng là tôi hết sức ái ngại cho Thanh.

Với truyện ngắn Chấp nhận số phận, Đinh Tiến Hùng tiếp tục chứng minh rằng:  khổ đau và hạnh phúc đều do bản tính con người quyết định. Về sắc đẹp Thu chẳng kém gì Thanh. Và cũng như Thanh, cô lấy anh chàng Nhom vừa gầy vừa đen. Không ngờ cái anh chàng trông có vẻ hiền lành, ngoan ngoãn ấy lại bị bạn bè lôi kéo tham gia vào những vụ trấn lột để rồi  phải ngồi "bóc lịch" trong nhà tù. Thế là Thu đành "chấp nhận số phận" tìm xuống thành phố chạy hàng, mở hướng làm ăn. Và cuộc đời Thu bắt đầu thay đổi từ đó. Thu đành "nhắm mắt đưa chân" làm thân phận nàng Kiều thời hiện đại. Cái hạnh phúc mà cô tình cờ gặp được ở cuối truyện cũng khá bấp bênh. Chắc Đinh Tiến Hùng phần nào bị cái quan niệm "ở hiền gặp lành" chi phối nên anh kết thúc hầu hết các truyện ngắn của mình đều "có hậu".

Tình dục là một yếu tố mà Đinh Tiến Hùng triệt để khai thác. Đây là trào lưu chung hiện nay. Bây giờ việc miêu tả quan hệ tình dục không còn bị cấm kị như trước đây nữa. Vấn đề là miêu tả thế nào cho hợp tình, hợp lí. Đọc truyện của Hùng, ta bắt gặp khá nhiều "cảnh nóng". Cũng may là anh biết dừng lại đúng chỗ nên dừng, không quá đà, quá trớn. Bà chủ quán trong Tình yêu trẻ mãi,  đã ngoài 60  mà Hạnh quen biết có cách nghĩ, cách sống khá "hiện đại": "Người ta có thể đến với nhau một cách tự nguyện không bị ràng buộc về kinh tế và pháp lý". Sống vui, sống khỏe, sống lạc quan làm cho chị ta "trẻ mãi không già"! Đó phải chăng cũng là một triết lí về hạnh phúc của Đinh Tiến Hùng?

Ở một truyện ngắn khác - truyện Biệt thự mặt trời lặn, anh kể về một mối tình "ngoài chồng, ngoài vợ". Hải là trai có vợ, Hà là gái chưa chồng. Họ gặp gỡ và yêu nhau. Hạnh phúc gia đình Hải có nguy cơ tan vỡ nếu họ không biết hy sinh tình yêu của mình. Ở vào tình cảnh éo le ấy, vai trò người vợ hết sức quan trọng. Nếu vợ Hải khi biết chuyện chồng mình có người con gái khác đem lòng yêu thương mà ghen tuông lồng lộn, xử sự thiếu khôn ngoan thì hậu quả sẽ khôn lường...        

Viết được một truyện ngắn hay là điều cực khó. Hơn nữa thưởng thức nghệ thuật còn tùy thuộc nhiều yếu tố: lứa tuổi, trình độ, giới tính... Một "cây bút trẻ" như Đinh Tiến Hùng mà viết được vài truyện ngắn mang tính triết lí như Khổ đau và hạnh phúc là một cố gắng vượt bậc của anh. Ở Quảng Bình hiện nay, theo tôi biết những người viết truyện ngắn chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Vì vậy, việc xuất hiện cây bút truyện ngắn ở vùng quê Minh Hóa xa xôi là tín hiệu hết sức đáng mừng.

Mai Văn Hoan